Vai trò của tổ chức tham vấn và hòa giải

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động trong đình công ở Việt Nam hiện nay (Trang 73)

Tham vấn là một hoạt động phát huy hiệu quả trong quan hệ lao động, mang tính tự nguyện và kết quả của nó không có tính chất ràng buộc nên cá bên dễ tham gia, dễ thực hiện hơn so với thương lượng. Qua tham vấn, các bên đều có thể đưa ra những thông tin, yêu cầu trên cơ sở đó tự xem xét, điều chỉnh giải quyết vấn đề. Ở Việt Nam hiện nay, tham vấn chưa trở thành phổ biến trong quan hệ lao động, theo Quyết định số 68/2007/QĐ – TTg ngày 17/7/2007 của Thủ tướng chính phủ đã thành lập Ủy ban quan hệ lao động ở

cấp Trung ương với chức năng chính là tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng quan hệ lao động lành mạnh, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tổ chức liên quan trong việc phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động và đình công. Đây là những bước đi hướng tới việc hoàn thiện cơ chế tham vấn trong quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động và đình công phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên do mới đi vào hoạt động nên mới tập trung ở cấp trung ương mà chưa có ở cấp vùng, nội dung hoạt động mới chỉ dừng lại ở cấp độ trao đổi giữa các bên trong giải quyết một số vấn đề cụ thể mà chưa phát huy hết vai trò của mình.

Về tổ chức hòa giải, theo quy định tại điều 162 của Bộ luật lao động sửa đổi năm 2006 thì Hội đồng hòa giải lao động cơ sở phải được thành lập trong các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở hoặc ban chấp hành công đoàn lâm thời với đại diện ngang nhau của bên người lao động và người sử dụng lao động. Thực hiện vai trò hòa giải các tranh chấp lao động tập thể trước khi để xảy ra các cuộc đình công, tuy nhiên tổ chức này hầu như không phát huy được tác dụng vì hội đồng này không có vị trí độc lập và năng lực thực hiện chức năng hòa giải tranh chấp. Theo quy định tại Điều 165a và Điều 166 Bộ luật lao động thì khi việc tranh chấp đã hòa giải thành thì các bên không có quyền khởi kiện ra Tòa án, trong khi trên thực tế, có không ít trường hợp sau khi đã hòa giải thành, phía người lao động không tự nguyện thi hành, hoặc thi hành không đúng theo các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành mà các quy định của pháp luật chưa có quy định nào bảo đảm cho việc thi hành này. Đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động trong các cuộc đình công khi các bên đã thống nhất quan điểm giải quyết sự việc.

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động trong đình công ở Việt Nam hiện nay (Trang 73)