Vùng Vịnh Hạ Long là vùng tập trung nhiều hoạt động kinh tế phát triển nhất tỉnh Quảng Ninh, một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đồng thời là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của Việt Nam với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Thành phố Hạ Long là khu trọng điểm công nghiệp – thương mại – dịch vụ của tỉnh, cùng với các ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất
vật liệu xây dựng, chế biến thủy hải sản…Năm 2011, ước tính GDP bình quân đầu người của Hạ Long là 3711 USD/năm, của Cẩm Phả 2686 USD/năm, cao hơn nhiều so với GDP bình quân đầu người của Việt Nam (1375 USD/năm). Một số nét chính về các ngành kinh tế của vùng Vịnh Hạ Long là:
Ngành khai khoáng:
Hạ Long là vùng khai thác than lớn nhất của Quảng Ninh và cả nước. Các mỏ than lớn của thành phố Hạ Long là Hà Tu, Hà Lầm, Tân Lập, Núi Béo, lượng than khai thác mỗi năm ước đạt trên 10 triệu tấn. Gắn liền với các mỏ là các nhà máy sàng tuyển, cơ khí các xí nghiệp vận tải đường bộ, đường sắt và bến cảng, là động lực giúp kinh tế phát triển, đóng góp đáng kể vào ngân sách của tỉnh.
Ngoài than đá, vùng này cũng rất giàu các loại tài nguyên khoáng sản khác như đá vôi, đất sét, cao lanh và antimon. Hạ Long có nhiều mỏđất sét rất tốt, với khoảng 6 nhà máy sản xuất gạch ngói chất lượng cao, cung cấp cho trong và ngoài tỉnh, có một phần xuất khẩu.
Ngành công nghiệp:
Các cơ sở công nghiệp tập trung: Hạ Long có 1470 cơ sở sản xuất Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp bao gồm các ngành khai thác chế biến than, vật liệu xây dựng, cơ khí, chế biến gỗ, lương thực thực phẩm, may mặc. Có 3 khu công nghiệp tập trung là Cái Lân, Việt Hưng và Hà Khánh. Hạ Long phát triển mạnh công nghiệp đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm hải sản. Nhà máy đóng tàu Hạ Long có thiết kế đóng tàu dưới 53.000 tấn, nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh có tổng công suất 1.200 MW.
Ngành du lịch – dịch vụ:
Hạ Long được coi là thành phố du lịch, một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Năm 2013 số du khách đến vịnh Hạ Long đạt 7,5 triệu lượt
người, trong đó có 2,5 triệu khách quốc tế. Thành phố Hạ Long đã quy hoạch Vùng kinh tế Du lịch – Thương mại bao gồm phía Nam phường Bãi Cháy, Phường Hùng Thắng và đảo Tuần Châu. Đi kèm với du lịch, ngành dịch vụ cũng rất phát triển với 20 khách sạn 4-5 sao và hơn 300 khách sạn nhỏ, cùng với nhiều nhà hàng, khu vui chơi giải trí hàng năm đóng góp khoảng trên 50% ngân sách của thành phố.
Ngành nông – lâm – ngư nghiệp:
Ngành nông, lâm, ngư nghiệp là ngành sử dụng nhiều lao động nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh nói chung và vùng Vịnh Hạ Long nói riêng. Đánh bắt và nuôi trồng thủy sản chủ yếu tập trung ở Hạ Long với các loài như tôm, động vật nhuyễn thể, cá nước ngọt và cá biển.
Năm 2013, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản của thị xã Quảng Yên đạt hơn 5.680 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi đạt hơn 2.300 tấn.
Ngư nghiệp cũng là một thế mạnh của Hạ Long với nhiều chủng loại hải sản, và yêu cầu tiêu thụ lớn, nhất là phục vụ cho khách du lịch và cho xuất khẩu. Thành phố Hạ Long đã quy hoạch vùng phát triển nông – lâm – ngư nghiệp gồm phường Đại Yên và Nam phường Việt Hưng.
Ngành nông nghiệp, trồng trọt không phát triển do địa hình khu vực chủ yếu là đồi núi (chiếm 70% diện tích) và hải đảo, rất ít đất đai dành cho nông nghiệp.
Tổng diện tích rừng của vùng Vịnh Hạ Long khoảng 138,270 ha, chiếm 35% tổng diện tích rừng của cả tỉnh. Chưa có số liệu thống kê về giá trị lâm nghiệp của vùng, tuy nhiên năm 2011, ước tính ngành lâm nghiệp của cả tỉnh Quảng Ninh đóng góp 165 tỷ đồng cho GDP, chiếm 7% tổng giá trị GDP của ngành nông nghiệp Quảng Ninh. Tuy giá trị đóng góp vào ngành kinh tế không
lớn nhưng phát triển lâm nghiệp góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh.