Kiểu câu trần thuật

Một phần của tài liệu Từ ngữ và câu trong tiểu thuyết trò chơi hủy diệt cảm xúc của y ban (Trang 74)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.1.Kiểu câu trần thuật

Trong tiếng Việt, câu trần thuật là câu được sử dụng phổ biến rộng rãi nhất, có đặc điểm hình thức và chức năng phức tạp, phong phú nhất. Sách

giáo khoa Ngữ văn 8 định nghĩa về đặc điểm hình thức để nhận dạng câu trần thuật: câu trần thuật là câu không có đặc điểm hình thức của câu nghi vấn, câu cảm thán và câu cầu khiến. Bởi vậy, để có một chuẩn chung nhất xác định câu trần thuật thì thật không đơn giản. Ta có thể dựa vào một đặc điểm "truyền thống", trực quan, đó là loại câu kết thúc bằng dấu chấm tròn. Và một cơ sở nữa để xác định loại câu này, chính là chức năng - mục đích nói rất đặc thù của nó. Câu trần thuật là loại câu thông dụng, có thể làm thay chức năng của những câu khác (như cảm thán, cầu khiến) nhưng chẳng có câu nào thay thế được chức năng của nó. Sở dĩ, nó được gọi là "câu trần thuật" vì nội dung của câu có chức năng "thuật" lại một cách tường tận, chi tiết. Câu trần thuật còn được gọi với những cái tên dân dã khác như câu kể, câu miêu tả, nó còn dùng để trình bày, thuyết giảng...

Trong tiểu thuyết "Trò chơi hủy diệt cảm xúc", câu trần thuật là loại câu được sử dụng chủ yếu, nó xuất hiện để thực hiện chức năng: kể, tả, trình bày, đánh giá nhận xét.

3.3.1.1. Câu trần thuật dùng với chức năng: tường thuật, miêu tả

Chức năng được tác giả sử dụng phổ biến nhất cho câu trần thuật trong tác phẩm này là để tường thuật và miêu tả. Vẫn lối dẫn truyện hấp dẫn, cách kể, tả thu hút bằng những kiểu câu cấu tạo ngắn, Y Ban kể những câu chuyện đời thường, vụn vặt mà vẫn rất thú vị.

"Hàng ngày tôi đi làm qua một cây cầu. Một cây cầu cũ kĩ nhưng rất nổi tiếng. Dưới chân cầu nước chảy xuôi ra biển. Trên cây cầu, dòng xe máy cũng như dòng nước, xuôi xuôi xuôi xuôi. Nếu cái sự xuôi xuôi đó có một chiếc xe dừng lại sẽ tạo thành sự vón cục tắc nghẽn. Vì thế nhiều khi tôi chợt nghĩ tôi không đi mà tôi đang chảy theo dòng chảy của xe cộ, không được phép dừng lại. Bỗng có một ngày tôi đang đi trên dòng chảy đó. Tôi nhìn thấy bên trái có một cụ già đang ngồi dựa vào thành cầu. Cụ ngồi ở tư thế không

bình thường. Chiếc batoong rơi bên cạnh. Hai bàn chân ngoảnh đi hai hướng. Mặt cụ vô cùng đau đớn. Dòng xe trước mặt tôi chảy đều đều. Không có một chiếc xe nào chậm lại. Trí óc tôi lóe lên ý nghĩ, giảm ga, dừng xe lại và đến bên cụ già, hỏi cụ có cần giúp đỡ không? Tay phải tôi vẫn giữ tay ga như khi ý nghĩ lóe lên. Xe đi ngang qua chỗ cụ già ngồi, tốc độ xe vẫn không giảm. Xe vượt qua chỗ cụ già ngồi, ga vẫn giữ ở tốc độ cũ. Giảm ga và dừng lại. Giảm ga và dừng lại. Giảm ga và dừng lại... cụ già cần giúp đỡ. Cây cầu dài hai cây số. Tôi giữ chặt tay ga, không giảm tốc độ. Tôi chảy theo dòng xe cộ và không dừng lại [...] Tôi hòa vào dòng chảy mới" [8; 16].

