6. Cấu trúc luận văn
3.5. Tiểu kết chương 3
Trong chương 3, xuất phát từ những tiền đề lý thuyết về câu và đặc điểm của câu trong văn bản nghệ thuật, chúng tôi tiến hành khảo sát, phân loại, phân tích đặc điểm câu văn trong tiểu thuyết "Trò chơi hủy diệt cảm xúc" của Y Ban và rút ra một số kết luận như sau:
Xét về cấu tạo: câu văn trong tác phẩm được Y Ban sử dụng rất phong phú, linh hoạt: các kiểu câu đơn (câu đặc biệt, câu đơn hai thành phần chính, câu đơn kết hợp thành phần phụ) và câu ghép (câu ghép có liên kết và câu ghép không có liên kết). Nhưng sử dụng với số lượng lớn vượt trội vẫn là loại câu đơn kết hợp thành phần phụ, nó vừa có thể làm đầy nội dung diễn đạt, mà vẫn đảm bảo ngắn gọn, phù hợp với văn phong đương đại. Nhìn chung, câu văn trong tiểu thuyết này thuộc kiểu câu ngắn, tạo nhịp điệu nhanh, phù hợp với lối diễn đạt mạnh mẽ, bộc trực của tác giả.
Xét về mục đích nói, có thể nhận ra sự ưu ái đặc biệt của tác giả dành cho hai kiểu câu: trần thuật và nghi vấn. Kiểu câu trần thuật là chủ đạo trong tác phẩm. Qua cách xử lý của Y Ban, câu trần thuật trở nên giàu hình ảnh, cuốn hút và hấp dẫn ở mỗi nội dung trình bày. Câu nghi vấn cũng là một điểm nhấn cần nói tới trong tác phẩm. Sử dụng câu nghi vấn trực tiếp hay gián tiếp, Y Ban đều biến chúng trở thành phương tiện đắc địa trong việc làm nổi bật thế giới nhân vật, dẫn dắt đưa đẩy câu chuyện, hay làm rõ nội dung tư tưởng.
Không thể không nhắc tới nỗ lực làm mới câu văn trong tiểu thuyết "Trò chơi hủy diệt cảm xúc", trong rất nhiều những dấu hiệu sáng tạo của nữ nhà văn, thì đáng kể nhất là sử dụng biện pháp nghệ thuật tu từ điệp từ, ngữ, cấu trúc theo nhiều cách thức và lạ hóa câu văn miêu tả. Nghệ thuật điệp với
nhiều kiểu dạng, biến hóa theo nhiều cách thức, đã mang đến những trải nghiệm thú vị cho người đọc. Lạ hóa câu văn bằng những diễn giải chuyên môn, hay bằng tu từ chuyển đổi cảm giác như đã phân tích cụ thể trong chương đã là một sắc thái sử dụng câu quen thuộc trong các sáng tác của Y Ban, là một điểm thú vị nữa trong quá trình khám phá phong cách ngôn ngữ đầy thi vị của cuốn tiểu thuyết này.
KẾT LUẬN
Y Ban là một gương mặt tiêu biểu trong làng văn đa màu sắc của nền văn học đương đại Việt Nam. Độc giả ghi nhận ở bà vì cá tính sáng tạo mãnh liệt, không ngừng nghỉ từ khi bắt tay vào sáng tác cho tới tận bây giờ. Với ý thức luôn thận trọng, tôn trọng nghề viết, các tác phẩm của bà khi ra đời luôn đem đến những điều mới mẻ, từ đề tài, tư tưởng đến ngôn ngữ... và được độc giả đón nhận nhiệt tình. Cuốn tiểu thuyết "Trò chơi hủy diệt cảm xúc" lại một lần nữa khẳng định khả năng sáng tạo, sức lao động không mệt mỏi của nữ nhà văn. Chọn cách tiếp cận tác phẩm từ góc độ ngôn ngữ, chúng tôi xin đưa ra một số kết luận sau:
1. Về từ ngữ, Y Ban sử dụng rất linh hoạt vốn từ nhìn từ góc độ phong cách, hay ngữ nghĩa. Tuy nhiên đáng chú ý nhất vẫn là lớp từ Hán Việt, trường từ vựng chỉ cảm xúc, tâm trạng, trạng thái, và lớp từ xưng hô.
