6. Cấu trúc luận văn
3.4.1. Biện pháp điệp
Ấn tượng đầu tiên về các biện pháp tu từ trong tác phẩm này phải kể đến biện pháp điệp: gồm điệp lại hoàn toàn, điệp cú pháp, điệp cách quãng dài. Và nó xuất hiện đều đặn từ đầu đến cuối tác phẩm, cho thấy Y Ban sử dụng nó như là một cách truyền tải nội dung đắc dụng và hơn hết là nó xác định cho người đọc lối sử dụng câu văn quen thuộc của Y Ban, là một sắc thái thú vị trong phong cách ngôn ngữ của bà.
- Điệp cú pháp: "Tôi non vì không đươc học hành đến nơi đến chốn. Tôi non vì được sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, không được thừa hưởng chút gia tài nào. Tôi non vì không được dạy dỗ sự khôn ngoan ở đời. Tôi non vì được dạy rằng cái thiện thắng cái ác, cái đẹp thắng cái xấu. Tôi non vì nhan sắc bình thường nhưng lại non vì đậm duyên. Tôi non vì cả tin. Tôi non vì mơ mộng" [8; 15]. Cách diễn đạt điệp liên tục từ "non" kết hợp với điệp cú pháp khiến cho đoạn văn ngay lập tức gây ấn tượng người đọc, từ "non" được dùng khá khác biệt, từ cách lí giải của "tôi", nghĩa của từ "non" dùng riêng cho cuộc đời "tôi" dần dần lộ rõ. Các câu đều bắt đầu bằng "Tôi non vì..." đã nhấn mạnh cũng như cung cấp đầy đủ, gọn gàng nhất lí lịch trích chéo của nhân vật. Một cách độc đáo và dễ nhớ.
Đoạn khác: "Ả rất thông minh. Và đang rất nổi tiếng. Hay được ti vi phỏng vấn. Hay được làm ban giam khảo. Hay được mời chấm luận văn từ thạc sĩ trở lên. Đó là lợi thế và đó cũng là một điểm yếu. Ả kiếm được rất nhiều tiền. Đó cũng là lợi thế và đó cũng là một điểm yếu. Ả rất cứng rắn. Đó là một lợi thế và đó cũng là một điểm yếu. Ả rất hài hước. Đó là một lợi thế hoàn hảo. Ả biết yêu bản thân mình. Đó là một lợi thế và đó cũng là một điểm yếu. Ả làm chủ gia đình. Đó là một lợi thế và đó cũng là một điểm yếu" [8; 29]. Và "Ả tin trời phật chúa và thánh thần. Ả tin không làm điều ác sẽ nhận được quả phúc. Ả tin khi lao động cật lực sẽ không bao giờ bị đói. Ả tin khi yêu hết lòng sẽ được yêu đáp lại" [8; 30]. Đây là hai đoạn gần nhau sử dụng
liên tiếp biện pháp điệp cú pháp kết hợp với điệp hoàn toàn cách quãng. Một sự tự nhìn nhận bản thân với những câu văn rõ ràng, dứt khoát. Cách diễn đạt với nghệ thuật điệp như thế cho thấy rõ thái độ, sự tự tin, sự thẳng thắn quá mạnh mẽ của "ả". Và trong những câu điệp hoàn toàn đó, Y Ban lại có khi xen vào những câu "biến thể" để làm cho nhịp điệu đoạn văn thay đổi, ngắt nghỉ, tránh cảm giác nhàm chán khi đọc. Và đương nhiên, nghệ thuật điệp luôn đem đến hiệu quả rõ rệt trong việc nhấn mạnh nội dung cần nói tới. Trong trường hợp này cũng vậy, việc liệt kê điệp lại những ưu nhược của "ả" khiến cho những ưu nhược đó trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Trong tác phẩm, thi thoảng lại có những đoạn văn "dừng lại" được viết đầy ngẫu hứng như vậy. Nó khiến cho mạch kể chuyện đang ồn ào náo nhiệt thay đổi nhịp điệu, đằm thắm và lắng đọng hơn.
