Để đáp ứng được các mục tiêu và một số định hướng như trên, các cơ quan chức năng, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau :
4.3.1. Sửa đổi, ban hành các cơ chế chính sách để đồng bộ hệ thống pháp luật trong quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.
Để phát huy tối đa hiệu quả của các hệ thống công trình thủy lợi, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi thì không chỉ riêng có chính sách thuỷ lợi phí (dù miễn hay không miễn), mà cần có một hệ thống pháp luật đồng bộ trong công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi. Hiện nay, chính thức trong lĩnh vực quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi mới có Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 4/4/2001 của Uỷ ban thường vụ quốc hội là văn bản cao nhất. Do vậy, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, cần nâng pháp lệnh này thành Luật để bao trùm, điều chỉnh toàn bộ các nội dung, hành vi trong hoạt động quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.
Trên cơ sở nòng cốt là văn bản Luật này, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan sẽ ban hành các Nghị định, thông tư hướng dẫn các hoạt động của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, cơ chế tài chính trong lĩnh vực quản lý, khai
thác công trình thủy lợi.
4.3.2. Ban hành chính sách riêng về thuỷ lợi phí
Như chúng ta đã thấy, trước năm 2003, Chính phủ luôn ban hành riêng 01 Nghị định quy định về chính sách thuỷ lợi phí. Tuy nhiên, từ năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi đã bao gồm cả nội dung của chính sách thuỷ lợi phí trong đó. Vì thuỷ lợi phí là một chính sách rất phức tạp, nhạy cảm, nên việc chỉ đưa một số điều trong một Nghị định hướng dẫn chung như vậy, sẽ còn rất nhiều nội dung không được quy định cụ thể, dẫn đến trong quá trình thực hiện còn rất nhiều vướng mắc, tranh chấp, đặc biệt là đối với các hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ tưới, tiêu liên tỉnh.
Để các nội dung của chính sách được rõ ràng, cụ thể, giúp các cơ quan thực thi cũng như người dân dễ dàng tiếp cận và hiểu về chính sách, cần phải ban hành một Nghị định riêng của Chính phủ quy định về việc miễn thuỷ lợi phí, như thời kỳ của Nghị định 112 trước đây, với các nội dung chủ yếu được đề cập và quy định cụ thể như sau:
a) Đối tượng miễn: Cần làm rõ đối tượng được miễn thuỷ lợi phí là ai. Do
chính sách miễn thuỷ lợi phí hiện nay mới chỉ hỗ trợ cho cá nhân, hộ gia đình được
giao đất sản xuất, mặt nước làm nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và
làm muối, nên còn một số đối tượng khác vẫn chưa được xem xét. Ví dụ, như công
nhân nông trường trước đây, hiện nay, hầu hết các nông trường đã giải thể hoặc được chuyển đổi, nhưng đất được giao cho người công nhân sản xuất, đời sống như
những người nông dân nhưng không được miễn thuỷ lợi phí; hoặc đối với những
doanh nghiệp, tổ chức hoạt động mang tính chất thực nghiệm, thử nghiệm, hoặc có
mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng nên được xem xét là đối tượng được
miễn hoặc giảm thuỷ lợi phí.
b) Phạm vi miễn: Theo quy định hiện nay, việc miễn thuỷ lợi phí chỉ được thực
hiện đối với diện tích trong hạn điền, còn diện tích vượt hạn điền không được miễn
thuỷ lợi phí. Tuy nhiên, vấn đề này cũng chưa được quy định rõ trong chính sách là
tích vượt hạn điền sẽ phải nộp thuỷ lợi phí. Bên cạnh đó, trong chính sách quy định
miễn đối với đất lâm nghiệp nhưng không quy định cụ thể mức thu, do vậy không có
cơ sở để miễn.
Cũng cần xem xét yếu tố thuận lợi trong việc thực hiện, vì với diện tích trong
hạn điền, phần vượt hạn điền sẽ còn rất ít, và như vậy sẽ thường không khuyến khích các tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi thu phần thuỷ lợi phí của diện tích vượt hạn điền.
c) Mức thuỷ lợi phí miễn
- Cần xem xét lại sự bất hợp lý trong mức thuỷ lợi phí hiện nay đối với các
vùng miền của cả nước trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với miền núi, Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các vùng miền. Tránh tình trạng những vùng khó khăn lại có mức cấp bù thấp hơn vùng thuận lợi. Xem lại mức thu đối với các đối tượng hưởng lợi khác, sao cho đảm bảo nguyên tắc thu đúng, thu đủ đối với các đối tượng hưởng lợi từ công trình thuỷ lợi có lãi và dễ dàng trong việc ký kết hợp đồng, xác định mức thuỷ lợi phí phải đóng góp.
- Ban hành định mức kinh tế kỹ thuật chuẩn trong quản lý, khai thác công trình
thuỷ lợi, trên cơ sở đó ban hành mức thu. Mức thu cần linh hoạt, điều chỉnh theo trượt giá của từng giai đoạn, không nhất thiết phải điều chỉnh hàng năm. Mức thuỷ lợi phí cần đáp ứng chi phí tối thiểu của doanh nghiệp, đảm bảo cơ bản chi phí vận hành và bảo dưỡng công trình thuỷ lợi.
