6. Cấu trúc luận văn
3.1.2. Câu trong văn bản nghệ thuật
Câu trong văn bản nghệ thuật có sự khác biệt với câu tồn tại độc lập trong ngôn ngữ về mặt cấu tạo ngữ pháp và ý nghĩa, do bị chi phối bởi nhiều yếu tố: thể loại, văn cảnh, mục đích sử dụng, phong cách tác giả... Các loại câu trong các văn bản thuộc về các phong cách ngôn ngữ khác nhau cũng hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn câu trong văn bản hành chính công vụ khác với câu trong văn bản chính luận, lại càng khác với câu trong văn bản nghệ thuật.
Theo GS. TS. Đỗ Thị Kim Liên, câu trong văn bản nghệ thuật có một số đặc điểm như sau:
a. “Câu trong văn bản nghệ thuật có tính đa dạng về cấu tạo: câu có đầy đủ thành phần, câu đơn phần, câu tối giản, câu mở rộng theo nhiều tầng bậc khác nhau, câu đơn, câu ghép... Chúng có thể nằm kề nhau đan xen vào nhau hết sức đa dạng và phức tạp”.
b. Câu trong văn bản luôn có sự chuyển đổi trật tự một cách linh hoạt và nó phụ thuộc vào phong cách chức năng mà văn bản thể hiện.
c. Câu trong văn bản nghệ thuật thường chứa đựng nhiều tầng nghĩa, dựa vào chỉnh thể của văn bản đó ta có thể suy ra các tầng nghĩa đúng của chúng. Tuy nhiên câu trong văn bản bị chi phối bởi câu đi trước và đi sau nó cũng như vị trí của nó trong chỉnh thể toàn văn bản.
d. Câu trong văn bản nghệ thuật thường có sự chuyển đổi về trật tự nhằm thể hiện những sắc thái tu từ khác nhau, gây những cảm xúc mới ở người tiếp nhận [Dẫn theo 39; 10].
Do đó, nghiên cứu câu trong văn bản cần chú ý đến phương diện ngữ pháp - ngữ nghĩa và đặt nó trong hệ thống tổ chức văn bản. Với cách làm này, chúng tôi tiến hành khảo sát câu trong tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc, phân tích đặc điểm, chỉ ra hiệu quả trong cách sử dụng và từ đó rút ra một số nhận xét về phong cách ngôn ngữ của Y Ban.