Một đoạn tường thuật, miêu tả với những câu ngắn. Rất ngắn, rất chi tiết sự việc kéo dài khoảng vài phút của "tôi" trong một lần qua chiếc câu dài hai cây số trong hàng trăm hàng nghìn ngày đi làm qua chiếc cầu này. Điều rất ấn tượng là, cách kể tưởng như tưng tửng, rất nhịp nhàng đó, lại mang đến thật nhiều suy ngẫm cho người đọc. Và người đọc đều nhận ra mình trong khoảnh khắc cuộc sống rất đời thường này: ai cũng đã từng gặp, từng trải qua. Cái dòng chảy xuôi xuôi không ngừng của nước dưới chân cầu, cái dòng chảy liên tục xuôi xuôi của xe cộ mà dường như có một quy tắc bất thành văn là không được dừng lại, vì sẽ tạo "sự vón cục" trên cây cầu (hiện trạng dễ thấy của giao thông Việt Nam). Chính sự liên tục đến bất thường và vô nhân đó, nó dẫn đến sự việc như trên: một cụ già hành khất kiệt sức mà không có một cái xe nào dừng lại, không có ai chống lại cái dòng chảy bất thường đó để giúp đỡ cụ, dù "tôi" đã có ý nghĩ sẽ giảm ga, dừng lại đến bên cụ; nhưng rốt cuộc vẫn bị dòng chảy đó cuốn đi. Cái dòng chảy liên tu bất tận đã giết chết mọi suy nghĩ, giết chết mọi cảm xúc Người nhất trong mỗi con người. Biến họ thành một dòng người máy vô cảm, chút tình người lóe lên yếu ớt trong suy nghĩ và tan biến trong dòng chảy mới ở một đoạn đường mới. Phải chăng đây chính là nhịp sống hiện đại, ở một thành phố đông đúc, bụi bặm, chật vật mưu sinh.

Ở một đoạn truyện khác: "Ngày phải giao tiền, giữa trưa hè tháng sáu, buổi sáng ả dậy sớm hì hục sắc thuốc bắc. Không phải thuốc bổ mà là thuốc phá thai. Ả uống một hơi thứ thuốc giết người vào bụng. Sau đó ả đến nhà băng rút tiền. Đến nhà băng việc nhanh nhất là gửi tiền và việc lâu nhất là rút tiền ra. Đến giữa trưa mới rút tiền xong. Phải chờ đến chiều mới chuyển sang nhà băng khác giao tiền Việt. Ả ôm một đống tiền về cơ quan. Mặt ả đỏ lựng như người say nắng. Ả thấy bụng đau ngâm ngẩm. Ả vào nhà vệ sinh. Máu bắt đầu rịn ra. Thuốc độc đã bắt đầu phát huy tác dụng. Đúng một giờ, nắng như thiêu như đốt ả ôm bọc tiền đi xe máy hơn chục cây đến giao tiền mua nhà. Đến chiều về nhà, thân thể rã rời, máu ộc ra. Thuốc bắc đã làm xong việc của nó. Ả nằm như chết trên giường, không động đậy chân tay" [8; 44].