Nhưng để nói cái đặc sắc của nghệ thuật điệp này trong tác phẩm, phải kể đến kiểu điệp hoàn toàn, cách quãng. Trong tác phẩm, chỉ có một lần Y Ban sử dụng điệp hoàn toàn liên tiếp, nhưng lại rất ấn tượng: "Giảm ga và dừng lại. Giảm ga và dừng lại. Giảm ga và dừng lại..." [8; 16]. Ba lần liên tiếp nhắc lại câu văn đặc biệt "giảm ga và dừng lại" kết hợp với dấu ba chấm ở câu nhắc lại cuối cùng là một cách đặc sắc để diễn đạt ý nghĩa nội dung của đoạn: lúc này "tôi" đang đi xe máy qua cầu, đang bị dòng chảy xe cộ đẩy đi, "tôi" thấy một cụ già hành khất kiệt sức bên đường, "tôi" muốn dừng lại giúp đỡ. Trong đầu óc suy nghĩ của "tôi" vang lên liên tục lời thúc giục "giảm ga và dừng lại", như một lời cầu cứu, cả như một sự đấu tranh trong chính con người "tôi", nhưng rồi tiếng kêu ấy nhỏ dần, yếu đi và im hẳn. "Tôi" rốt cuộc đã vẫn giữ nguyên tốc độ, giữ nguyên tay ga. "Tôi" đã thua cuộc trong sự đấu tranh với cái máy móc với cái vô cảm đang lấn dần trong con người "tôi". Ba câu đặc biệt được điệp lại liên tục là một sự thể hiện độc đáo, đầy ám gợi với người đọc.
Nghệ thuật điệp hoàn toàn cách quãng là kiểu điệp được Y Ban sử dụng nhiều nhất trong tác phẩm và nó cùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong mỗi lần xuất hiện:
Diễn tả cảm giác của nhân vật vừa trải qua cảm giác của cái chết, Y Ban viết mở đầu bằng "Tôi được nằm trong một sự rất ấm. Một bên là
chồng, một bên là con nhỏ, dưới là nệm, trên là chăn. Con nhỏ đang bú nên
tôi chỉ mặc một chiếc áo mỏng..." [8; 12].Và sau gần một trang tường thuật lại diễn biến trạng thái xẩy ra với "tôi", Y Ban lại dùng chính câu văn trên để kết thúc: "Tôi đã trở lại với cuộc sống. Tôi lại nằm giữa sự ấm áp, một bên là
chồng, một bên là con nhỏ, dưới là nệm trên là chăn" [8; 13]. Còn gì đắc địa hơn khi diễn tả cái cảm giác trải qua cái chết, chết đi rồi sống lại bằng việc điệp lại hoàn toàn câu văn tình huống ở hai điểm bắt đầu và kết thúc của trạng thái. Nó diễn tả được vòng tuần hoàn luân hồi, bắt đầu, diễn ra và trở lại trạng thái ban đầu. Kiểu diễn đạt này vừa ấn tượng mà lại dễ dàng gợi lên sự liên tưởng tượng đồng sáng tạo đối với người đọc.
Trong một đoạn truyện khác, Y Ban đã dùng tới nghệ thuật điệp cách quãng đến 4 lần:
Lần 1: "Không như nhiều lúc ả tưởng tượng ra khi ả bắt quả tang chồng đi ngoại tình, ả sẽ phì ra như rắn, nhảy thếch lên như con cào cào và rủa xả như cái máy bơm nước thải" [8; 21].
Lần 2: "Ả cũng đang có người đàn ông khác. Nếu chồng ả mà biết sẽ ra sao? Anh ta có phun phì phì như rắn? Có nhảy thếch lên như con cào cào? Và có rủa xả như vòi bơm nước cống... Có lẽ còn thượng cẳng tay hạ cẳng chân nữa" [8; 23].
Lần 3: "Không có phản xạ của sự tức giận. Vì vậy ả không thể phun phì phì như rắn. Không thể nhảy thếch lên như con cào cào. Không thể tuôn xả như máy bơm nước cống" [8; 29].
Lần 4: "Thế là quan điểm được nâng cao. Ả tức tối phun phì phì như rắn. Có lúc ả xả ra được như máy bơm nước cống. Có lúc ả nuốt cục giận vào trong." [8; 32].