Từ Hán Việt được sử dụng với số lượng khá lớn trong tiểu thuyết và có dụng ý rõ ràng. Một mặt, Y Ban dùng vốn từ Hán Việt với lớp từ ngữ chuyên môn khoa học để giới thiệu nhân vật, mặt khác lại dùng từ Hán Việt bên cạnh các yếu tố thuần Việt khẩu ngữ nhằm tạo ra hiệu ứng trái chiều, làm nên giọng điệu mỉa mai, châm biếm và hài hước. Một dung lượng lớn từ Hán Việt được dành trọn cho một chương đặc biệt - chương 9. Trong chương này, từ Hán Việt thực sự phát huy được ưu thế vốn có của nó, đó là tạo ra văn phong vừa trang nhã lịch sự, vừa thẫm đẫm chất thi ca, đây thực sự là một trải nghiệm mới mẻ của chính tác giả, vì vốn Y Ban đã được mặc định với lối viết bộc bạch, dân dã.
Ấn tượng nhất khi xem xét tác phẩm ở cấp độ từ ngữ, có lẽ là trường từ vựng chỉ cảm xúc. Khó có một tác phẩm nào mà số lượng từ ngữ chỉ cảm xúc, tâm trạng, trạng thái lại được sử dụng nhiều và đặc sắc đến như vậy. Trước
hết là nó đã làm đúng tinh thần của nhan đề tác phẩm "Trò chơi hủy diệt cảm xúc". Hơn nữa, trường từ vựng này đã giúp tác giả diễn tả, giải quyết được rất nhiều những nội dung tư tưởng cần truyền tải khi nói về thân phận, cuộc sống của những người phụ nữ trong đời sống hiện đại: những đau đớn, tủi cực, nát tan; cả những ước mơ khát khao rất đẹp đẽ. Trường từ vựng này tạo nên một sức hút mạnh mẽ, dẫn dắt người đọc, quyến rũ người đọc.
Và một yếu tố không ồn ào nhưng lại rất hiệu quả, chính là lớp từ xưng hô. Vì những tác dụng rất dễ thấy của nó mà Y Ban đã khai thác để có thể dễ dàng nói lên được tinh thần của từng chương truyện qua việc sử dụng lớp từ xưng hô này. Cách lựa chọn từ ngữ xưng hô một cách khác lạ và đặc sắc đã đưa đến cho người đọc nhiều suy ngẫm về những giá trị đang dần mất đi trong truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam thời nay, và cả việc chuyển tải nội dung sâu sắc: phản ánh những rách nát, vụn vỡ, xa cách trong tình cảm, trong mối ràng buộc giữa con người với con người.
Nhìn vào tổng thể phong cách sử dụng từ ngữ của Y Ban, tác giả thực sự đã tạo ra một lối văn chương có sự kết hợp độc đáo giọng điệu đời sống và chất thơ thẫm đẫm. Có sự đan xen liên tục giữa ngôn ngữ sôi nổi hàng ngày thô rám, chân thực với cái mơ màng, bàng bạc, sâu lắng của ngôn ngữ thi ca. Sự đan xen của kể chuyện và tâm tình. Qua đó, người đọc dễ thấy hơn chân dung tác giả: một nữ nhà văn táo bạo, thẳng thắn, nhưng không kém phần sâu sắc, đằm thắm.
2. Về câu: Y Ban sử dụng tất cả các kiểu câu xét về cấu tạo, nhưng nhiều nhất vẫn là câu đơn, với lối diễn đạt ưa ngắn gọn, súc tích, tạo ra nhịp truyện nhanh. Đáng chú ý hơn đó là kiểu câu xét về mục đích nói, với hai loại câu chiếm số lượng áp đảo: câu trần thuật và câu nghi vấn.
Câu trần thuật mang vai trò chủ đạo, tạo nên chủ âm trong giọng điệu tác phẩm. Nó là phương tiện để tác giả kể, tả, dẫn dắt câu chuyện qua từng
chương khác nhau. Những câu trần thuật trong tác phẩm được viết theo một giọng điệu khi dửng dưng hóm hỉnh, khi lại lắng đọng suy tư. Nhiều đoạn truyện đem lại cho độc giả thật nhiều điều suy ngẫm. Y Ban còn sử dụng câu trần thuật trong việc đánh giá, bình luận vấn đề. Kiểu bình luận sắc sảo, tỉnh táo và gây ám ảnh, đặc biệt là những câu văn kết thúc của mỗi chương, cho thấy Y Ban đã thực sự rất cẩn trọng trong vấn đề sử dụng câu để làm sao mang đến hiệu quả diễn đạt tốt nhất.