Đoạn văn ám ảnh cả nội dung kể và miêu tả, ám ảnh cái khuôn mặt đỏ lựng vì nắng gắt tháng sáu, ám ảnh vì nồi thuốc bắc phá thai, thứ thuốc giết người mà được Y Ban kể bằng một thứ giọng ít xúc cảm nhất. Những câu văn ngắn như muốn nhấn vào từng chi tiết đan lồng vào nhau, việc rút tiền giữa trưa, quá trình ngấm thuốc rồi máu ộc ra, tất cả đều diễn ra tỉ mỉ, rõ ràng đến tàn nhẫn. Người đọc cảm nhận được sự đau đớn, nỗi mệt mỏi rã rời của nhân vật. Ôi! Cái số kiếp đàn bà! Hay diễn tả một kiếp người khổ cực khác trong chương 4, Y Ban kể: "Mây cũng xấu hổ nên đẩy chồng. Gã chồng côn đồ dang tay đánh bốp vào mặt con. Thằng bé ngã nhào từ trên giường xuống đất. Đầu va vào nền gạch chảy máu lênh láng. Mây như con thú dữ, rút dưới chiếu chiếc búa đinh nện tới tấp vào đầu chồng. Thấy chồng nằm yên Mây bế con sang nhà Ngân, không khóc một lời, chỉ bảo: - Tao giết chồng rồi. Mày mang hai đứa con này về nhà mẹ tao nhờ ông bà nuôi hộ. Tao đi tù đây." [8; 60]. Bi kịch của người đàn bà nông thôn có chồng vũ phu, đánh đập vợ con không thương tiếc. Y Ban kể, hoàn toàn bằng những câu trần thuật, không có

bóng dáng một câu cảm thán nào; vẫn giọng văn dửng dưng, nhịp nhàng ấy. Người đàn bà tên Mây đã héo mòn, không còn năng lượng để kinh ngạc, bàng hoàng hay đớn đau nữa, Mây đã tính trước tương lai không mấy sáng sủa này; vậy nên Mây bảo chuyện giết chồng, đi tù, cứ như chuyện giết con gà và đi chợ. Mây đã tự giải phóng cho mình thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục dù rằng "mọi con đường đều chặn cả rồi, chỉ có nhà tù là mở cửa" [8; 60]. Kết thúc một số kiếp túng quẫn cơ cực, để bước sang một ngõ tối khác. Ôi! Cái số kiếp đàn bà!

Cách kể của Y Ban thật sự lôi cuốn trong cái giản dị, chất phác, nó đi vào lòng người tự nhiên như cách câu chữ đến tự nhiên trên trang truyện. Đây là lời của một đứa trẻ đang muốn mẹ nó vui lên những lúc buồn: "Bố ngủ ở phòng mẹ một lúc rồi bố ra võng. Bố ngủ ở võng khoảng một lúc nữa rồi bố lên phòng con. Bố đi chân đất lên phòng con nhớ. Bố ngủ một lúc nữa rồi bố lại đi đất xuống phòng mẹ. Sáng ra bố vào nhà vệ sinh. Rồi bố đi dép trong nhà vệ sinh ra vì bố sợ mẹ nhìn thấy bố đi chân đất. Mẹ vào nhà vệ sinh. Mẹ không thấy dép đâu. Mẹ gào lên. Bố mang dép vào nhà vệ sinh giả mẹ. Bố lại đi chân đất. Mẹ đi khỏi nhà vệ sinh thấy bố đi chân đất. Mẹ gào lên: Dép đâu. Con đi xuống ăn sáng đi học. Bố nhìn thấy con bố hỏi: Dép tao đâu? Mẹ ra võng mà xem. Ở đó có năm đôi dép" [8; 39]. Lại những câu trần thuật ngắn, diễn tả lời con trẻ với lối tư duy mạch lạc, trẻ thơ và đơn giản. Những câu nối tiếp nhau, diễn tả hành động nối tiếp nhau, không hề rối, mà nó dẫn dắt người đọc cùng tưởng tượng theo bước chân đất vì đầu óc hay quên của ông bố, cùng câu hỏi: "Dép tao đâu" đầy hài hước. Chỉ cần những đoạn văn như vậy thôi cũng khiến tác phẩm trở nên dễ đọc và thú vị.

Có rất nhiều những đoạn trần thuật dùng với chức năng kể, tả thú vị như vậy: chuyện kỉ niệm tình yêu, chuyện đám đông tụ tập chỉ vì một tiếng rắm to (!!!), lại chuyện đám đông của những người đàn ông tại các quán bia đầy mùi

mồ hôi pha lẫn với thuốc lá; cả chuyện của những cô gái làm nghề tắm kì tại cái làng có suối nước nóng. Tất cả hiện lên thật sinh động, chân thực, thức dậy hết tất thảy các giác quan của người đọc để cảm nhận và thấu hiểu.

