Cốt truyện của truyện phiêu lưu theo cách nhìn về cốt truyện của Lotman

Một phần của tài liệu Tìm hiểu cốt truyện phiêu lưu trong tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Hukle Berry Finn (Theo quan niệm về cốt truyện của IU.M.LOTMAN) (Trang 41)

2 Quan niệm cốt truyện hiện đạ

1.2.2 Cốt truyện của truyện phiêu lưu theo cách nhìn về cốt truyện của Lotman

Lotman

Theo quan niệm của Lotman, biến cố là đơn vị cơ sở của cốt truyện. Biến cố luôn là sự vi phạm một ngăn cấm nào đó. Cốt truyện có mối quan hệ mật thiết với bức tranh thế giới, là yếu tố cách mạng nhất đối với bức tranh thế giới. Trong một văn bản bức tranh thế giới này luôn là những hiện thực mang tính không gian. Dấu hiệu không gian chỉ dẫn ranh giới phân biệt giữa các thế giới. Những nhân vật hành động thì có quyền vượt qua ranh giới, xoay chuyển hoàn cảnh, biến cố này, để rồi lại lâm vào những biến cố khác. Điều đó cũng có nghĩa là nhân vật sẽ băng qua những không gian khác nhau trong hành trình của mình. Do đó cốt truyện được hiểu là hành trình của nhân vật chính di chuyển qua các không gian khác nhau, tức các trường ngữ nghĩa khác nhau.

Với quan niệm cốt truyện trên, mặc dù Lotman không trực tiếp đề cập tới vấn đề cốt truyện phiêu lưu, nhưng nó lại chứa đựng nhiều vấn đề cốt tuỷ trong nghiên cứu và tìm hiểu cốt truyện phiêu lưu.

Dưới ánh sáng lý thuyết cốt truyện của Lotman, cốt truyện phiêu lưu không chỉ được tạo nên từ nhân vật thích tự do, ưa khám phá, luôn là mình trong mọi hoàn cảnh như không thể khác đi được mà còn là nhân vật luôn hành động, bằng cách này hay cách khác vượt qua mọi hoàn cảnh lâm phải của mình, để liên tục di chuyển trong không gian mới, không gian xa lạ vốn

không phải của mình, tạo nên một cuộc sống mới mẻ, đầy thú vị. Do đó diễn biến của câu chuyện chỉ thực sự bắt đầu khi nhân vật ra đi. Mỗi bước đi của nhân vật mở ra một thế giới mới, số phận nhân vật cũng theo đó mà thay đổi. Trong những cuộc phiêu lưu này, sự dịch chuyển không gian đóng vai trò vô cùng quan trọng. Một mặt nó là xung lực cho cốt truyện diễn tiến, tạo điểm thắt nút cho việc nhân vật rời khỏi môi trường quen thuộc của nó, xâm lấn một không gian khác, là điểm khởi động cho chuyến du hành của nhân vật trong thế giới xa lạ. Các không gian mà nhân vật xuất phát và tìm đến không chỉ đóng vai trò là một thứ phông nền như trong truyện cổ tích mà nó còn là một trường ngữ nghĩa, nơi nhân vật gặp biến cố và vượt qua thử thách. Mặt khác, sự dịch chuyển này chính là nguyên nhân khởi phát và chi phối đến kết cấu tác phẩm. Mỗi một không gian, trường ngữ nghĩa mà nhân vật đi qua được xem như một cuộc phiêu lưu, sự dịch chuyển không gian càng nhiều, nhân vật càng có nhiều cuộc phiêu lưu. Mỗi cuộc phiêu lưu trong một không gian này hay khác chính là một phân đoạn của cốt truyện. Cốt truyện phiêu lưu là tập hợp các phân đoạn không gian kế tiếp với những ranh giới rõ ràng, nên dường như chúng không bị chi phối bởi bất kỳ mối quan hệ nhân quả nào. Vì thế cốt truyện phiêu lưu là cốt truyện phân đoạn, biên niên. Hơn nữa, nhờ sự dịch chuyển của không gian mà toàn bộ không khí phiêu lưu được phơi bày một cách phong phú. Tính vật cản thống nhất độc đáo ở truyện phiêu lưu mới được thể hiện đầy đủ. Trong trường hợp này, không gian đóng vai trò như một thứ vật cản chứa đầy nguy hiểm, gian nan, làm cho nhân vật vượt từ nơi này đến nơi khác trở nên khó khăn hơn thậm chí nhân vật phải dừng “trò phiêu lưu” lại nếu không có những hành động cá biệt đầy sáng tạo để khắc phục vật cản, thử thách. Khi nhân vật khắc phục được ranh giới, nó sẽ đi vào không gian đối cực so với điểm khởi đầu. Nếu nhân vật không vượt qua ranh giới mà hoà nhập vào với không gian đó, nhân vật sẽ biến thành người không hành động nữa, không còn biến cố nữa thì những cuộc phiêu lưu cũng kết thúc, cốt truyện kết thúc. Cốt truyện phiêu lưu luôn tạo ra xung quanh mình những thế giới đối lập, nhân vật ở thế giới bên này, muốn đến thế

