Các quan niệm về biến cố

Một phần của tài liệu Tìm hiểu cốt truyện phiêu lưu trong tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Hukle Berry Finn (Theo quan niệm về cốt truyện của IU.M.LOTMAN) (Trang 65)

Chương 2: Trường ngữ nghĩa – biến cố và không gian phiêu lưu trong “Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn”

2.2.1 Các quan niệm về biến cố

Trong văn tự sự, biến cố thường giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cốt truyện phát triển. Lý luận văn học do Hà Minh Đức chủ biên, chương IV: Cốt truyện và Kết cấu, các nhà học nghiên cứu cho rằng “chất liệu cơ bản, đơn vị cơ bản của cốt truyện chính là sự kiện – đó là những việc có tác động và ảnh hưởng đáng kể tới số phận và tính cách nhân vật. Những sự kiện lớn, có thể tạo thành những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nhân vật thường được gọi là các biến cố” [21, tr.136]. Như vậy, biến cố trong các tác phẩm văn học không chỉ là sự kiện văn học, là đơn vị cơ bản của cốt truyện mà nó chính là chất lượng của sự kiện. Sự kiện chất lượng ấy là điều kiện cần cho việc xây dựng một cốt truyện có tính nghệ thuật cao. Mỗi một biến cố trong tác phẩm là một dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của cốt truyện. Nếu hiểu “cốt truyện là hệ thống sự kiện, biến cố được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận quan trọng và cơ bản nhất trong hình thức động của tác phẩm” [59, tr.99] thì hệ thống biến cố chiếm vị trí hàng đầu. Câu chuyện kể không có biến cố sẽ trở nên trừu tượng khô khan, khó hiểu (ví dụ tác phẩm của Phạm Thị Hoài có rất ít biến cố nên có nhiều truyện trừu tượng, mang tính triết lý suông). Khác với truyện ngắn, hệ thống biến cố trong tiểu thuyết nhiều hơn về mặt số lượng, phức tạp và dàn trải hơn. Tiểu thuyết thường sử dụng thủ pháp báo trước để gây hiệu quả chờ đợi, tạo đường dây cho sự phát triển cốt truyện. Theo Sylan Barnet “báo trước là một khái niệm quan trọng của truyện”. Thông thường thủ pháp báo trước nhằm để gây dựng tình huống truyện, nhằm chuẩn bị cho sự xuất hiện của những biến cố bất ngờ. Truyện Nôm sử dụng khá phổ biến thủ pháp này. Tác giả có khi xuất hiện trước lên tiếng báo hiệu những biến động của cuộc

đời nhân vật. Trước khi Kiều xuất hiện trong tác phẩm “Truyện Kiều”, Nguyễn Du báo trước số phận nhân vật của chúng ta đầy những gian truân:

“Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

……….

Lạ gì bỉ sắc, tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Báo trước có thể được thể hiện bằng các môtip tiên báo, báo mộng, điềm triệu hoặc những lời ám chỉ về những biến cố hoặc đã hoặc sẽ xảy ra. Ngay trong “Truyện Kiều”, số phận đau khổ, bất hạnh của Kiều được chỉ báo trong giấc mộng đầu tiên gặp Đạm Tiên – một nhân vật gái nàng chơi nổi danh tài sắc một thời nhưng khi chết lại trở thành cô hồn không ai đoái thương, nhang khói:

“Ví đem vào hội đoạn trường Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Trong “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” – Nguyễn Dữ, sau khi Tử Văn đốt đền của tên giặc Ngô - viên Bách hộ họ Thôi sau khi chết đã làm yêu làm quái trong dân gian, về nhà, nhân vật thấy xuất hiện những điềm triệu không tốt như: trong mình khó chịu, đầu lảo đảo, bụng run run, rồi nổi lên cơn sốt nóng sốt rét. Đây là những dấu hiệu báo trước một biến cố vô cùng quan trọng trong số phận của nhân vật. Đó là vụ kiện Tử Văn của tên tướng giặc kia ở âm ty. Điều đặc biệt là để chuẩn bị cho sự vận hành biến cố đó, Nguyễn Dữ đồng thời sử dụng cả những điềm triệu và giấc mơ. Trong cơn sốt, Tử Văn gặp hai người, một là tên tướng giặc họ Thôi với nhiều lời đe

doạ, một người nữa là thổ thần đất Việt lên báo cho Tử Văn tai hoạ sắp tới và cách đối phó như thế nào.