3.3.1.2. Câu trần thuật dùng với chức năng bình luận, đánh giá, nhận xét

Không chỉ kể, tả, kiểu câu trần thuật còn dùng để thể hiện đánh giá, nhận xét, bình luận của người viết, người kể chuyện về đối tượng được nói đến. Trong tiểu thuyết này, Y Ban đã tận dụng triệt để chức năng này của câu trần thuật để thể hiện những ý kiến đánh giá bình luận của nhân vật trong quá trình dẫn dắt câu chuyện, cũng như để người đọc phần nào hiểu rõ hơn thế giới nhân vật. Ở chương 2, "tôi" tự nhận xét về cuộc sống bản thân: "Tôi đang sống trong một kiếp người non [...] cái kiếp người non của tôi chỉ đầy đủ cuộc sống của tôi [...] Nói trắng phớ thì cách dùng từ non cho cái kiếp người của tôi là sai, đại sai. Nhưng vì tủi thân cho kiếp người dại của mình nên tôi dùng từ non mà thôi. Tôi non vì không được học hành đến nơi đến chốn. Tôi non vì được sinh ra trong nhà nông dân nghèo, không được hưởng chút gia tài nào. Tôi non vì không được dạy dỗ sự khôn ngoan ở đời..." [8; 15]. Sự đánh giá nhận xét khá lạ lùng: lạ lùng cách dùng từ, lạ lùng cách đặt câu, nhưng lại rất chính xác và thực tế để bình luận về một cuộc đời nhiều thiệt thòi: nghèo nàn, thất học, thiếu sự bày dạy, cái gì cũng chưa "chín". Cách đánh giá cho thấy nỗi buồn, sự bi quan chán nản.

Đây là những câu văn người đàn bà tự đánh giá về cuộc hôn nhân của mình: "Ả thường bảo với bạn bè, sống với chồng nếu nâng cao quan điểm thì sẽ treo cổ tự tử, nếu hạ bằng quan điểm thì sẽ bỏ nhau, hạ thấp quan điểm xuống là là ngọn cỏ thì sống được" [8; 31]. "Chỉ là vì cái cách chồng xé chiếc túi nham nhở ả liên tưởng đến cuộc sống của vợ chồng ả. Ả cũng chẳng biết cái lão số phận ấy là ai. Nhưng chắc là tên xỏ lá. Đã lắp ghép số phận của ả.

Một người đàn bà mơ mộng nhưng rất chỉn chu vào gã đàn ông chuyên xé toạng mọi thứ nham nhở" [8; 32]. "Tuy nhiên nếu cộng vào rồi chia trung bình thì cũng được điểm khá. Vậy là ả cũng hài lòng. Nhưng lời nói yêu đương tắt dần trên môi ả" [8; 33]. "Cái việc cười của ả với việc hét của ả cộng vào chia trung bình thì được 5,5 cười. Thế là trội rồi. Việc chồng dạy con học thì là điểm mười cộng" [8; 40]. Những lời tự đánh giá nhận xét từ trừu tượng đến cụ thể, đến tỉ mỉ, thậm chí là cả chấm điểm. Ta hình dung ra một cuộc hôn nhân "tạm ổn" với tất cả mọi thứ đều tàng tàng, tầm tầm ở mức có thể chấp nhận được cái việc sống cùng một nhà để con cái có một gia đình. Cuộc hôn nhân này không có chỗ cho tình yêu nồng nàn say đắm, không có chỗ cho rạo rực bâng khuâng. Một cuộc hôn nhân yên ắng, nhạt nhẽo. Qua những điều ả tự nhận xét, ta thấy rằng ả có sự nhìn nhận tỉnh táo, phân tích kĩ lưỡng, thấy được mặt ưu nhược trong cuộc sống của chính bản thân mình, vậy nên ả chủ động hoàn toàn trong cuộc tình vụng trộm, khỏa lấp những khát khao mặn mòi mà cuộc hôn nhân hiện tại ả không tìm thấy.

