Giải pháp cho vấn đề thị trường

Một phần của tài liệu Thẩm định dự án mô hình trồng mắc ca huyện Tuy Đức (Trang 44)

Lựa chọn cây giống chất lượng

Để đảm bảo tiêu chuẩn của thị trường, tăng ưu thế cạnh tranh cần đảm bảo chất lượng hạt. Chất lượng hạt và năng suất mắc ca được quyết định bởi chất lượng cây giống tốt. Hộ nông dân nên tìm mua cây giống ở những vườn ươm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia. Lựa chọn những giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Cây giống ghép chất lượng giúp ra quả bói sau 3 năm và năng suất đáng kể sau 5, 6 năm. Nếu mua cây ghép giả, hoặc cây thực sinh ươm từ hạt thì có thể đậu quả trễ sau 7, 8 năm hoặc có thể không đậu quả, tỷ lệ chết cao, năng suất thấp và chất lượng hạt kém. Kinh nghiệm cho thấy cây ghép của một số dòng thích nghi tốt có thể đạt sản lượng nhân gấp 3-5 lần cây thực sinh cùng kích thước và độ tuổi (Hamilton R.A. & Fukunaga E.T.,1959).

Nhờ hỗ trợ kỹ thuật từ các hiệp hội nông nghiệp địa phương

Để đảm bào vấn đề chất lượng quả và sản xuất được hiệu quả, các hộ nông dân cần chủ động tìm kiếm sự hướng dẫn, trợ giúp của các đơn vị hiệp hội nông lâm nghiệp địa phương, các vườn ươm mắc ca tiêu chuẩn trong việc thiết lập vườn cây ban đầu và quy trình chăm sóc hằng năm.

Liên kết các hộ cùng trồng để đảm bảo sản lượng

Nếu không được vườn ươm và nhà máy chế biến bao tiêu thì hộ nông dân cần xuất bán cho thương lái hoặc các điểm thu mua bên ngoài Tuy Đức. Vì vậy việc liên kết cùng trồng có thể giúp kêu gọi các thương lái đến thu mua hàng và hạn chế việc bị ép giá. Việc liên kết nhiều hộ cùng trồng mắc ca tại Tuy Đức góp phần hình thành vùng nguyên liệu mắc ca, phát triển các hiệp hội mắc ca tại đia phương giúp chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau sản xuất được tốt hơn. Các hộ dân có thể cùng nhau đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mắc ca Tuy Đức nhằm phát triển hình ảnh tốt đẹp sản phẩm mắc ca Tuy Đức đến với người tiêu dùng.

SƠ KẾT CHƯƠNG 2

Mắc ca là một loại hạt tốt cho sức khỏe và có nhiều cách thức sử dụng. Tiềm năng từ thị trường mắc ca còn rất lớn. Mắc ca không chỉ được dùng làm thực phẩm dinh dưỡng mà còn được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Hiện nay do sản lượng mắc ca còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 1% đối với tổng sản lượng các loại hạt khô, nên sự phổ biến và thông dụng của mắc ca còn thấp.

Thị trường mắc ca thế giới vẫn rất non trẻ, do cây mắc ca chỉ mới được trồng công nghiệp ở một số nước trong khoảng 60 năm trở lại. Nguồn cung cấp mắc ca có xu hướng chuyển dịch sang những nước có quỹ đất thích hợp trồng mắc ca dồi dào và nguồn lao động rẻ. Một số nước gặp khó khăn trong việc trồng mắc ca do trồng bằng cây thực sinh dẫn đến năng suất thấp.

Ở Việt Nam, mắc ca được đem về trồng thử nghiệm từ năm 1994 tại Ba Vì, Hà Nội. Việc trồng khảo nghiệm được mở rộng và đã có những kết quả thực nghiệm về những vùng đất thích hợp trồng mắc ca. Từ đó, mắc ca nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư và các định chế tài chính. Một số nhà máy chế biến mắc ca đã được xây dựng để đảm bảo đầu ra cho người nông dân trồng mắc ca. Điều quan trọng là cần thiết kế vườn cây và lựa chọn giống phù hợp để đảm bảo chất lượng, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường do mắc ca là loại sản phẩm cao cấp.

CHƯƠNG 3

3.1 KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC MẮC CA 3.1.1Kỹ thuật xây dựng vườn cây

Một phần của tài liệu Thẩm định dự án mô hình trồng mắc ca huyện Tuy Đức (Trang 44)