Ở cốt truyện tâm lý, dường như dấu hiệu báo trước không được rõ ràng, chúng rất mờ nhạt. Hệ thống biến cố được xây dựng trong tác phẩm là nền tảng để nhân vật tự bộc lộ mình. Chúng thường xảy ra một cách tự nhiên như không có vẻ gì là được chuẩn bị trước. Có thể lấy dẫn chứng trong tác phẩm “Phiên Chợ Giát” của Nguyễn Minh Châu. Tác phẩm có cốt truyện rất đơn giản. Lão Khúng dậy sớm chuẩn bị dắt con bò Khoang – con vật thân thiết nhất của gia đình, đi bán. Trên đường đi lão suy nghĩ nhiều chuyện và quyết định thả bò (1) nhưng bò Khoang không chịu vào rừng và sau trở về với lão (2). Lão Khúng vào trường cấp ba của con gái và gặp bò, con vật ngước mắt sầu não nhìn chủ (3). Toàn bộ câu chuyện chỉ có hai hành động: định bán bò nhưng lại thả tự do cho bò và bò trở về, còn lại là tâm trạng của nhân vật. Ba chi tiết (1), (2), (3) có thể xem là biến cố vì nó làm thay đổi hẳn dòng suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật và làm thay đổi mạch phát triển của cốt truyện. Thế nhưng đọc tác phẩm không có một dấu hiệu nào báo trước. Biến cố xảy ra thật bất ngờ và sau khi biến cố xuất hiện Nguyễn Minh Châu lại bình thường hoá bằng cách vô hiệu hoá kết quả của nó. Biến cố đã xảy ra nhưng trở thành không quan trọng nữa. Mạch truyện lại tiếp tục. Như vậy trong những truyện tâm lý, dù biến cố trở nên ít quan trọng hơn (do nhà văn không sử dụng thủ pháp báo hiệu trước) nhưng nó vẫn giữ vai trò quyết định trong việc xây dựng cốt truyện của tác phẩm.

Theo Lotman, biến cố là những sự kiện đi chệch khỏi những chuẩn mực, chuẩn tắc, là một yếu tố cách mạng đối lập với sự phân loại thông thường, là ấn tượng chói sáng của hiện thực. Biến cố là đơn vị của cốt truyện

Trong văn bản, biến cố là sự di chuyển của nhân vật qua ranh giới của trường ngữ nghĩa. Điều này được hiểu: biến cố với tư cách là đơn vị của cốt truyện là sự kiện đánh dấu việc nhân vật vượt qua giới hạn ý nghĩa. Nhưng không phải mọi sự kiện đều là biến cố. Một sự kiện có là biến cố hay không còn tùy thuộc vào trường cấu trúc ngữ nghĩa bị quy định bởi loại hình văn hoá, hẹp hơn là hệ thống khái niệm xem xét.

Biến cố khi được hiện thực hoá như thứ bậc những sự kiện của những bình diện riêng, tức chuỗi biến cố, sẽ tạo nên cốt truyện. Với ý nghĩa này, thì cái mà trên cấp độ văn bản văn hoá là một biến cố thì nó sẽ được khai triển thành cốt truyện trong một văn bản hiện thực này hay khác. Thêm nữa cùng một cấu tạo biến cố có thể khai triển thành một loạt cốt truyện trên những cấp độ khác nhau. Những năm 1939 – 1945, các vùng quê Việt Nam chìm ngập trong đói khổ và áp bức của bọn thực dân nửa phong kiến. Biến cố lịch sử này đã đi vào văn học và trở thành biến cố trong rất nhiều sáng tác văn chương. Cùng đề cập đến biến cố này, Ngô Tất Tố trong “Tắt đèn” triển khai nó như một hoàn cảnh khốn cùng, và ở đó nhân vật (chị Dậu) đứng cao hơn nó để khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của một người nông dân nói chung và người phụ nữ Việt nói riêng. Nhưng với Nam Cao, trong các tác phẩm của mình như Lão Hạc, Chí Phèo, Một bữa no, Tư cách mõ, Trẻ con không được ăn thịt chó,...xây dựng biến cố đó trong cốt truyện như một nguyên nhân cơ bản để giải thích hiện tượng con người vì sao lại bị bào mòn về nhân cách.

