Việc phân loại công cụ tài chính trong các công ty chứng khoán ở Việt Nam trên thực tế phụ thuộc vào nhu cầu quản lý và tình hình kinh doanh của từng doanh nghiệp nên có các cách phân loại khác nhau. Mối cách phân loại đều có ưu và nhược điểm riêng. Ta chủ yếu phân thành hai loại: Công cụ tài chính truyền thống và công cụ tài chính phái sinh.
Đối với Công cụ tài chính truyền thống
Theo thông tư 95/2008/TT-BTC ngày 24/10/2008 thì các công ty chứng khoán phân chứng khoán mua vào thành hai loại là :
- Đầu tư chứng khoán ngắn hạn là chứng khoán thương mại gồm có : chứng khoán thương mại là các chứng khoán mà công ty mua vào với mục đích
hưởng chênh lệch giá trong ngắn hạn gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các chứng khoán khác.
- Đầu tư chứng khoán dài hạn gồm các chứng khoán đầu tư dài hạn với mục đích nắm giữ đến ngày đáo hạn và chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán.
+ Chứng khoán nắm giữ đến ngày đáo hạn là các chứng khoán phi phái sinh hưởng các khoản thanh toán cố định hoặc có thể xác định và có thời gian đáo hạn cố định mà công ty có ý định và có khả năng nắm giữ đến ngày đáo hạn. + Chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán là các chứng khoán phi phái sinh được xác định là sẵn sàng để bán mà không phải là các khoản đầu tư chứng khoán nắm giữ đến ngày đáo hạn hoặc là chứng khoán thương mại.
+ Trong trường hợp công ty chứng khoán không có ý định hoặc không có khả năng nắm giữ khoản chứng khoán cho đến lúc đáo hạn thì nó được phân loại vào nhóm “ chứng khoán sẵn sàng để bán” .
Đối với công cụ chứng khoán phái sinh
Cho tới thời điểm hiện tại, chưa có quy định cụ thể nào yêu cầu phân loại đối với chứng khoán phái sinh, theo thông tư 210/2009/TT-BTC, công cụ tài chính nói chung cần được phân loại thành tài sản tài chính hoặc nợ tài chính. Trong dự thảo thông tư hướng dẫn kế toán công cụ tài chính phái sinh, công cụ chứng khoán phái sinh được phân loại theo mục đích sử dụng là phòng ngừa rủi ro hay thương mại, việc phân loại này được thực hiện tại thời điểm hợp đồng có hiệu lực . Doanh nghiệp phải căn cứ vào mục đích sử dụng để áp dụng phương pháp kế toán một cách phù hợp, nhất quán. Trên bảng cân đối kế toán, đối với bên bán, công cụ chứng khoán phái sinh được xác định như một khoản nợ tài chính, còn đối với bên mua thì được xác định là tài sản tài chính
Điển hình một số công ty phân loại như sau:
ACBS cũng phân loại các khoản đầu tư chứng khoán dài hạn theo Thông tư 95/2008/TT-BTC. Các khoản đầu tư chứng khoán dài hạn được phân thành chứng khoán sẵn sàng để bán và chứng khoán nợ giữ đến ngày đáo hạn.
Chứng khoán nợ giữ đến ngày đáo hạn là các chứng khoán có kỳ
hạn cố định và các khoản thanh toán cố định hoặc có thể xác định được và Ban Tổng giám đốc có ý định và có khả năng giữ đến ngày đáo hạn
Chứng khoán sẵn sàng để bán là các chứng khoán được giữ trong
thời gian không ấn định trước, có thể được bán để đáp ứng nhu cầu thanh khoản hoặc để ứng phó với trường hợp thay đổi lãi suất, tỷ giá, hoặc giá trị chứng khoán.
- Tại ACBS thì quy định chứng khoán đầu tư ngắn hạn là các chứng khoán kinh doanh.
* Phân loại công cụ tài chính tại Công ty SBS
Công ty phân loại: chứng khoán đầu tư ngắn hạn gồm : chứng khoán vốn đã niêm yết, chứng khoán vốn chưa niêm yết và chứng khoán nợ, Chứng khoán đầu tư dài hạn gồm chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán và chứng khoán nợ. Ở các công ty chứng khoán khác chứng khoán đầu tư cũng được phân làm hai loại: chứng khoán đầu tư ngắn hạn (chứng khoán kinh doanh ) và chứng khoán đầu tư dài hạn.
Đối với công cụ tài chính phái sinh thì cả hai công ty trên đều chỉ đang sử dụng hợp đồng quyền chọn.