4.1.2.1. Tài nguyên đất
Gồm 2 loại nhóm chính: Nhóm đất bằng ven biển chủ yếu là đất nhiễm mặn, trong đó đất cát biển chiếm 222 ha, đất mặn là 2061 ha, đất ngập mặn là 1300 ha, đất ít mặn là 1500 ha, đất mặn chua là 341 ha, đất chua mặn 230 ha,
ngoài ra còn đất ngọt phù sa dọc theo các sông, suối 142 ha. Nhóm đất thứ hai là đất vùng đồi núi gồm 891.82 ha, trong đó 667.82 ha là đất trồng lúa nước
- Đất cát ven biển
Được phân bố ở các phường: Bãi Cháy, Tuần Châu, Hùng Thắng, Cao Thắng, Bạch Đằng, Hà Khẩu, Cao Xanh, Hồng Hải và Việt Hưng.
Nhóm đất cát được hình thành ven biển, ven các sông chính do sự bồi đắp chủ yếu từ sản phẩm thô với sự hoạt động của các hệ thống sông và biển.
- Đất mặn
Được phân bố tại các phường ven biển: Bãi Cháy, Tuần Châu, Hùng Thắng, Cao Thắng, Bạch Đằng, Hà Khẩu, Cao Xanh, Hồng Hải và Việt Hưng.
Đất mặn hình thành từ những sản phầm phù sa sông biển lắng đọng trong môi trường nước biển.
Bên cạnh đó còn có các nhóm đất chính như: Đất phù sa, đất mùn vàng đỏ trên núi, đất vàng đỏ, đất Glây, đất xám, đất nhân tác (đất ruộng bậc thang vùng đồi núi, đất bãi khai thác mỏ)
4.1.2.2. Tài nguyên nước
Tài nguyên nước mặt:
Hạ Long nằm trong vùng có mưa lớn bình quân 1800 – 2000 mm/năm, do địa hình dốc, các sông suối đều từ trên núi cao đổ thẳng xuống Vịnh Hạ Long nên nguồn nước mặt phụ thuộc rất lớn vào các mùa trong năm, về mùa khô nguồn nước dễ bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt.
Tài nguyên nước ngầm:
Nước ngầm ở thành phố Hạ Long có trữ lượng không lớn
Nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp ở Hạ Long rất hạn chế và đặc biệt khó khăn về mùa khô, đây là vấn đề rất quan
trọng cần quan tâm nhằm đảm bảo đời sống nhân dân và nhu cầu phát triển kinh tế trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
4.1.2.3. Tài nguyên rừng
Theo số liệu thống kê tính đến hết năm 2010 tổng diện tích đất lâm nghiệp của thành phố Hạ Long là 5.850,02 ha. Độ che phủ của rừng đạt 24,92 % đây là tỷ lệ thấp so với các huyện, thị xã trong tỉnh.
Tài nguyên rừng của Vịnh Hạ Long rất phong phú, đặc trưng với tổng số loài thực vật sông trên đảo, núi đá khoảng trên 1.000 loài, với rất nhiều loài quý hiếm trong đó có 7 loài được Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới phát hiện và cho vào danh sách bảo vệ.
4.1.2.4. Tài nguyên biển
Biển Hạ Long có những đặc điểm riêng biệt về địa hình và địa mạo, không những có tiềm năng lớn về du lịch mà còn là vùng biển có tiềm năng phong phú về khai thác và nuôi trồng thủy sản, phát triển cảng biển giao thông đường thủy và công nghiệp sửa chữa đóng mới tàu biển.
Biển vùng Vịnh Hạ Long đều là vùng biển kín, nhiều cồn rạn nên vùng biển Hạ Long có nhiều loại hải sản cư trú và sinh sống. Với 950 loài cá, 500 loại động vật thân mềm và 400 loài giáp xác trong đó có nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như cá thu, nhụ, song, hồi, tráp, chim, bơn khế, hồng nục gia, lương mồi, má nhòng, tôm, mực, ngọc trai, sò huyết , các dải đá ngầm san hô trong vịnh cũng khá phong phú với 117 loài thuộc 40 họ, 12 nhóm. Ngoài khơi thuộc vùng biển Hạ Long là 1 trong 4 ngư trường lớn của nước ta (Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ,2013)[26].
Với 50 km bờ biển có diện tích bãi triều lớn như vùng Cửa Lục, Yên Cư, Đại Đán, xung quanh đảo Tuần Châu là điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi
trồng thủy sản nhất là tôm, cá, các loại nhuyễn thể như ngọc trai, sò huyết mở ra triển vọng lớn tăng nhanh sản lượng thủy sản cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ngoài nguồn lợi thủy sản mà vùng biển mang lại, còn cho phép phát triển cảng biển nước sâu Cái Lân, cảng du lịch, cảng than và một số cảng nhỏ khác. Cùng với sự phát triển của cảng biển, ngành đóng tàu cũng được phát triển mạnh mẽ tạo nên một nền kinh tế biển đa dạng, phong phú với quy mô lớn.
4.1.2.5. Tài nguyên khoáng sản
Thành phố Hạ Long có nhiều tài nguyên khoáng sản, tập trung chủ yếu là than và một số loại vật liệu xây dựng như đá vôi, đất sét, cao lanh... đáng kể nhất là đá vôi có trữ lượng 1,3 tỷ tấn; đất sét có trữ lượng 41,5 triệu m3 tập trung chủ yếu ở Giếng Đáy, với chất lượng tương đối tốt dùng cho sản xuất xi măng.