Nhận thấy, cấu trúc được điệp lại ở đây là đoạn "phun phì phì như rắn, nhảy thếch lên như con cào cào, rủa xả như máy bơm nước cống", là những câu miêu tả trạng thái cảm xúc được thể hiện, hoặc nhân vật tưởng tượng sẽ thể hiện trong những cảnh huống "có biến" gây shock, xáo trộn tâm lý. Nó sẽ là những câu rất bình thường nếu như Y Ban không sử dụng trở đi trở lại nhiều đến thế. Lần đầu tiên, những câu văn này xuất hiện trong tình huống người vợ - "ả" phát hiện chồng mình có bồ, đó là một cú shock lớn trong cuộc hôn nhân của "ả", rồi nó lại có mặt khi "ả" muốn lấy đó làm thước đo trạng thái tâm lý nếu chồng cũng biết "ả" có bồ. Lần thứ 3 dòng trạng thái kỳ quặc đó hiện diện trên trang viết là khi "ả" biết được rằng, chị gái song sinh cũng đang là người tình của Kap - gã đàn ông trong bóng tối của "ả", là một tình huống hết sức bàng hoàng với "ả". Và lần thứ 4, "ả" đã thực sự hiện thực hóa cái trạng thái "phun phì phì như rắn, xả ra được như máy bơm nước cống" là lúc "ả"cự cãi với chồng. Có thể thấy rằng, sự trở đi trở lại rất tự nhiên và đầy dụng ý nghệ thuật của dòng miêu tả cảm xúc ấy đã ăn sâu vào tư duy và phản xạ có điều kiện của người đọc, nó quen thuộc và ám ảnh đến nỗi, qua mỗi lần có những tình huống gây bất ngờ, đầy biến động như thế, người đọc sẽ tự đo lấy mức độ và tự trả lời âm thầm rằng: liệu có phun phì phì như rắn, có nhảy thếch lên như con cào cào, có rủa xả như máy bơm nước cống". Nó trở thành một tín hiệu, một phương tiện kết nối chặt chẽ, và trở thành một điểm nhấn thú vị trong cách kể của Y Ban.
Một ví dụ khác về nghệ thuật điệp cách quãng: ở chương 4 - "Mây", kể về cuộc đời của cô bé tên Mây, một cái tên gợi nhiều mơ mộng và nỗi buồn.
Y Ban đã điệp cách quãng hình ảnh "Con là bụi mây. Bụi mây mẹ trồng trong vườn", như một nỗi ẩn ức day đi day lại, đay nghiến tâm trí người đọc:
"Con không là mây trên trời. Con là bụi mây kia. Bụi mây mẹ trồng
trong vườn" [8; 53].
"Con là mây, bụi mây trong vườn của mẹ" [8; 53].
"Mây khóc nức vì thương thân. Ôi cái bụi mây ở trong vườn nhà cha
mẹ. Cho con về nhà làm bụi mây đi bố mẹ" [8; 59].
"Ôi cái bụi mây quấn quýt trong vườn nhà mẹ. Mọi con đường đều
chặn cả rồi, chỉ có nhà tù là mở cửa" [8; 60].
Hình ảnh "bụi mây trong vườn nhà mẹ" có một vài biến thể qua mỗi lần xuất hiện. Tuy nhiên, cái man mác buồn, cái giai điệu sầu thương kể về thân phận người con gái nông thôn tên Mây thì vẫn giữ nguyên và dai dẳng trong mỗi lần xuất hiện. Nó được dàn đều trong cả chương 4, nhắc người đọc không nguôi day dứt về số phận của cô gái đã sớm ngồi tù vì tội danh giết chồng khi bị đẩy đến bước đường cùng. Nó cũng có vai trò như hình ảnh biểu tượng cho số kiếp bạc bẽo của Mây. Và vì sự xuất hiện nhiều lần của hình ảnh đầy ẩn ý này mà nó góp phần chi phối giọng điệu cho toàn chương 4: chậm, trầm buồn thê lương.
Ngoài hai ví dụ đã phân tích như trên, có thể liệt kê thêm một số trường hợp sau:
"Ả thích vẻ mặt hắn. Nó yên lặng như ruộng vừa gặt hái xong" [8; 35].
"Bộ mặt của chồng có như cánh đồng sau vụ gặt" [8; 47].
" Mây đau đớn, rên khừ khừ trong họng, nước mắt rời tong tong
xuống ngực áo" [8; 57].
"Mây giãy nảy lên vì đau đớn, rên khừ khừ trong cổ họng" [8; 58].
"Từng ngày từng ngày nỗi buồn gặm nhấm trái tim tôi. Nỗi buồn nhấn chìm cơ thể tôi" [8; 201].
"Từng ngày từng ngày nỗi buồn làm trái tim tôi tan nát" [8; 201].
...
Ta có thể thấy rằng, Y Ban rất ưa dùng lối diễn đạt này và thực sự, nó đã đem lại hiệu quả rất ấn tượng trong tác phẩm