TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG

Một phần của tài liệu Thẩm định dự án mô hình trồng mắc ca huyện Tuy Đức (Trang 88)

Mắc ca là một loại cây rừng tự nhiên nên việc trồng mắc ca có tác động tích cực đối với môi trường. Mô hình trồng mắc ca giúp phủ xanh những vùng đất trống, đất nương rẫy. Vườn cây mắc ca giúp giảm xói mòn đất, đặc biệt là ở những vùng đất đồi, cung cấp thêm oxy, điều hòa nước, cải thiện hệ sinh thái tại những vùng đất trống, đồi trọc.

Tuy nhiên, việc trồng mắc ca tại hộ gia đình không thể không sử dụng đến những chất bảo vệ thực vật khi cần thiết. Việc này sẽ có ảnh hưởng không tốt tới môi trường. Cần hạn chế tối thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu, nên đối phó với sâu bọ bằng việc sử dụng thiên địch, hoặc dùng chế phẩm sinh học thân thiện môi trường để diệt những côn trùng có hại. Dùng bừa bãi chế phẩm hóa học vừa có hại đến môi trường vừa có thể phản tác dụng và ảnh hưởng đến vườn cây mắc ca. Việc sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất cũng cần được thực hiện đúng hướng dẫn an toàn sử dụng. Các hóa chất nên được giữ tại nơi an toàn, thoáng khí, được khóa lại cẩn thận, được ghi nhãn mắc rõ ràng và tuyệt đối không được đốt các thùng đựng thuốc trừ sâu, hóa chất.

Tựu trung, việc trồng mắc ca mang lại những giá trị sinh thái cho môi trường nhiều hơn, tuy nhiên cần cận trọng trong vấn đề chăm sóc, nên phòng bệnh hơn chữa bệnh và cần sử dụng những biện pháp thân thiện với môi trường và không ảnh hưởng đến sức khỏe người trồng và người tiêu dùng sản phẩm.

SƠ KẾT CHƯƠNG 5

Khi xem xét đến một dự án, ngoài việc cân nhắc lợi ích tài chính từ dự án còn cần xem xét đến giá trị thực tiễn đối với nền kinh tế, xã hội và môi trường. Trong chương 4, tác giả đã chứng minh hiệu quả tài chính của mô hình trồng mắc ca. Trong chương 5, những tác động kinh tế - xã hội của mô hình như cải thiện kinh tế gia đình và kinh tế địa phương, làm động lực để phát triển một số ngành nghề khác cũng như tác động tích cực đến hệ sinh thái môi trường đã được đề cập. Song song đó, những rủi ro từ việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp cũng đã được nêu ra và đòi hỏi sự hợp tác từ cả người nông dân sản xuất và các cơ quan quản lý môi trường địa phương để hạn chế tác động xấu đến môi trường và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ vững mạnh.

CHƯƠNG 6

KIẾN NGHỊ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ HỘ GIA ĐÌNH THÔNG QUA

Để phát triển bền vững mô hình trồng mắc ca tại huyện Tuy Đức hiện nay, ngoài các giải pháp vi mô được thực hiện chủ động từ phía hộ dân để khắc phục các hạn chế và phát huy các thế mạnh của địa phương trong xây dựng mô hình, có ba vấn đề chính cần sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành các cấp:

Về vốn đầu tư: Cần sự tham gia của ngân hàng chính sách xã hội, các mô hình tài chính vi mô cũng như các ngân hàng thương mại cổ phần nhằm cung cấp các gói tín dụng phù hợp với đặc trưng của mô hình. Quá trình này cũng cần sự giám sát và hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Về kĩ thuật trồng trọt: Cần sự tham gia của Viện khoa học kĩ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, các vườn ươm đạt chuẩn chất lượng như Công ty Cổ phần Vinamacca, Hội nông dân và các trường đại học. Hội nông dân Tuy Đức cần liên kết với các tổ chức chuyên ngành để hệ thống hóa quy trình, chuẩn mực xây dựng vườn và chăm sóc mắc ca để năng suất và chất lượng của các hộ nông dân đồng đều.

Về thị trường đầu ra: Cần sự tham gia của các nhà đầu tư, công ty chế biến, xuất khẩu mặt hàng mắc ca.

Một phần của tài liệu Thẩm định dự án mô hình trồng mắc ca huyện Tuy Đức (Trang 88)