Lý tưởng phiêu lưu

Một phần của tài liệu Tìm hiểu cốt truyện phiêu lưu trong tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Hukle Berry Finn (Theo quan niệm về cốt truyện của IU.M.LOTMAN) (Trang 103)

trong “Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn”

3.2.1 Lý tưởng phiêu lưu

Chúng ta nhận thấy, trong truyện phiêu lưu, nhân vật di chuyển qua các không gian khác nhau đều xây dựng cho mình một lý tưởng phiêu lưu cao đẹp. Thế giới mở ra trước mắt họ những chân trời bao la, hấp dẫn, biết bao điều cần phải chinh phục. Một Rôbinsơn khao khát được sống với biển trời rộng lớn, lạc vào đảo hoang, anh ta lạc quan khám phá chinh phục miền đất lạ đó và biến nó thành thiên đường sống của mình, mình là “chúa đảo” trong suốt hai mươi tám năm là một điển hình tiêu biểu. Hoặc có thể, nhân vật phiêu lưu vì lý tưởng lập chiến công, làm giàu như trong các tiểu thuyết phiêu lưu hiệp sĩ. Hoặc cũng có thể nhân vật ra đi tìm ánh sáng văn minh,

lương thiện, những xứ sở tươi đẹp, qua đó phê phán thực tại chuyên quyền ở xứ sở của họ trong các tiểu thuyết phiêu lưu thời Ánh sáng như“Zidig hay số mệnh” của Voltaire, “Những bức thư Ba tư” của Montesquieu,…

Huck sinh ra trong một gia đình không tình thương. Bố mẹ suốt ngày đánh nhau. Bản thân Huck luôn bị đánh đập. Trong cơn say, bố Huck tí chút đã khiến Huck bỏ mạng. Bản năng sinh tồn trỗi dậy trong Huck, cậu hiểu rằng, mình không thể giữ được mạng sống nếu còn tiếp tục ở lại với ông bố dã man. Đó là một trong những nguyên nhân lớn thúc đẩy cuộc chạy trốn của Huck. Ra đi để tìm sự sống cho mình.

Gia đình, cha mẹ không cho Huck một cuộc sống theo đúng nghĩa. Huck luôn phải chạy trốn khỏi bạo lực gia đình. Nhưng khi được kéo vào gia đình nhà bà Goá, không có cảnh bạo lực, chỉ có những ân cần thì cuộc sống của Huck lại nảy sinh một vấn đề khác. Vấn đề sống như thế nào? Mỗi người đều có quan niệm và cách sống của riêng mình. Cách sống ấy phần nhiều là do khí chất, tính cách quyết định. Không thể đưa cách sống của người này để áp dụng cho người khác. Và Huck cũng vậy, không thể sống và làm theo ý của người khác, dù đó là những người tốt như bà goá, chưa một lần làm hại Huck, hơn nữa còn cho Huck ăn, học những điều hay lẽ phải của cuộc sống văn minh. Huck vốn đã quen sống của một đứa trẻ lang thang, không một quy tắc sống nào của xã hội có thể ngự trị và điều khiển được Huck. Quen với cảnh được tự do đi lại nay đây mai đó; ăn uống ngủ nghỉ, chơi bời, không ai quản thúc, mình làm chủ mình, nên sống trong gia đình bà Goá, Huck thấy cuộc sống “quẩn quanh thế này thì khổ thật”. “Vì tôi cứ phải gò mình làm thế nào cho đúng với khuôn phép của mụ”. Đứng ngồi, ăn ngủ phải theo nề nếp, nói thì phải nói những câu văn hoa, lịch sự. Lại phải đi học, cầu kinh… Cho nên, đến lúc không chịu được nữa, Huck tính cách chuồn đi. Lần thứ nhất,

Huck mặc lại vào người bộ quần áo cũ rách rưới, đầu tóc lại rối bù, Huck trở về làm bạn với những chiếc thùng rỗng ngoài vệ dường. Huck tự cởi trói cho mình, sống tự do thoả thích. Đây là hành động đánh dấu thái độ từ chối văn minh của Huck. Huck không chịu đựng được cuộc sống “khuôn khổ”, bị trói buộc cả tinh thần và thể xác trong đó. Nếu cứ “an phận” sống cuộc sống đó, Huck sẽ bị tước đoạt cái quý giá nhất mà cậu có từ trước tới nay, tự do. Đó là một tính cách khác biệt của nhân vật ở cái làng St. Peterburg này.

