CHƯƠNG 3: NHỮNG CẢI TIẾN HIỆU SUẤT TRONG CHUỖI CUNG ỨNG
3.3.2. Các quy luật đánh đổi trong chuỗi cung ứng
Có nhiều dạng đánh đổi trong chuỗi buộc nhà quản lý phải chọn lựa. Việc hiểu các quy luật của chúng giúp các nhà quản lý giải quyết các mâu thuẫn và giúp họ cân nhắc giữa các lựa chọn khi ra quyết định và khi thiết lập mục tiêu.
Theo David Simchi-Levi có 5 dạng đánh đổi cơ bản trong chuỗi:
Sự đa dạng về sản phẩm và chi phí tồn kho: sự đa dạng trong chủng loại sản phẩm tạo cơ hội lớn cho các nhà kinh doanh khi cung cấp cho khách hàng những lựa chọn phong phú. Chi phí tồn kho cao, nhiều chủng loại nhưng số lượng của mỗi loại thấp, tỉ trọng khác nhau. Ngoài chi phí lưu kho, còn có chi phí sắp xếp, phân loại, bảo dưỡng và cung cấp hàng hóa. Không gian cho tồn kho dạng này khá lớn.
Chi phí vận chuyển và tồn kho: do chi phí vận chuyển dạng đầy tải thấp hơn non tải, các nhà quản lý thường luôn giữ hàng hóa đợi đến khi đủ số lượng cần thiết thì mới chuyển hàng đi. Khi đó chi phí vận chuyển giảm nhưng lại tăng chi phí tồn kho.
Kích thước lô hàng và chi phí tồn kho: khi kích thước lô hàng lớn, bộ phận thu mua thường được hưởng giá mua ưu đãi. Kích thước lô hàng càng lớn thì mức chiết khấu được hưởng càng cao, bù lại công ty phải gánh chịu chi phí tồn kho, đây là dạng chi phí lũy tiến theo kích thước lô hàng và thời gian tồn kho.
Thời gian đáp ứng và chi phí vận chuyển: khi tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường là cạnh tranh thì nhà quản lý thường cố gắng thu ngắn thời gian đáp ứng. Nếu thời gian đáp ứng quá chặt và bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý, họ phải chấp nhận chi phí vận chuyển cao để hàng hóa có thể đến được khách hàng đúng hẹn.
Chi phí và mức độ phục vụ khách hàng: tăng mức độ phục vụ khách hàng buộc phải tăng mức tồn kho và rút ngắn thời gian đáp ứng, do đó, làm tăng chi phí.
Không chỉ có sự đánh đổi mới ảnh hưởng đến việc ra quyết định của nhà quản lý, mà nó còn phụ thuộc vào dự báo và cách phản ứng của họ về rủi ro. Các đánh đổi là điều không thể tránh được. Thái độ thiếu liên kết, hợp tác buộc các nhà
quản lý thường phải đối mặt với nhiều đánh đổi hơn. Sự đánh đổi thường trở thành lý lẽ biện minh trong các quyết định của nhà quản lý.