Ngoài ra cần kể đến vai trò của câu nghi vấn - một trong hai loại câu cơ bản của tác phẩm này. Câu nghi vấn trực tiếp trong tác phẩm được sử dụng như một sợi dây kết nối, dẫn dắt tình tiết truyện. Sử phát triển của truyện trở nên thật tự nhiên nhờ những câu hỏi qua các đoạn thoại, từ đó mà vấn đề được gợi mở, xây dựng và đi tiếp. Câu hỏi gián tiếp là một thành công nữa của Y Ban. Hệ thống câu hỏi gián tiếp đã tạo ra một lối kể chuyện nửa trực tiếp, tức là tác giả dường như đặt mình vào vị trí của nhân vật để thổn thức cùng, băn khoăn cùng. Diễn biến tâm lý của nhân vật hiện lên chân thực nhất, tinh tế và tỉ mỉ nhất.
3. Về các biện pháp tu từ nghệ thuật sử dụng trong câu văn: Trước hết là biện pháp tu từ điệp. Điệp từ, ngữ, cấu trúc với cách thức liên tục hoặc cách quãng. Mỗi kiểu đều đem lại hiệu quả diễn đạt gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Ngoài tác dụng nhấn mạnh, còn là những thước đo, những tín hiệu tạo nên dấu ấn khó phai cho tác phẩm. Bên cạnh đó là việc lạ hóa câu văn hay hình tượng hóa câu văn bằng biện pháp ẩn dụ tu từ chuyển đổi cảm giác. Được dùng nhiều nhất trong việc lột tả trạng thái tâm lý nhân vật. Nó làm cho câu văn trở nên giàu hình ảnh, và giúp người đọc cảm nhận rõ nét thế giới nội tâm của nhân vật. Cách miêu tả này rất đỗi quen thuộc với Y Ban nếu ai đã có dịp tiếp xúc nhiều với các truyện ngắn của bà. Và nó tiếp tục được thể hiện một cách thú vị trong tiểu thuyết này như một sắc thái ngôn ngữ rất riêng, một
dấu hiệu để nhận ra văn phong của Y Ban. Tạo ra một nhịp điệu văn xuôi cuốn hút.
Tiếp cận tác phẩm từ góc độ ngôn ngữ là cách tiếp cận đang được ủng hộ khuyến khích nhờ những ưu điểm vượt trội và cơ sở khoa học vững chắc của nó. Qua nghiên cứu tìm hiểu một cách nghiêm túc, dựa trên quá trình hết sức khoa học và cẩn thận từ góc độ ngôn ngữ với cuốn tiểu thuyết "Trò chơi hủy diệt cảm xúc", chúng tôi nhận thấy, cách tiếp cận này thực sự đã giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn tác phẩm cũng như đặc điểm phong cách, sắc thái sử dụng ngôn ngữ của nhà văn Y Ban. Chúng tôi tin tưởng rằng, nghiên cứu tác phẩm từ góc độ ngôn ngữ là một hướng đi đúng đắn đáng tin cậy. Đây sẽ là nền tảng để chúng tôi có cơ hội nghiên cứu sâu hơn nữa phong cách ngôn ngữ của Y Ban và các tác giả khác trong nền văn học Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lại Nguyên Ân (chủ biên, 2003), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết [Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch và giới thiệu, in lần thứ hai năm 2003], Nxb Hội Nhà văn.
3. Diệp Quang Ban (1999), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục.
4. Y Ban, (1993), Tập truyện ngắn "Người đàn bà có ma lực", Nxb Văn học Nghệ thuật.
5. Y Ban, (1998) Truyện ngắn Y Ban, Nxb Văn học Nghệ thuật. 6. Y Ban, (2006), Truyện ngắn "I am đàn bà", Nxb Trẻ.
7. Y Ban, (2008), Tiểu thuyết "Xuân từ chiều", Nxb Trẻ.
8. Y Ban (2012), Tiểu thuyết "Trò chơi hủy diệt cảm xúc", Nxb Trẻ. 9. Lê Bình, "Y Ban người đàn bà nảy lửa", Báo An ninh.