Lần thứ hai, dù không chủ ý ra đi, bị bố bắt cóc, nhưng khi có cơ hội quay lại, Huck không thể quay trở lại nữa. Vì Huck không muốn sống lại cuộc sống chết cứng của những khuôn khổ cứng nhắc ở nhà bà goá thêm một lần nữa. Ở đó, Huck sẽ chết, một cái chết về tinh thần, nó còn bi thương hơn cái cái chất vì đòn roi. Không thể sống được nếu Huck không trốn chạy. Và Huck đã làm thế. Huck tự khai tử cho mình bằng một hiện trường giả (giống như thật) của một vụ giết người cướp đồ đạc. So với Tom, một cái tôi nổi loạn, muốn phủ nhận hiện tại đau buồn của mình vì thất tình, đã từng bỏ nhà đi làm cướp ở đảo Jăcsơn nhưng rồi cũng quay về vì nhớ nhà, thì sự chối bỏ phủ nhận thực tại của Huck quyết liệt, mạnh mẽ và dứt khoát hơn nhiều. Huck không thể thoả hiệp một phút giây nào với xã hội văn minh của bà goá, cũng không thể chịu đựng thêm chút nào với đòn roi của ông bố. Huck phải ra đi để tìm tự do cho bản thân mình.

Hai lý do trên làm nên mục đích và tính chất cuộc chạy trốn của Huck, cũng chính là lý tưởng phiêu lưu của nhân vật mà Mark Twain kỳ công xây dựng. Cuộc phiêu lưu của Huck do đó không phải là mở rộng hiểu biết để lập chiến công, cũng chẳng phải để thoả mãn khát vọng làm giàu như các cuộc phiêu trước đây. Đó là hành động trốn tránh, chối bỏ thực tại một cách dứt khoát, quyết liệt. Mục đích của Huck vì vậy mà thiêng liêng, cao cả hơn

nhiều vì nó gắn liền với hai tiếng tự do và bởi sự sống của con người. Chừng nào con người chưa có tự do, chừng nào con người chưa đối xử với nhau như Người, thì chừng đó Huck còn tẩu thoát cho dù môi trường đó là văn minh hay hoang dã.

Theo tiếng gọi của tự do, Huck bước chân vào hành trình phiêu lưu. Song chỉ là đi, còn đi đâu, về đâu để bảo tồn nó thì Huck chưa nghĩ tới. Với Huck, phía trước là con đường vô định. Chỉ khi gặp Gim, lý tưởng cuộc sống của Huck mới thực sự được trở nên rõ ràng.

Huck gặp Gim trong một hoàn cảnh, biến cố vô cùng đặc biệt, đang ẩn nấp ở đảo Jăcsơn. Những cảm nhận về giá trị tự do của Gim gặp chí hướng, lý tưởng tự do của Huck khiến họ thành cặp đôi song trùng, tương hỗ tương trợ cho nhau trong suốt chặng đường phiêu lưu. Phải chăng cũng vì vậy, khi Huck biết được người ta đang truy lùng Gim, Huck không “chậm chễ một phút nào”, giục Gim cùng mình chạy trốn. Chạy trốn để bảo toàn cho tự do mà họ đã cố gắng rất nhiều đến bây giờ mới có được. Hơn nữa, cuộc chạy trốn của Huck khi chưa gặp Gim chưa được định hướng rõ ràng, cậu cứ “theo dòng sông tới một nơi mênh mông”. Gặp Gim, theo nguyện vọng của Gim, Huck tìm cách đưa chiếc bè của mình hướng tới Caiô, vùng đất tự do, thánh địa của những người nô lệ. Hành trình của Huck vì vậy có hướng đi rõ ràng với một lịch trình cụ thể. Tuy nhiên, đường tới Caiô không dễ dàng như đi là tới. Có rất nhiều biến cố xảy ra , rào cản, ranh giới được dựng lên. Trong Huck bức tường rào sừng sững ngăn cách hai thế giới, thế giới của kẻ chủ nô và người nô lệ chưa phải đã được xoá bỏ ngay được. Đã có lúc Gim run lên sung sướng bao nhiêu vì sắp trở thành người tự do thực sự và mãi mãi, thì Huck run lên “đến phát sốt” vì “tôi cũng đã bắt đầu cảm thấy trong đầu rằng hắn là người tự do nhất”. Ý thức của một người da trắng trong Huck trỗi dậy,