giới kia phải chấp nhận và vượt qua nhiều biến cố, thử thách.

Như vậy, quan niệm về cốt truyện của Lotman đã soi sáng các vấn đề cốt truyện phiêu lưu như: nhân vật phiêu lưu là người như thế nào, sự kiện phiêu lưu phải là những sự kiện ra sao, đồng thời giúp chúng ta có một cách nhìn sáng tỏ về không gian phiêu lưu.

Cốt truyện cổ tích ít nhiều mang màu sắc cốt truyện phiêu lưu. Ví dụ như Truyện cây khế của Việt Nam. Nhân vật em út trong truyện thuộc thế giới bên này, thế giới của những kẻ nghèo đói, yếu đuối, không hoà hợp được, hơn thế còn đối lập với thế giới bên kia của người anh cả, những kẻ giàu, kẻ mạnh. Cốt truyện vì thế mà phát triển thành hai chuỗi cốt truyện nghịch chiều, một chuỗi là kể về người em nghèo khó tốt bụng, một chuỗi là kể về người anh giàu có tham lam và ích kỷ. Với biến cố chim ăn khế “ăn một quả trả cục vàng”, người em đã thực hiện cuộc phiêu lưu cùng chim qua đại dương đến đảo vàng, trở về mang theo sự giàu có. Người anh cả cũng có cuộc phiêu lưu qua đại đương như thế, đến đảo vàng, trở về, không vượt qua ranh giới đảo biển và đất liền, vì lòng tham, chết giữa đại dương mênh mông. Hai cuộc phiêu lưu của hai anh em, nhưng hai kết thúc khác nhau, người anh đáng chết đã chết, số phận người em thay đổi, trở nên giàu có, không còn sự đối lập với thế giới của người giàu nữa. Vì vậy nên cốt truyện lập tức ngừng lại, không phát triển tiếp được. Truyện kết thúc.

Những tác phẩm hiện đại khi tập trung khai thác đời sống đầy bí ẩn bên trong của con người, thì không ít tác phẩm sử dụng kết cấu cốt truyện phiêu lưu để khám phá đời sống chính đời sống tâm hồn của con người. Truyện Con gái thuỷ thần của Nguyễn Huy Thiệp là một ví dụ. Không gian trong truyện trở thành đối tượng thẩm mỹ mang tính quyết định cấu trúc cốt truyện tác phẩm. Sinh ra và lớn lên nơi thôn quê, đó là không gian quen thuộc của Chương, nhân vật chính, nhân vật phiêu lưu của tác phẩm, ở không gian ấy, anh luôn được bình yên và có cuộc sống yên ổn. Tuy nhiên anh ý thức rất rõ một điều: không gian làng quê vô cùng chật hẹp, ở đó hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, những kiếp sống vẫn mòn mỏi, những định kiến hủ tục