Ngoài ra là đá vôi phục vụ làm nguyên liệu xi măng và vật liệu xây dựng tập trung tại phường Hà Phong và khu vực Đại Yên, theo đánh giá trữ lượng hiện có khoảng 15 triệu tấn có thể khai thác được. Bên cạnh đó còn có các khu vực có thể khai thác cát xây dựng tại ven biển phường Hà Phong, Hà Khánh, khu vực sông Trới tiếp giáp Hà Khẩu, Việt Hưng, tuy nhiên trữ lượng là không đáng kể.
4.1.2.6. Tài nguyên nhân văn
Thành phố Hạ Long là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, nằm trong cái nôi sản sinh ra giai cấp công nhân Việt Nam, có tinh thần hiếu học, năng động, sáng tạo, có nguồn lao động dồi dào, có đội ngũ khoa học lớn mạnh, công nhân có tay nghề có nòng cốt tiếp thu khoa học công nghệ mới áp dụng sản xuất. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân thành phố Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung đã xây dựng nên truyền thống văn hiến, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, các giá trị nhân văn cũng đang được phục hồi và phát triển. Việc thực hiện nét sống văn hóa khu du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ, các lễ hội du lịch văn hóa hàng năm được tổ chức càng làm tăng thêm tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
4.1.2.7. Tài nguyên du lịch
Hạ Long là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Với cảnh đẹp biển cả cùng với các đảo và hang động. Vịnh Hạ Long đã được UNESCO ghi vào danh sách thế giới ngày 14/02/1994. Năm 2000, Vịnh Hạ Long lần thứ hai được công nhận là di sản về địa chất, địa mạo thế giới.
- Hang động: Do cấu tạo địa chất trên vịnh có các đảo đá vôi với nhiều hang động đẹp, nổi tiếng như: hang Bồ Nâu, hang Trinh Nữ, hang Sửng Sốt, hang Đầu Gỗ, động Thiên Cung, động Tam Cung, Mê Cung.
- Đảo: Với 1.969 hòn đảo trong đó có 788 đảo thuộc vùng bảo vệ tuyệt đối, 460 đảo đã có tên, 328 đảo chưa có tên, một số đảo đẹp và nổi tiếng như hòn Gà Chọi, hòn Lư Hương, hòn Đầu Người và quần thể di tích lịch sử văn hóa danh thắng núi Bài Thơ. Đặc biệt đảo Tuần Châu đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng thành một trung tâm du lịch lớn tầm cỡ quốc tế (Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ,2013)[26].
- Bãi biển: Do điều kiện địa lý nên không có nhiều bãi tắm. Hiện nay, trên địa phận thành phố có các bãi tăm như bãi tăm Bãi Cháy, Ti Tốp, Soi Sim, bãi Tuần Châu. Bên cạnh những giá trị mà thiên nhiên ban tặng, Hạ Long còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, đặc sắc đầy ấn tượng với những dấu ấn đậm đà của nền văn hóa dân tộc Việt Nam, văn hóa bản địa, tồn tại và phát triển trong cái ”Nôi” văn hóa của khu vực. Những giá trị ”văn hóa bản địa” cùng với giá trị
tự nhiên đã tạo nên cho Hạ Long một tiềm năng du lịch phong phú và đặc sắc của khu vực, cho phép tổ chưc nhiều loại hình du lịch độc đáo và hấp dẫn quanh năm.
4.1.3. Nhận xét chung về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và cảnh quan môi trường của thành phố Hạ Long.
Từ những nghiên cứu, tổng hợp, phân tích các đặc điểm điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường, bối cảnh trong nước, quốc tế và khu vực tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hạ Long, có các nhận định sau:
Các lợi thế:
Hạ Long là thành phố được Chính Phủ công nhận đô thị loại I, là thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gần các trung tâm đô thị lớn, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy thuận lợi, nằm trong tỉnh có cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu quốc gia Hoành Mô, Bắc Phong Sinh tạo ra sự giao lưu kinh tế, trao đổi hàng hóa, tác động thúc đẩy sự phát triển thương mại và dịch vụ.
Tài nguyên đa dạng, phong phú đặc biệt là than đá, đá vôi để phát triển công nghiệp khai thác than, sản xuất xi măng, luyện cán thép, công nghiệp đóng tàu, có nhiều mỏ sét trữ lượng lớn để sản xuất gạch ngói, vật liệu xây dựng. Tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên biển cho phép phát triển nông – lâm – ngư nghiệp một cách tổng hợp và đa dạng để phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu
Một lợi thế khác của Hạ Long mà nhiều nơi khác không có được đó là vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, với những giá trịđặc biệt của nó như: Giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ, giá trị địa chất địa mạo, chỉ riêng khai thác thế mạnh tự nhiên của vịnh Hạ Long đã đủ để thành phố Hạ Long phát triển thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế.
Những hạn chế:
Là nơi thuận lợi cho nhiều ngành kinh tế phát triển đồng thời cũng là nơi nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa lợi ích các ngành với lợi ích chung, nhất là mâu thuẫn giữa sự phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Do quá trình khai thác than trong quá khứ và hiện tại đều gây tác động tiêu cực đến môi trường như: Ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước, làm biến đổi cảnh quan môi trường, hủy hoại thảm thực vật, suy giảm hệ động vật, phá vỡ thế hài hòa của cảnh quan ảnh hưởng xấu đến môi trường và phát triển du lịch.