cậu ta truy tìm nguyên nhân trong hai tiếng tự do của người nô lệ chạy trốn kia “Và cái đó là tại ai? Tại tôi chứ ai” (tr.472). Sự giằng co đấu tranh quyết liệt giữa con người tự nhiên thuần khiết và con người xã hội đại diện của người da trắng bắt đầu diễn ra trong đầu Huck. Con người tự nhiên trong cậu nói rằng “không phải lỗi tại tôi, vì không phải chính tôi làm cho Gim chạy trốn khỏi tay người chủ có quyền hành đối với hắn”, hơn nữa Huck cũng đã từng mất tự do trong cái xã hội đầy phép tắc luật định ấy, nên hơn ai hết, cậu cảm thông và chia sẻ với Gim hai tiếng tự do “mày phải biết rằng Gim trốn đi vì tự do, mà mày không thể lên bờ mà nói với ai như vậy được”. Nhưng ý thức của con người xã hội kia lại đưa ra những lời tranh biện, kết tội một cách gay gắt, quyết liệt “Cô Oatsơn có làm gì mày đâu mà mày lại thản nhiên nhìn anh da đen của cô ấy bỏ trốn và mày không hề nói một lời nào như vậy? Thật hèn quá, xấu xa quá và đáng chết quá”. Tính đa thanh phức điệu trong tác phẩm của Mark Twain cho thấy chiều sâu trong tâm hồn của nhân vật phiêu lưu, cái mà không có trong cuộc sống của các nhân vật phiêu lưu truyền thống. Cân nhắc, đắn đo, cuối cùng Huck lại tìm mọi cách để che chở cho Gim. Huck đã không tước đoạt đi cái tự do mà con người cần phải có, dù đó là người nô lệ thuộc chủng tộc da đen đi nữa. Quyết định cứu Gim, Huck về mặt đạo đức đã vượt ra khỏi những giàng buộc của xã hội chiếm hữu nô lệ. Huck cũng thực sự thành người tự do. Tự mình quyết định hành động của mình chứ không phải làm theo khuôn mẫu giáo điều đạo đức mà xã hội da trắng quy định. Về mặt xã hội việc che chở và mang lại tự do cho anh nô lệ da đen Gim, Huck trở thành kẻ phạm tội. Vậy thì đâu cứ phải giết người mới phạm tội, giúp người, cứu người như Huck cũng coi là tội phạm. Tính nước đôi của giá trị cuộc sống trong xã hội nhiễu nhương càng rõ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên phẩm chất của một anh hùng trong Huck lại bắt đầu từ hành vi

phạm tội này. Mặc dù biết mình phạm tội với bà Oatsơn, biết mình trái với quy tắc của toàn xã hội da trắng, biết mình sẽ bị đầy ải, …nhưng vì tự do của Jim, Huck sẵn sàng trở thành kẻ tội phạm. Tầm vóc anh hùng của Huck vì thế có thể sánh ngang với Promete- người tuẫn tiết đầu tiên trong lịch sử triết học. Cái khác ở đây là, Promete có sức mạnh siêu nhiên của thần thánh, lại ý thức rõ rệt về hành động của mình, còn Huck vẫn là một cậu bé mang trong mình với phẩm chất đời thường của con người. Mark Twain đã dùng cái vô thức bản năng hướng thiện của đứa trẻ đối lập với sự dã man, tàn bạo của thế giới người lớn trong xã hội văn minh, thực hiện ước mơ lý tưởng tự do.