nặng nề vẫn tồn tại, những ngộ nhận về giới tính và đạo đức, làm nhục, làm đau đớn bao nhiêu con người. Huyền thoại mẹ Cả là một xung lực lớn để anh rời bỏ không gian của mình, dấn thân vào những con đường khác lạ với cuộc sống của chính anh, đến những không gian xa lạ. Biến cố mà tác giả tạo nên trong truyện không phải chỉ là những sự kiện bên ngoài mà bao gồm cả những khát vọng bên trong tâm hồn của nhân vật. Ra khỏi làng quê của mình là anh đã đi qua ranh giới, cuộc sống của anh sẽ đầy những bất trắc. Nguy hiểm đến từ bên ngoài. Đi tìm mẹ Cả - con gái thuỷ thần, Chương hướng về phía mặt trời mọc, hướng ra biển mà đi mang theo khát vọng một ngày nào đó sẽ tìm thấy tình yêu đích thực của mình, tìm thấy lẽ sống của cuộc đời. Nhưng cuộc sống – thể xác lại cuốn anh ta theo dòng người đổ về thành phố. Biến cố lớn nhất, đồng thời cũng là thời điểm đánh dấu xung đột gay gắt làm thay đổi số phận của nhân vật trong truyện chính là sự kiện Chương gặp những cô gái có tên Phượng –cái tên trùng với tên mẹ Cả, huyền thoại mà anh đang đi tìm.

Chương đi tìm mẹ Cả, thế giới thuộc về anh là không gian bên ngoài: ngoài vườn, ngoài đồng, bên sông, …và biển (không gian huyền thoại, không gian trong mơ). Vượt qua ranh giới này, anh sẽ gặp sự biến. Ba lần gặp ba cô gái tên Phượng là ba lần trong cuộc đời anh có những thay đổi và dịch chuyển lớn lao. Tuy nhiên nghịch lý xuất hiện khi nơi gặp gỡ vốn không thuộc về Chương. Nó khiến anh trở nên lố bịch, lạc lõng và đau đớn. Dù là cô Phượng gặp ở lớp kế toán hay cô Phượng con ông trùm xứ đạo – những người có tình cảm với Chương, thực ra cũng chỉ là mảnh nhỏ của nàng, con gái thuỷ thần. Đối với Chương, họ chỉ như một “tín sứ” để khát vọng tìm kiếm nàng trong anh được nuôi dưỡng. Đến cô Phượng với những câu nói, triết lý sống của bà chủ giàu có, có học thức và đầy dục vọng chỉ càng bào mòn tâm hồn anh. Cùng một lúc con quỷ ích kỷ, cô đơn, vụ lợi, đê hèn trong anh và niềm khát khao, hy vọng cuối cùng trong cuộc đời mình là đến được vẻ đẹp hoàn thiện của Mẹ Cả thức dậy trong anh. Càng xa không gian rộng mở nơi làng quê với đồng ruộng, con sông,…, xa với không gian mơ ước mặt

trời, biển cả, thì nhân vật càng trở nên cằn cỗi, suy sụp và bất lực. Làm điếm cho một người đàn bà giàu có, tên Phượng, anh ta trở thành nô lệ của tiền bạc và tình dục. Thể xác và tinh thần rã rời. Cuộc sống lý tưởng của anh đổ vỡ tan tành, đắng cay cũng nhiều và gông cùm xiềng xích cũng nhiều. Không gian thành thị càng đông đúc, càng dồn nén bao nhiêu thì sự bế tắc, ngột ngạt càng lớn, con người càng chìm sâu vào một thứ quyền lực vô nhân tính, bạo lực, rối trá và trơ trẽn.

