Chuẩn bị thu hoạch
Trước khi quả rụng 1-2 tuần phải làm vệ sinh vườn cây, dọn cỏ, san mặt vườn, lấp chỗ trũng và dọn dẹp các rãnh thoát nước. Không bón phân sinh học và phân chuồng trước khi quả chín 1 tháng cho đến khi thu hoạch xong để tránh nhiễm bệnh và làm bẩn hạt. Tỉa bớt những cành rũ, khi dọn cỏ hạn chế dùng thuốc diệt cỏ và tránh phun thuốc vào quả.
Quả mắc ca từ khi ra hoa đến khi chín mất khoảng 7 tháng (215 ngày) và sẽ tự rụng sau khi chín (một số dòng thì quả không tự rụng). Mùa quả chín thường vào giữa hoặc cuối tháng 8 đến đầu tháng 10. Lên lịch thu hoạch trước để chuẩn bị. Nhận biết quả chín bằng việc kiểm tra biến đổi màu sắc của vỏ quả trong. Khi chín đẫy vỏ quả trong sẽ đổi từ màu trắng hoặc nâu nhạt sang màu nâu và nâu thẫm, vỏ hạt nâu cứng.
Thu hoạch
Có thể thu hoạch bằng tay hoặc bằng máy. Ở vườn quả nhỏ hoặc đất dốc thường nhặt bằng tay. Nếu dùng lưới bọc dưới gốc cây, gắn phễu bên dưới, quả rụng xuống lưới sẽ qua phễu trút xuống tập trung một chỗ giúp việc thu gom được dễ dàng hơn. Cố gắng thu hoạch mỗi tuần một lần hoặc lâu nhất là hai tuần một lần.
Tách vỏ xanh
Khi quả chín tự rụng xuống đất, hàm lượng nước của vỏ quả còn cao tới mức 45%, nên khi thu về để tích trữ lại, do hoạt động hô hấp mạnh, nhiệt độ tăng lên, ảnh hưởng đến chất lượng nhân. Vì vậy ngay sau khi thu hoạch trong vòng 24 giờ, phải bóc ngay quả xanh, vỏ quả tươi và làm khô sơ bộ không để lên men, làm thối hạt. Phân loại ra quả đã nứt vỏ và quả chưa nứt vỏ. Quả đã nứt vỏ xanh có thể tách ra dễ dàng bằng tay. Quả chưa nứt vỏ xanh có thể phơi rải trong phòng bảo quản thoáng khí, không để quả bị phơi nắng trực tiếp. Vỏ quả xanh khô sẽ từ từ nứt. Nếu muốn tách vỏ xanh lúc chưa nứt có thể dùng chày. Vỏ quả xanh có thể được mang đi chế biến thành phân rác và sử dụng bón cho cây mắc ca giúp giảm chi phí mua phân hữu cơ.
Tuyển chọn
Sau khi tách vỏ xanh, cần loại bỏ tạp chất, vỏ quả vỡ, quả bị sâu bệnh, quả đã nảy mầm, quả nứt (trừ những vết nứt rất nhỏ). Có thể chế tạo một thiết bị phân loại mắc ca đơn giản. Phần rây phân loại của thiết bị sẽ phân loại mắc ca thành 4 loại dựa trên đường kính của hạt nguyên vỏ: (1) dưới 20mm, (2) 20-23mm, (3) 23-25mm, (4) trên 25mm. Thiết bị sẽ có độ nghiêng khoảng 30o để hạt chạy từ một đầu xuống đầu còn lại. Tùy vào kích cỡ đường kính của hạt mà hạt sẽ rơi xuống một khoang nhất định bên dưới. Hộ nông dân có thể chế tạo thiết bị này để giúp việc phân loại quả được nhanh chóng. Khi bán hạt, giá cho từng loại quả sẽ khác nhau, việc phân loại giúp hộ nông dân không bị tình trạng thương lái ép một giá cho toàn bộ sản phẩm.
Hình 3.6 Thiết bị phân loại quả đơn giản
Làm khô
Quả mắc ca sau khi được tách vỏ xanh cần được làm khô để tránh lên men, nhân biến chất, axit béo bị phân giải và nhiều hoạt động sinh lý khác. Trong vườn quả nhỏ, có thể làm khô tư nhiên để bảo quản được lâu trước khi đem cung cấp cho các nhà máy chế biến mắc ca. Làm khô bằng cách rải đều mắc ca trên nền nhà, hoặc nền có mái che, thông thoáng tốt, tránh ánh nắng trực tiếp. Hoặc làm giá đỡ nhiều tầng có lỗ thông hơi, chỉ rải hai lớp hạt để gió dễ dàng lưu thông. Mỗi tuần đảo một lần, sau 4 tuần hạt sẽ khô, độ ẩm có thể giảm xuống mức 10%. Khi đó phần nhân hạt sẽ tách khỏi vỏ hạt tạo tiếng kêu lách cách khi lắc. Hạt có độ ẩm 10% có thể được bảo quản trong thùng để nơi thoáng mát trong vòng 4,5 tháng.