Trên thế giới, ở các nước có nền chăn nuôi đại gia súc phát triển, vấn đề thức ăn rất được quan tâm và đầu tư nghiên cứu như: Úc, Mỹ, Brazin, … Chăn nuôi là một bộ phận quan trọng trong hệ thống sản xuất vùng đồi núi ở vùng Ðông Nam Á, nên cũng đã có những quan tâm đầu tư cho lĩnh vực này.
Ở Indonêxia, trong tình hình thức ăn của trâu, bò chiếm 56% là cỏ tự nhiên, 21% là rơm, 16% là cây lá khác và 7% là phụ phẩm thì trong 4 giải pháp để giải quyết thức ăn là thâm canh, trồng giống cỏ tốt (cỏ Voi và cây Ðậu).
Ở Thái Lan, với 70% dân số liên quan đến sản xuất nông nghiệp, sản phẩm trồng trọt có giá trị thấp, thịt bò và sữa chưa đủ cung cấp theo nhu cầu tiêu dùng. Theo FAO, Chính phủ Thái Lan có chủ trương tăng thu nhập của người nông dân bằng giải pháp: giảm trồng lúa, sắn, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đặc biệt là gia súc nhai lại. Nông dân nuôi bò trong dự án được cấp hạt giống cỏ để trồng.
Ở Philippiin, với 90% gia súc nhai lại nuôi tại vườn nhà hoặc ở các trang trại nhỏ được trồng các giống Stylo 184, Panicum maxinum, Paspalum
atratum, … đều phát triển tốt cung cấp nguồn thức ăn cho gia súc.
Một số nước khác như Malaysia, Lào, … cũng đã chú trọng đầu tư phát triển cây thức ăn cho gia súc từ những năm 1985. Cho đến nay một số giống cỏ Hoà thảo và cỏ họ Ðậu được chọn lọc, đang phát huy hiệu quả cao trong sản xuất. Hằng năm sản xuất được 2 - 3 tấn hạt cỏ các loại.
Ngoài những nghiên cứu về cây thức ăn cho gia súc còn có các nghiên cứu về các biện pháp xử lý thức ăn giàu xơ sử dụng cho gia súc nhai lại đã và đang được thực hiện ở một số nước phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan,... bằng các biện pháp vật lý, hóa học, sinh học để nâng cao chất lượng phụ phẩm bao gồm: xử lý xút NaOH theo phương pháp Beckman, phương pháp nhúng, xử lý bằng khí NH3 hoặc dùng NH3 lỏng.
Theo Preston và Leng (1987) [35], rơm xử lý bằng phương pháp ủ urê đã làm giảm lượng thức ăn tiêu tốn và tăng tiêu thụ rơm ủ. Ở Sri Lanka, sử dụng rơm ủ urê làm thức ăn cho nuôi bò cũng đã được áp dụng.
Preston (1995) [36] đã nghiên cứu sử dụng một số sản phẩm từ mía là: Ngọn, lá và rỉ mật làm thức ăn cho động vật nhai lại.
Như vậy, phong trào trồng cây thức ăn xanh, chế biến và sử dụng thức ăn thô xanh, phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi gia súc đang được nhiều nước quan tâm. Nó thực sự là động lực thúc đẩy ngành chăn nuôi đại gia súc phát triển.