10. Hoàng Trọng Canh (2009), Từ Hán Việt và việc dạy học từ Hán Việt ở tiểu học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
11. Hoàng Trọng Canh (2007), Chuyên đề từ Hán Việt, Đại Học Vinh. 12. Phan Mậu Cảnh (2008), Lý thuyết và thực hành văn bản tiếng Việt,
Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
13. Đỗ Hữu Châu (1999), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
14. Đỗ Hữu Châu (2005), tuyển tập (2 tập), Nxb Giáo dục Hà Nội.
15. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến (2003), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb Giáo dục Hà Nội.
16. Hà Minh Đức (chủ biên, 2001), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục Hà Nội.
17. Nguyễn Văn Đàm (1999), "Từ điển tường giải và liên tưởng tiếng Việt", Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội.
18. Nguyễn Thiện Giáp (2003), Từ vựng học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
19. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
20. Vũ Thị Mỹ Hạnh, "Văn hóa dân gian trong văn xuôi đương đại Việt Nam".http: //phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=14041.
21. Cao Xuân Hạo (1991), Sơ thảo ngữ pháp chức năng (tập 1), Nxb Khoa học Hà Nội.
22. Cao Xuân Hạo (1991), Sơ thảo ngữ pháp chức năng (tập 2), Nxb Khoa học Hà Nội.
23. Nguyễn Thái Hòa (2006), Từ điển tu từ - phong cách - thi pháp học, Nxb Giáo dục.
24. Thu Hương, "Nhà văn Y Ban và những giấc mơ về hạnh phúc"http: //giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/trong-nuoc/nha-van-y-ban-va- nhung-giac-mo-ve-hanh-phuc-1876270.html
25. Đinh Trọng Lạc (2000), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục. 26. Đinh Trọng Lạc (2003), 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt,
Nxb Giáo dục Hà Nội.
27. Phạm Phong Lan, "Trò chơi hủy diệt cảm xúc hay cuộc khám phá bản thân" http: //vnca.cand.com.vn/vi-VN/diendan/2012/11/57561.cand. 28. Ngô Tự Lập (2008), Văn chương như quá trình dụng điển, Nxb Tri
thức.
29. Đỗ Thị Kim Liên (2002), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục. 30. Phương Lựu (chủ biên, 2002), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục.
31. Hoài Nam, "Trò chơi hủy diệt cảm xúc - nhịp điệu của văn xuôi"http: //www.nhandan.org.vn/cuoituan/van-nghe/item/869202-.html.
32. Phan Ngọc (1995), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Trẻ.
33. Nguyễn Đăng Mạnh (2003), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Tái bản lần thứ ba, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
34. Cao Minh, "Lát cắt Y Ban"
http://www.sggp.org.vn/doithuongnghesi/2010/1/216693/
35. Trần Văn Minh (2012), Truyền thống ngữ văn của người Việt, Tài liệu chuyên đề chung các chuyên ngành cao học ngữ văn, Đại học Vinh. 36. Hoàng Phê (2010), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
37. Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên, 2010), Ngữ văn 6, tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam.
38. Xuân Phong, "Nhà văn Y Ban, món nợ của văn chương"
http: //baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/nha-van-y-ban-mon-no-cua-van- chuong-20121003200154999.htm
39. Cao Thị Thanh Quế (2008), Đặc điểm câu văn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Vinh.
40. Nguyễn Thị Kim Quyên, (2012), "Đóng góp của Y Ban cho truyện ngắn Việt Nam đương đại", Luận văn thạc sỹ chuyên ngành văn học Việt Nam, Đại học Vinh.
41. Trần Đình Sử (2000) Lý luận và phê bình văn học, Nxb Giáo dục. 42. Đào Thản (1998), Một vài đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện
trong văn xuôi tiếng Việt", Phụ san Ngôn ngữ, Tr 60 - 68. 43. Ngô Thảo, "Y Ban - Người đốt lửa trong văn chương"
http: //vanhocquenha.vn/vi-vn/113/50/y-ban--nguoi-dot-lua-trong-van- chuong/113056.html
44. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn - những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
45. Nguyễn Thị Thìn (2001), Câu tiếng Việt và nội dung dạy học câu ở trường phổ thông, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
46. Mai Thị Thu, (2010), "Người đàn bà trong sáng tác của Y Ban", Luận văn thạc sỹ chuyên ngành Văn học Việt Nam, Đại học Vinh.
47. Cù Đình Tú (1983), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp.