Hệ thống nhân vật theo quan niệm của Lotman

Một phần của tài liệu Tìm hiểu cốt truyện phiêu lưu trong tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Hukle Berry Finn (Theo quan niệm về cốt truyện của IU.M.LOTMAN) (Trang 82)

trong “Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn”

3.1.1 Hệ thống nhân vật theo quan niệm của Lotman

Nhân vật trong tác phẩm văn học luôn là điểm xuất phát và là trung tâm của sự miêu tả nghệ thuật. Đối với nhà văn, nhân vật là hạt nhân của sáng tạo nghệ thuật, là yếu tố mang cảm hứng nhân văn và là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người. Về phía bạn đọc, nhân vật là “chìa khoá” để “giải mã” những vấn đề hiện thực mà nhà văn đặt ra trong tác phẩm.

Tùy theo tiêu chí phân loại, mục đích nghiên cứu mà nhân vật được phân chia thành những hệ thống kiểu loại khác nhau. Dựa trên chức năng cấu trúc, V.IA.Propp đã chỉ ra hệ thống nhân vật bao gồm: nhân vật, trợ thủ, kẻ phá hoại. Cách phân chia này phù hợp nhất khi phân tích nhân vật chức năng của truyện cổ tích. IU.M.Lotman dựa trên mối quan hệ giữa nhân vật và trường ngữ nghĩa bao quanh nó với những quan hệ khác biệt và tự do tương hỗ, ông phân chia nhân vật thành hai tiểu hệ thống: hệ thống nhân vật không hành động và hệ thống nhân vật hành động.

Nhân vật không hành động là nhân vật là nhân vật phù hợp với môi trường xung quanh nó về bản chất, hoặc không có khả năng thoát khỏi nó. Hệ thống nhân vật này không làm cốt truyện phát triển.

Nhân vật – kẻ hành động thể hiện như là kẻ khắc phục trường ngữ nghĩa bao quanh nó, còn ranh giới đối với kẻ hành động thì như vật cản.

Khắc phục ranh giới, kẻ hành động đi vào trường ngữ nghĩa đối cực so với điểm khởi đầu. Cốt truyện vì vậy càng được phát triển. Về mặt cấu trúc, kẻ hành động chính là nhân nhân vật trung tâm, nhân vật chính của tác phẩm. Nó luôn gắn liền với môi trường bao quanh, những vật cản và những sự trợ giúp. Kẻ hành động có thể có dạng hình thể nhân học. Trong trường hợp này, cốt truyện sẽ là sự phát triển quan hệ giữa những con người. Đứng trên góc nhìn văn hoá, các văn bản có kẻ hành động ở dạng thể này là các văn bản sáng tạo bởi con người và để cho con người. Kẻ hành động cũng có thể không có hình thái nhân chủng, trong khi ấy những đặc tính nhân chủng lại được gán ghép cho ranh giới hoặc môi trường xung quanh. Ví dụ như trong các văn bản ngụ ngôn, thần thoại, cổ tích, những con vật – đội lốt là kẻ hành động, còn con người chỉ thực hiện vai trò tình huống của hành động (môi trường xung quanh, vật cản, cái trợ giúp). Tác phẩm Illiat kể về một cuộc chiến kép đang diễn ra: cuộc chiến giữa các nhóm thần và giữa những người của Ashin và người Troa. Từ góc độ trường ngữ nghĩa tôn giáo – đạo đức thì các vị thần và quỷ sứ là những người hành động, còn con người chỉ là điều kiện có tính chất như công cụ của hành động. Con người trong những trường hợp này không phải là tác giả của cuốn sách thiêng liêng mang tên cuộc sống mà là những công cụ để thực hiện những hành động (mệnh lệnh, ham muốn) của thần linh, thượng đế. Trong các văn bản sử ký, tác phẩm văn học nghệ thuật hiện đại, các nhân vật nằm trong các trường ngữ nghĩa khác với những đặc tính khác, như chính trị chẳng hạn, nhân vật con người trong môi trường bao quanh này, được thể hiện như những nhân vật hành động, còn những lời cầu nguyện, những lời nguyền rủa thì như trợ thủ hoặc lực cản – những điều kiện hành động.

Như vậy ta có thể xác định được là những nhân vật của văn bản nghệ thuật mang tên người hoặc có dáng vẻ con người bao gồm hai nhóm: nhóm những nhân vật hành động và nhóm các điều kiện hoàn cảnh của hành động. Để hai nhóm này đảm bảo được chức năng phát triển của cốt truyện thì nó đòi hỏi nhà văn phải có một kiểu tư duy riêng về thế giới: đó là quan niệm cho rằng con người là một lực lượng hành động và cũng chính con người lại tạo ra trở ngại cho mình.

Nhân vật hành động khác với nhân vật không hành động ở chỗ nó được phép làm một số điều vốn bị cấm đối với nhân vật khác. Nó là người duy nhất có đặc quyền có những hành vi riêng biệt. Hành vi ấy có thể là anh hùng, đạo đức hoặc cũng có thể là vô đạo, ngông cuồng, kỳ quặc, nhưng luôn không bị rằng buộc bởi những trách nhiệm mà các nhân vật không hành động nhất thiết phải thực thi.

Kẻ hành động có thể là cá nhân hoặc tập thể, một nhóm, một giai cấp, một dân tộc, miễn sao phẩm chất linh hoạt trong môi trường bao quanh của nhân vật được đảm bảo. Hành động nhân vật là hành động tự thân, chứ không phải là hành động thực hiện một sai khiến nào như một công cụ cho mục đích của kẻ khác.

Trong một tác phẩm cụ thể, nhân vật hành động và nhân vật không hành có thể chuyển hoá cho nhau trong vai trò thúc đẩy cốt truyện. Nếu nhân vật hành động hoà nhập với trường ngữ nghĩa mới bao quanh nó, hoạt động tự mình của anh ta ngừng lại, khi ấy nhân vật hành động biến thành nhân vật không hành động.

Trong truyện phiêu lưu, hệ thống nhân vật hành động và nhân vật không hành động cũng được thể hiện một cách rõ nét. Nhân vật hành động là nhân vật chính. Chuỗi hành động của nhân vật làm nên sự vận động của cốt

truyện. Nhân vật chính trong các tác phẩm này cũng chính là nhân vật phiêu lưu.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu cốt truyện phiêu lưu trong tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Hukle Berry Finn (Theo quan niệm về cốt truyện của IU.M.LOTMAN) (Trang 82)