Trong môi trường cạnh tranh hiện nay, với sự xuất hiện của rất nhiều ngân hàng trong nước lẫn ngoài nước, khách hàng có nhiều sự lựa chọn và họ trở nên nhạy cảm hơn với yếu tố giá cả so với trước đây. Do đó, ACB cần phải duy trì và phát huy hơn nữa để mang đến cho khách hàng sự hài lòng cao nhất khi đến giao dịch. Để thực hiện được điều này thì đối với yếu tố chính sách giá cả dịch vụ tác giả sẽ đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:
- Thứ nhất, lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay cần phải được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với cung cầu vốn trên thị trường ở từng thời kỳ, sử dụng lãi suất làm công cụ để điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu đầu tư tín dụng cho phù hợp nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh tối ưu.
- Thứ hai, tiến hành khảo sát về giá dịch vụ và lãi suất ở một số ngân hàng cùng địa bàn để xem xét lại chính sách giá cả và lãi suất của NH mình. Cập nhật thông tin về biến động thị trường cũng như giá cả giao dịch để củng cố lòng tin của khách hàng về tính cạnh tranh về giá của NH.
- Thứ ba, phát huy tính linh hoạt của chính sách giá như áp dụng lãi suất ưu đãi cho những khách hàng có lượng tiền gửi lớn hay giảm phí giao dịch đối với những khách hàng có số dư lớn, những khách hàng thân thiết của ngân hàng. Khi quan hệ giao dịch với khách hàng, ACB nên tính toán lợi ích thu được trên tổng thể các giao dịch của KH với NH như lãi thu được từ tín dụng, phí thu được từ hoạt động thanh toán, lãi mua bán ngoại tệ, số dư huy động vốn bình quân…để xác định mức giá dịch vụ cạnh tranh cho từng loại đối tượng khách hàng. Ví dụ như mức phí chuyển tiền có thể rẻ hơn cho những khách hàng có giao dịch chuyển tiền thường xuyên với doanh số lớn, lãi suất tín dụng sẽ được xem xét giảm khi khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ trọn gói hay tham gia nhiều dịch vụ qua ngân hàng như thanh toán trong nước và quốc tế, mở thẻ ATM, thanh toán lương cho nhân viên qua NH,…