- Trường hợp Chính phủ ổn định ngân sách miễn thuỷ lợi phí trong giai đoạn 5
hoặc 10 năm, giao quyền chủ động quyết định cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và chủ sở hữu quyết định mức thu để điều hoà chi phí quản lý, vận hành toàn hệ thống.
d) Nguồn kinh phí đảm bảo
Vì xét về nguyên tắc, thuỷ lợi phí chỉ là phí, đáp ứng một phần chi phí doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, do vậy đây vẫn là các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, như vậy, hàng năm ngân sách phải hỗ trợ hàng năm tương ứng với giá trị của những công trình không phải trích khấu
trình thuỷ lợi.
đ) Nghiên cứu các phương pháp miễn
Theo một số ý kiến đánh giá, việc miễn thuỷ lợi phí trên diện tích được tưới tiêu cũng chưa thực sự hiệu quả. Thông qua đó, miễn thuỷ lợi phí thông qua cấp ngân sách nhà nước trực tiếp cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thuỷ lợi sẽ không hiệu quả, không gắn được trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, cũng như việc giám sát của người dân đối với việc sử dụng kinh phí được cấp từ ngân sách.
Các cơ quan nghiên cứu và đề xuất ban hành chính sách tiếp tục nghiên cứu các phương pháp thực hiện miễn thuỷ lợi phí theo hướng thuận lợi, đảm bảo minh bạch, hiệu quả nhất. Có thể nghiên cứu phương pháp miễn trực tiếp cho người dân, nghĩa là người dân vẫn trực tiếp trả thuỷ lợi phí cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thuỷ lợi thông qua hợp đồng, trên cơ sở hoá đơn và nghiệm thu hợp đồng, các cơ quan của nhà nước sẽ cấp kinh phí trả người dân.
4.3.3. Thực hiện phân cấp quản lý công trình rõ ràng, minh bạch
Việc phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi rất quan trọng. Khi phân cấp tốt, sẽ làm rõ trách nhiệm, phạm vi trong quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, giữa các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi cũng như người dân, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp trong việc quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.
Việc gắn trách nhiệm của người hưởng lợi đối với phần kinh phí thuỷ lợi nội đồng cũng như kinh phí miễn thuỷ lợi phí đến phạm vi người dân vẫn phải đóng góp chi phí cũng sẽ được làm rõ ràng nếu phân cấp tốt.
Bên cạnh đó, với một hệ thống thuỷ lợi nhỏ, kỹ thuật vận hành đơn giản, không quá mất an toàn, việc phân cấp cho tổ chức hợp tác dùng nước quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi quản lý sẽ hiệu quả, tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với các tổ chức của nhà nước quản lý.
4.3.4. Một số giải pháp phụ trợ khác
Nghiên cứu mô hình tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phù hợp hơn, đặc biệt là đối với từng vùng, miền trong giai đoạn miễn thuỷ lợi phí hiện nay.
Cần thực hiện điều tra, đánh giá thực trạng tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, đặc biệt ở cấp cơ sở để có giải pháp củng cố, kiện toàn; đánh giá thực trạng tổ chức quản lý nhà nước về thuỷ lợi ở cấp huyện và xã, để có giải pháp củng cố, kiện toàn.
Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, đặc biệt là chính sách về thuỷ lợi phí, các chính sách về quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi đến tận người dân. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và vai trò của người dân trong quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.
Không có một chính sách nào có thể gọi là hoàn hảo, đáp ứng và thoả mãn được tất cả các đối tượng mà chính sách điều chỉnh, trong khi đó, đây lại là chính sách có ảnh hưởng tác động tới 70% dân số sinh sống trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Do vậy, chính sách miễn giảm thuỷ lợi phí, trong 3 năm đã có 2 Nghị định của Chính phủ và tới nay đang được tổng kết đánh giá để có những kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp là rất cần thiết. Trong 3 năm qua, việc thực hiện chính
sách miễn giảm thuỷ lợi phí nhằm mục tiêu làm giảm chi phí sản xuất nông nghiệp
của người, góp phần tăng cao thu nhập, nâng cao mức sống của người nông dân trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết.
Có thể, khi chính sách miễn thuỷ lợi phí mới ra đời cũng chưa thể giải quyết được toàn bộ những tồn tại, vướng mắc đã thể hiện như đánh giá những tồn tại đã nêu ở trên, cũng có thể khi ban hành chính sách miễn thuỷ lợi phí mới sẽ tiếp tục nảy sinh ra những vấn đề mới, đó cũng là một điều bình thường khi ban hành một chính sách. Nhưng, không thể cầu toàn, cũng không vội vã, thì việc nghiên cứu, điều tra đánh giá cũng như tổng kết chính sách hiện hành để có những kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách miễn giảm thuỷ lợi phí cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, các bộ ngành liên quan và các địa phương.
