* Rơm là loại thức ăn thô, chất lượng thấp đặc trưng bởi hàm lượng xơ cao, nghèo protein, khoáng và vitamin. Theo Preston và Leng (1991) [35] thì rơm rạ khi sử dụng làm thức ăn cho gia súc bị hạn chế bởi các yếu tố như tỷ lệ tiêu hoá các chất dinh dưỡng thấp; hàm lượng protein thấp; hàm lượng các chất khoáng thấp và tính ngon miệng không cao.
Trong vách tế bào thực vật của rơm được cấu tạo chủ yếu là chất xơ gồm thành phần chính là cellulose, hemicellulose và lignin. Các thành phần xơ không có giá trị dinh dưỡng với động vật dạ dày đơn, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với động vật loài nhai lại.
- Cellulose: Là một cấu trúc phổ biến nhất ở thực vật, chiếm khối lượng lớn trong mọi loại cây trồng và là thành phần chủ yếu cấu tạo nên vách tế bào thực vật. Đây là loại polysacaride có độ bền hoá học cao, nó chỉ bị thuỷ phân bởi các axit mạnh, các enzym trong hạt nảy mầm, men tiêu hóa của nấm và VSV mà không bị phân giải bởi các men tiêu hoá của động vật. Trong dạ cỏ của động vật nhai lại, cellulose tiêu hoá được nhờ có men cellulaza do VSV sống cộng sinh trong dạ cỏ tiết ra tạo thành glucose hoặc lên men cellubiaza tạo ra các axít béo bay hơi (axit acetic, axit propionic, axit butyric).
- Hemicellulose có cấu trúc nhỏ nằm trong vách tế bào, phần lớn nó liên kết chặt chẽ với lignin tạo ra phức hợp lignin - hemicellulose khó bị phân giải. Hemicellulose kém bền hơn cellulose, không hoà tan trong nước nhưng hoà tan trong dung dịch kiềm và có thể bị thuỷ phân bởi axít yếu, hemicellulose cùng với cellulose cấu tạo nên vách tế bào thực vật, nó thường có mặt trong các bộ phận đã hóa gỗ của cây trồng, có mặt trong rơm, hạt, lá cây và cám.
- Lignin: Là chất có cấu tạo phức tạp, thường có mặt trong các bộ phận chứa nhiều xơ của cây trồng như vỏ trấu, rễ, thân và lá. Lignin luôn đi kèm với cellulose và hemicellulose trong vách tế bào nên làm giảm khả năng tiêu
hóa chúng. Dưới tác dụng của dung dịch kiềm liên kết hemicellulose - lignin bị phá vỡ đã làm khả năng tiêu hóa tăng lên nhưng lignin không bị phá hủy. Trong vách tế bào rơm lignin liên kết với cellulose và hemicellulose bằng mạch nối ester và hydrogen. Ngoài ra, lignin còn liên kết với protein bằng liên kết hoá trị. Các liên kết hoá học trên bền trong môi trường dạ cỏ nên đã làm giảm thấp tỷ lệ tiêu hoá và thành phần dinh dưỡng trong rơm (Nguyễn Trọng Tiến (1991) [17]. Vì vậy, cần nghiên cứu áp dụng các phương pháp khác nhau nhằm nâng cao chất lượng và tỷ lệ tiêu hóa rơm làm thức ăn cho gia súc, tránh lãng phí nguồn thức ăn này.
Nghiên cứu xử lý rơm để tăng giá trị làm thức ăn cho trâu bò, đã có rất nhiều tác giả quan tâm. Lê Xuân Cương và cs (1993) [2], nghiên cứu tác dụng của rơm ủ urê đối với sức sản xuất của bò sữa và trâu cày. Kết quả nghiên cứu trong hai năm 1991 - 1992 đã cho thấy rằng thành phần dinh dưỡng, tỷ lệ tiêu hoá, khả năng tổng hợp bằng hệ vi sinh vật dạ cỏ ở rơm ủ urê cao hơn rơm không ủ 2 - 4%; ăn rơm ủ làm tăng năng suất sữa và không ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
Về chế biến và sử dụng rơm làm thức ăn cho gia súc nhai lại, Nguyễn Xuân Trạch (2007) [24], đã nghiêu cứu rất tỉ mỉ các giải pháp chế biến và hiệu quả của chúng được đánh giá bằng phương pháp in sacco cũng như thí nghiệm sinh trưởng trên bò. Nguyễn Thị Tịnh và Lê Minh Lịnh (2000) [18], cũng nghiên cứu đánh giá hiệu quả của một số công thức chế biến rơm cho bò và đánh giá bằng phương pháp in sacco. Tác giả đã tiến hành đánh giá 4 công thức ủ gồm đối chứng (không ủ); rơm ủ 4% urê ở 14 và 21 ngày; rơm ủ 4% Ca(OH) 2 ở 14 và 21 ngày; rơm ủ 2% urê + 2% Ca(OH) 2 ở 14 và 21 ngày. Kết quả cho thấy nhìn chung các phương pháp xử lý đều làm tăng chất lượng của rơm, trong đó xử lý rơm bằng 4% urê cho kết quả tốt nhất.