Trong tác phẩm, ta bắt gặp rất nhiều những kiểu nhận xét đánh giá ấn tượng như vậy:

"Đám đông này cũng không hẳn là đám đông vô tích sự nhất trên đời. Vì có nhiều vụ làm ăn thành công từ đám đông này. Nhưng với những người phụ nữ thì đó là đám đông vô tích sự nhất trên đời. Chưa kể đám đông này khiến cho phụ nữ khốn đốn" [8; 68]. Đây là nhìn nhận của một người đàn bà về một trong những thói quen của đàn ông - tụ bạ, bia bọt và tán chuyện. Và nó cũng là nhận xét mở màn để nói về một đám đông vô tích sự, đám đông những người đàn ông, nói những chuyện to tát viển vông nhưng lại có những hành động nhơ nhớp, bẩn thỉu nơi công cộng. Hay là cảm nhận của bà tiễn sĩ môi trường về cuộc tình của chính mình mà bà vẫn vốn tưởng rằng nó cao cả, lớn lao: "Chưa bao giờ người đàn bà lại ghê tởm cái thứ tiếng Anh đến vậy.

Love love love là cái cục cứt. Cái cục cứt thối" [8; 81]. Những câu chửi thề cay nghiệt và tục tũi để diễn tả hết thảy nỗi kinh tởm, sự sụp đổ đớn đau, cái bẽ bàng tủi nhục của người đàn bà vốn đã từng lí tưởng tình yêu, từng lí tưởng người đàn ông ngoại quốc mà lúc này đây đã có những hành vi bẩn thỉu, xúc phạm vào thứ tình yêu thiêng liêng mà bà đã hết lòng tin tưởng.

Y Ban còn sử dụng câu trần thuật để diễn tả thành những câu ấn tượng như thế này:

"Tôi hòa vào một dòng chảy mới" [8; 16 - chương 2].

"Ả bỗng cười nấc lên. Bác sĩ nói không chuẩn, phải nói là bây giờ chị vẫn nhìn được cuộc đời bằng nửa con mắt" [8; 49 chương 3].

"Mọi con đường đều chặn cả rồi, chỉ có nhà tù là mở cửa" [8; 60 - chương 4].

"Những người đàn bà đang còn mải việc" [8; 65 - chương 5].

"Nếu không chắc Kim sẽ thốc tháo mà nôn ói ra mất" [8; 72 chương 6].

"Người đàn bà ngoảnh mặt đi và muốn tan biến vào dòng nước để trôi tuột vào lòng đất" [8; 81 - chương 7].

"Tôi không biết sống thế nào với tội danh kiêu căng tự phụ vô pháp vô thiên" [8; 93- chương 8].

Đây là những câu kết trong các chương từ chương 2 đến chương 8. Là những câu trần thuật: thông báo, bình luận, đánh giá, nhận xét và cả bộc lộ cảm xúc. Những câu ngắn, diễn đạt súc tích, đầy sức gợi với nhiều tầng bậc ý nghĩa. Có chương là sự kết thúc đầy gợi mở, mà là cái gợi mở hoặc là không rõ ràng, vô định (chương 2); hoặc là cái gợi mở tối tăm bế tắc với giọng văn chua xót (chương 4). Có chương là cái kết đầy mỉa mai, hoài nghi, đau khổ (chương 3, chương 7, chương 8). Và có mặt trong những cái kết đó là những thân phận đàn bà. Kiểu kết thúc lắng đọng, in hằn trong nỗi nhớ người đọc, để

không nguôi day dứt khi đọc qua, khi gấp trang sách lại: vẫn những kết thúc bạc bẽo cho người đàn bà, vẫn là câu chuyện thân phận. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Y Ban đã tận dụng hết chức năng lợi thế của câu trần thuật để thể hiện

Một phần của tài liệu Từ ngữ và câu trong tiểu thuyết trò chơi hủy diệt cảm xúc của y ban (Trang 74)