Có thể nói, truyện phiêu lưu, bản thân nó đã hàm chứa tư tưởng triết học về sự tồn tại của con người, bởi suy cho cùng một cá nhân, một sự tồn tại nào không hàm chứa trong nó tính phiêu lưu. Cuộc phiêu lưu tìm con đường mưu sinh của người nông dân trong tác phẩm này cũng chính là con đường đi tìm chính bản thể của mình. Qua đó, ta thấy được quan niệm về cuộc sống của nhà văn. Với cốt truyện phiêu lưu trong Con gái thuỷ thần, Nguyễn Huy Thiệp đã khẳng định quan niệm của mình về cái đẹp và đạo đức. Đối lập lớn nhất và cũng là mâu thuẫn nảy sinh liên tục trong trường ngữ nghĩa truyện kể của ông là sự đối lập giữa nhân tạo và tự nhiên. Mâu thuẫn này được cụ thể hoá trong các kiểu không gian đối lập: thành thị - nông thôn, tiêu biểu cho sự đối lập gay gắt giữa phạm trù: nhân tính và vô nhân tính, cao thượng và thấp hèn, dối trá, bỉ ổi và lành mạnh, cái đẹp và dục vọng xấu xa. Khi con người càng gần với tự nhiên, hoà mình với tự nhiên (môi trường nông thôn, rừng, biển) con người càng gần với cái đẹp, cái thiện. Và ngược lại, càng xa tự nhiên, gần với nhân tạo (môi trường thành thị) con người càng xa bản chất đích thực của mình. Tất cả những gì thuộc về môi trường nhân tạo đều dẫn con người tới gần sự bất nhân trong nhân tính. Mà ranh giới giữa tự nhiên và nhân tạo đôi khi là rất khó vượt qua nhưng đôi khi nó cũng chỉ là một đường biên vô cùng mong manh. Vượt qua đó chắc chắn con người sẽ gặp nhiều nguy hiểm và sự cố, vấn đề là nhân vật hành động như thế nào để cuộc phiêu lưu của mình là chiến thắng và khẳng định sự trưởng thành.

Thành công của tác phẩm của Dostoiepxki trước hết cũng là ở việc ông đã sử dụng cốt truyện phiêu lưu trong kết cấu cốt truyện tâm lý. M.Bakhtin

cho rằng “cốt truyện phiêu lưu là một chất liệu thuận lợi để thực hiện cấu tứ nghệ thuật của Đôxtôiepxki” [4, tr.99]. Cốt truyện phiêu lưu ở Đôxtôiepxki được kết hợp với tính vấn đề sâu sắc và gay gắt, hơn nữa nó hoàn toàn phụng sự cho tư tưởng: ông đặt con người vào những hoàn cảnh khác thường, những hoàn cảnh sẽ khiêu khích nó, bắt nó tự bộc lộ, ông dẫn dắt nó và xô đẩy nó vào những người khác trong những cảnh ngộ không bình thường và đầy bất ngờ chính là với mục đích thử nghiệm tư tưởng và con người tư tưởng, tức “con người trong con người”. Và điều đó cho phép kết hợp chất phiêu lưu với những thể loại xa lạ với nó là tự bạch, sự tích các thần thánh. Mặc dù sự kết hợp này không phải là mới mẻ trong sáng tác văn chương thời đó, tuy nhiên cái mới của Đôxtôiepxki là ở chỗ kết hợp cốt truyện phiêu lưu với các kiểu cốt truyện khác theo lối đa thanh triệt để.

Tóm lại, vấn đề cốt truyện, nhất là cốt truyện phiêu lưu, đã dành được rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu lý luận và phê bình cổ kim. Chúng tôi cố gắng trình bày những lý thuyết cơ bản nhất của vấn đề cốt truyện và cốt truyện phiêu lưu. Đi sâu hơn, chúng tôi đã cố gắng tiếp cận quan điểm về cốt truyện của nhà cấu trúc học người Nga IU.M.Lotman, lấy đó là cơ sở lý luận để nghiên cứu đặc điểm cốt truyện phiêu lưu trong tác phẩm “Những cuộc phiêu lưu của Huck Pinn” của Mark Twain. Luận văn chú ý đặc biệt đến các yếu tố của cốt truyện phiêu lưu: trường ngữ nghĩa – biến cố và không gian phiêu lưu và nhân vật phiêu lưu.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu cốt truyện phiêu lưu trong tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Hukle Berry Finn (Theo quan niệm về cốt truyện của IU.M.LOTMAN) (Trang 41)