Câu hỏi của cô phải được cân nhắc, lựa chọn cẩn thận. Ngoài những câu hỏi tiêu biểu về sự hiểu biết của trẻ và những gì ở trong câu chuyện, cái gì là mới đối với trẻ, những nét đặc tính cơ bản của nhân vật chính mà trẻ yêu thích là gì, còn cần cả những câu hỏi phát hiện hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Đó là những câu hỏi làm rõ tác giả đã miêu tả hiện tượng này như thế nào, đã so sánh nó với cái gì, những từ câu nào trẻ thích và nhớ, những gì khác lại đối với trẻ. Hệ thống câu hỏi dựa theo diễn biến câu chuyện trẻ kể để tạo thành dàn bài chuyện kể. Câu hỏi đặt ra cần cho trẻ nhắc lại theo đoạn chuyện bằng những câu văn câu nói của nhân vật trong tác phẩm, nhằm củng cố sự nhớ lại tác phẩm, nhớ lại ngữ điệu giọng điệu của nhân vật. Cuộc trao đổi như vậy củng cố tri giác toàn vẹn về tác phẩm văn học trong sự thống nhất nội dung và hình thức. Phần này không cần kéo dài quá, chỉ nên cho trẻ 4 – 5 câu hỏi. Ví dụ trong truyện “Ba cô gái”, cô cần hỏi trẻ các câu hỏi sau:
- Câu 1: Bà mẹ chăm sóc (thương) các con như thế nào? - Câu 2: Khi bà mẹ ốm bà nhờ ai gọi các con về?
- Câu 3: Sóc đã nói với chị cả như thế nào, chị Cả đã nói với Sóc những gì? Chị Cả biến thành con gì?
- Câu 4: Sóc đưa thư và nói với chị Hai như thế nào? Chị Hai nói gì với Sóc? Chị Hai biến thành con gì?
- Câu 5: Sóc đến nhà cô Út, cô Út đang làm gì? Khi đọc xong thư cô Út đã làm gì? Sóc đã nói với cô út như thế nào?