Lotman cho rằng “Khi khẳng định cốt truyện có quan hệ hữu cơ với bức tranh thế giới thì rõ ràng qua bức tranh ấy ta thấy được cái gọi là quy mô của cái gọi biến cố và cả biến thể của nó – tình huống” [33, tr.399]. Bức tranh thế giới được phản ánh trong truyện càng lớn thì trong cốt truyện của

nó càng nhiều biến cố. Có lẽ vì vậy mà có thể coi số lượng biến cố là một trong những chỉ số cho thấy tầm vóc của tác phẩm. Điều này sẽ là hiển nhiên nếu ta lấy ví dụ số biến cố của một truyện ngắn so với một tiểu thuyết.

Mỗi một kiểu cốt truyện khác nhau thì sử dụng một hệ thống các biến cố khác nhau. Vì vậy Lotman khẳng định “sự tranh cãi thường xuyên về ưu điểm của những cốt truyện này hay khác trong suốt chiều dài của lịch sử nghệ thuật liên quan đến điều là: cùng một biến cố nhưng nhìn từ quan điểm này thì tồn tại, quan điểm khác thì không có ý nghĩa, còn từ quan điểm thứ ba nói chung là không tồn tại” [33, tr.400]. Điều này cho thấy, ở các tác phẩm thuộc thể loại văn học khác nhau, các loại cốt truyện khác nhau, việc đối xử với các sự kiện này hay khác với tư cách là biến cố liên quan đến quan niệm về con người, cuộc sống, cũng như bức tranh chung về thế giới.

Luận điểm cuối cùng mà Lotman đưa ra để đi đến được bản chất của vấn đề là: Biến cố được quan niệm như là cái đã xảy ra dù có thể nó không xảy ra. Một sự cố nào đấy càng ít khả năng diễn ra thì nó chiếm vị trí càng cao trên thang độ tính cốt truyện. Điều này cho thấy mỗi một biến cố đều mang trong mình một lượng thông tin đáng kể trong toàn bộ thông tri của cốt truyện. Trong đó, cái biến cố đáng lẽ xảy ra lại có thể không xảy ra. Do vậy, biến cố luôn là một sự vi phạm vào đó, làm thay đổi trường ngữ nghĩa không gian nhân vật đang sống. Trong truyện của A.Sêkhôp, biến cố không ít hơn nhà văn nào, song người ta vẫn cho rằng truyện của ông “không có truyện”. Đó là vì các biến cố xảy ra nhưng lại không làm thay đổi thông tri của cốt truyện theo suy đoán thông thường của người đọc. Ví dụ trong truyện “Hai vợ chồng”, người chồng bắt gặp bức điện của người tình của vợ mình, đó là một biến cố lớn, thúc đẩy cốt truyện phát triển theo hướng có thể làm thay đổi, đảo lộn toàn bộ cuộc sống trong gia đình, hay chí ít cũng là quan hệ tình

cảm của vợ chồng họ. Người chồng nhớ lại bao sự việc xung quanh vụ ngoại tình của vợ, nhân vật nảy ra ý nghĩ: “làm sao mà mình, con trai của vị cha cố làng, về đào tạo là học sinh nội trú trường đạo, một con người bình thường, trực tính lại có thể buông tay chịu lép trước con người đê tiện, tầm thường, giả dối này, một kẻ về bản chất hoàn toàn xa lạ với mình?”. Ấy thế nhưng rút cuộc, lúc mười một giờ, khi anh ta mặc áo để đi đến sở thì người hầu vào nhắc anh ta đưa tiền cho vợ, anh ta lại móc ví đưa tiền cho vợ anh đi chơi. Mọi việc lại như cũ, không có gì thay đổi, hay xáo trộn so với trước khi biến cố xảy ra. Qua đó Sêkhôp muốn phản ánh cái bất biến, không thay đỏi của thực tại, dù cho nó là những sự vụ ngang trái. Cuộc sống như vậy thật tù đọng. Chính điều này làm cho các sáng tác của ông mang một một giá trị phản ánh hiện thực vô cùng nổi bật.

Như vậy theo quan niệm của Lotman, một sự kiện sẽ là biến cố khi nó gắn với một trường ngữ nghĩa nhất định, ở đó sẽ đánh dấu việc nhân vật vượt qua giới hạn ý nghĩa. Biến cố tạo xung lực thúc đẩy cốt truyện phát triển, và là mốc quan trọng cho ta thấy sự dịch chuyển các không gian khác nhau của nhân vật trong cốt truyện.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu cốt truyện phiêu lưu trong tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Hukle Berry Finn (Theo quan niệm về cốt truyện của IU.M.LOTMAN) (Trang 65)