KẾT LUẬN
Như chúng ta đã biết, chính sách thuỷ lợi phí là một chính sách rất phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt đối với những nước có nền sản xuất nông nghiệp lúa nước như ở Việt Nam. Tính đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định về chính sách thuỷ lợi phí. Việc miễn thuỷ lợi phí đã được đề cập ở hầu hết các chính sách từ khi ban hành, tuy ở từng mức độ khác nhau. Đặc biệt, chính sách miễn thuỷ lợi phí đã được ban hành và thực hiện một cách đồng bộ và toàn diện hơn được thể hiện ở Nghị định số 154 và Nghị định số 115 của Chính phủ.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đạt được những mục tiêu chính theo yêu cầu đặt ra, đó là :
Thứ nhất, đã làm rõ được cơ sở khoa học, sự cần thiết của việc ban hành các
chính sách thuỷ lợi phí và chính sách miễn thuỷ lợi phí của Việt Nam, nguyên tắc các phương pháp xác định thuỷ lợi phí. Trong đó, đã nêu được một số kinh nghiệm về chính sách thuỷ lợi phí ở một số nước trên thế giới.
Thứ hai, đã phân tích đánh giá được những nội dung của các chính sách thuỷ
lợi phí đã được Chính phủ ban hành, đặc biệt là các chính sách miễn giảm thủy lợi phí trong giai đoạn gần đây và đang thực hiện hiện nay. Trong đó, đã phân tích, chỉ rõ những mặt được, những mặt còn tồn tại trong các chính sách miễn thuỷ lợi phí đang được thực hiện và nêu ra những vấn đề tiếp tục cần được nghiên cứu để chính sách hoàn thiện hơn.
Thứ ba,trên cơ sở đánh giá những ưu điểm, nhận ra những tồn tại, luận văn đã
nêu được mục tiêu, đề xuất định hướng nội dung một số vấn đề cần được xem xét sửa đổi trong chính sách sắp được ban hành.
Bản thân chính sách thuỷ lợi phí, khi còn đang thu, cũng thể hiện sự bất công bằng, bình đẳng giữa những người được hưởng lợi về nước, do vậy, việc thực hiện chính sách miễn thu thuỷ lợi phí sẽ rất khó khăn trong việc đảm bảo công bằng, bình đẳng cho mọi người dùng nước. Tuy nhiên, việc ban hành một chính sách hiệu quả không nhất thiết phải đảm bảo sự công bằng, bình đẳng cho mọi đối tượng, mà chính sách đó chỉ có tác động và ảnh hưởng tới một bộ phận nhóm lợi ích nào đó, miễn là đạt được một trong các hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội hoặc chính trị.
Việc nghiên cứu thực thi chính sách miễn cần tiếp tục được nghiên cứu sâu thêm hơn nữa trong việc đánh giá chi tiết sự ảnh hưởng đến quá trình hình thành, hoạt động và hiệu quả của các tổ chức hợp tác dùng nước, tổ chức là cầu nối giữa các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi và người dân, quyết định hiệu quả cuối cùng của một hệ thống công trình thuỷ lợi; tác động của chính sách miễn, giảm thuỷ lợi phí tới thu nhập, mức sống của người dân cũng như ảnh hưởng của vấn đề này tới hiệu quả quản lý, khai thác vận hành công trình thuỷ lợi. Kết quả thu thập từ thu nhập và chi phí của người nông dân cho thấy, khi thực hiện chính sách miễn
thuỷ lợi phí, đã có mức độ giảm nhất định trong chi phí của người nông dân đối với
sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, mức độ giảm thay đổi tuỳ theo từng vùng tuỳ thuộc vào mức độ đóng góp trước đây, cũng như mô hình tổ chức quản lý khai thác và đặc thù trong tập quán canh tác của nông dân từng địa phương. Bên cạnh đó, thì cơ chế
tài chính, vấn đề có liên quan chặt chẽ tới chính sách thuỷ lợi phí cũng cần được
nghiên cứu, đề xuất để ban hành chính sách minh bạch, cụ thể và phù hợp hơn. Tuy nhiên, những vấn đề này cần có những đánh giá nghiên cứu sâu sắc, chi tiết và cụ thể hơn và có thể được đặt ra trong những nghiên cứu chuyên sâu và cao hơn luận văn này.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng, trong công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, nếu chỉ tập trung vào sửa đổi, bổ sung riêng một chính sách thuỷ lợi phí, cho dù có thu từ nông dân hay Chính phủ trả thay nông dân thì vẫn chưa đủ để có thể nâng cao hiệu quả các hệ thống công trình thuỷ lợi và vấn đề chống xuống cấp, đảm bảo an toàn công trình. Vì vậy, để đồng bộ trong hệ thống chính sách và góp phần thực hiện hiệu quả chính sách miễn thuỷ lợi phí, Chính phủ, các bộ ngành liên quan và các địa phương cần ban hành một hệ thống chính sách đồng bộ hơn nữa trong công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, đặc biệt những chính sách quy định về phương thức hoạt động cũng như cơ chế tài chính trong quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.