6. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Từ ngữ trong ngôn ngữ
Từ là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ, từ là cơ sở cấu tạo nên các đơn vị lớn hơn là cụm từ, câu, văn bản. Xung quanh khái niệm từ, có rất nhiều ý kiến của các nhà ngôn ngữ học, có thể kể ra đây một số định nghĩa sau:
- Theo Nguyễn Thiện Giáp: "Từ của Tiếng Việt là một chỉnh thể nhỏ nhất có ý nghĩa, dùng để tạo câu, nó có hình thức của một âm tiết, một "chữ" viết rời" [18; 72].
- Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1: "Từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa dùng để tạo câu" [37; 13].
- Tác giả Đỗ Thị Kim Liên: "Từ là một đơn vị của ngôn ngữ, gồm một hoặc một số âm tiết, có nghĩa nhỏ nhất, có cấu tạo hoàn chỉnh và được vận dụng tự do để tạo câu" [29; 18].
- Tác giả Đỗ Hữu Châu: "Từ của tiếng Việt là một hoặc một số âm tiết cố định, bất biến, mang những đặc điểm ngữ pháp nhất định, nằm trong kiểu cấu tạo nhất định. Tất cả ứng với một kiểu ý nghĩa nhất định, lớn nhất trong tiếng Việt và nhỏ nhất để tạo câu" [14; 336].
Từ các định nghĩa trên, ta thấy các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đều có sự thống nhất về từ ở các khía cạnh âm thanh, ý nghĩa, cấu tạo và chức năng. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng định nghĩa của tác giả Đỗ Hữu Châu làm cơ sở.
Theo đó, ta có thể nhận thấy rất rõ đặc điểm cơ bản của từ: 1, Có hình thức ngữ âm và ý nghĩa nhỏ nhất. 2, Được cấu tạo theo một phương thức ngữ pháp nhất định. 3, Là đơn vị nhỏ nhất để tạo câu.
Từ là đơn vị có sẵn trong ngôn ngữ, mang nhiều chức năng [chức năng định danh, phân biệt nghĩa, thông báo]. Ở mỗi cá nhân, từ được tích lũy dần và tồn tại trong tiềm năng ngôn ngữ, trở thành vốn từ vựng riêng của từng người, không ai giống ai. Trong kho từng vựng riêng đó, từ tồn tại ở trạng thái tĩnh; chỉ khi tham gia hoạt động ngôn ngữ cụ thể, nó mới có cuộc sống riêng, bộc lộ hết thuộc tính và đặc điểm, chức năng. Trong thực tế sử dụng, từ có sự chuyển hóa, biến đổi đa dạng, đem đến những ý nghĩa mới ngoài nghĩa gốc ban đâu.