Sau này, dù không bao giờ tới được Caiô, nhưng Huck luôn tìm cách xoay sở để bảo vệ Gim. Gim bị lừa bán đi, Huck suy sụp vô cùng “tôi ngồi xuống khóc, không thể nào kìm được” (tr.656). Lần đầu tiên trong tác phẩm, Huck khóc, khóc vì Gim, một người bạn, khóc vì mình không bảo vệ được tự do của Gim. Huck lại tìm mọi cách để tìm và cứu Gim. Huck phải làm cho Gim tự do, tự do theo đúng nghĩa của nó, cho dù mình có phải đi xuống địa ngục cũng đành “không thể nào khác được”. Huck khẳng định “Vì chừng nào tôi còn đi trong con đường này, mà tôi thích thế, thì tôi còn đi đến cùng” (tr.661). Huck sẵn sàng làm tất cả kể cả “giữ lại một điều trái đạo lớn nhất trong người”, “tôi phải cướp lại Gim để Gim thoát khỏi đời nô lệ” (tr.661). Một thằng Huck dốt nát chỉ biết phá phách đã biến thành một đứa trẻ biết suy nghĩ, nghĩ về người khác. Huck, từ một kẻ ham xê dịch đã trở thành một người biết xác định mục đích sống của mình.

Việc một người da trắng nghèo không đem Gim ra nộp lĩnh thưởng mà còn tìm mọi cách để cứu Gim thoát khỏi những bàn tay độc ác, Mark Twain không chỉ cho ta thấy tinh thần nhân đạo của ông trong tác phẩm mà còn cho ta thấy một điều lớn hơn: lý tưởng cao quý của nhân vật phiêu lưu, không chỉ

giải phóng mình khỏi xiềng xích mà còn giải phóng đồng loại khỏi kiếp đời nô lệ. Nhân vật phiêu lưu của Mark Twain đúng như M.Bakhtin khẳng định là nhân vật tiểu thuyết của “thời hiện tại chưa hoàn thành”, trong đó “con người lớn hơn bộ quần áo xã hội”. Hành trình đơn độc đưa Gim chạy trốn của Huck là hành trình mang tính cách mạng nhất trong tư duy của một người da trắng, khẳng định ước mơ lý tưởng của con người về một xã hội dân chủ, tốt đẹp, điều mà cả cuộc đời Mark Twain đã tham gia đấu tranh một cách không mệt mỏi.

Như vậy có thể nói, hành trình phiêu lưu của Huck thoạt tiên là để tìm tự do cho chính mình. Tự do cho bản thân để được thay đổi, hoàn thiện mình. Tự do giúp cậu thoát khỏi bạo lực gia đình, người cha nghiện rượu và dữ đòn và xiềng xích của xã hội. Nhưng thực chất là để giúp nô lệ Gim tìm về miền tự do. Cuộc phiêu lưu của Huck không hoàn toàn là cuộc phiêu vì những kỳ thú của cuộc sống mà cuộc phiêu lưu ấy còn là hành trình đi tìm lý tưởng sống của chính mình. Không có một Caiô trong hiện thực, nhưng lại có một Caiô trong tâm tưởng, tinh thần, lý tưởng của Huck. Lý tưởng phiêu lưu của nhân vật phiêu lưu trong sáng tác của Mark Twain vì vậy mang âm vang tinh thần và sứ mệnh của thời đại. Lý tưởng phiêu lưu của nhân vật trong tác phẩm này không phải được định hình, có sẵn trong con người ngay từ khi bước chân vào phiêu lưu mà nó được xây dựng từ chính những trải nghiệm của nhân vật trong những hoàn cảnh, biến cố khác nhau của cuộc sống. Chính vì vậy nó trở thành điểm nhấn quan trọng trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Mark Twain. Mark Twain đã làm được những điều đúng như Herry Janes từng nhận xét “tạo ra cuộc sống, tạo ra mối quan tâm và tạo ra sự quan trọng”.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu cốt truyện phiêu lưu trong tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Hukle Berry Finn (Theo quan niệm về cốt truyện của IU.M.LOTMAN) (Trang 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)