Bất cập trong hoạt động thực tế của người đại diện

Một phần của tài liệu Pháp luật về kiểm soát vốn nhà nước tại các công ty mẹ - công ty con (Trang 63)

2. Thực trạng và bất cập trong kiểm soát vốn nhà nƣớc tại công ty mẹ công ty con.

2.1.2 Bất cập trong hoạt động thực tế của người đại diện

Thứ nhất, đó là khó khăn về nhân sự để cử hoặc ủy quyền làm người đại diện. Có rất nhiều công ty mẹ khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự phù hợp vào vị trí người đại diện tại các công ty con hoặc các công ty có vốn góp khác của công ty mẹ.

Một đại diện của tập đoàn Dệt may Việt Nam đã chia sẻ rằng họ đang rất lúng túng về người đại diện phần vốn nhà nước trong các công ty sau cổ phần hóa, đặc biệt tại những công ty mà công ty mẹ của tập đoàn không sở hữu phần vốn góp chi phối. Người đại diện phần vốn góp tại các công ty này phải có năng lực, trình độ đủ để quản lý, giám sát vốn của công ty mẹ đồng thời phải có uy tín, tiếng nói đối với các cổ đông khác để đảm bảo việc sử dụng vốn góp của công ty mẹ tại các công này vẫn phù hợp với chủ trương phát triển chung của cả tập đoàn.

Theo ý kiến của tập đoàn Dệt may Việt Nam, hiện nay, tập đoàn cần khoảng 100 người đại diện phần vốn góp nhà nước tại các doanh nghiệp khác nhưng thực tế không thể tìm đủ số lượng nhân sự như vậy. Vì thế, có nhiều người phải kiêm nhiệm làm đại diện vốn góp của công ty mẹ tại 3 - 4 công ty khác nhau. Điều này dễ dàng dẫn đến hệ quả là người đại diện không có đủ thời gian và khả năng để làm tốt công việc đại diện của mình tại tất cả các công ty này.

Thứ hai, lãnh đạo công ty mẹ có các quyết định rất khác nhau về số lượng người đại diện mà công ty mẹ cử tại các công ty con.

Trong hội nghị chuyên đề về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước mà Bộ Xây dựng tổ chức năm 2007, vấn đề được đưa ra bàn thảo nhiều nhất là việc cử người đại diện phần vốn của công ty mẹ tại các doanh nghiệp khác. Đối với các doanh nghiệp mà công ty mẹ có cổ phần chi phối, số lượng người được cử thường có 2 - 4 người, thậm chí chỉ 1 người hoặc nhiều hoặc thậm chí 8 người. Cá biệt có

trường hợp để quản lý vốn nhà nước 1,1 tỉ đồng, công ty mẹ cử tới 5 người, quản lý 5,1 tỉ đồng cử tới 9 người [40].

Số lượng người được cử là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người đại diện. Nếu công ty mẹ chỉ cử 1-2 người và những người này đều trúng cử vào HĐQT công ty cổ phần thì cũng rất khó thực hiện được quyền chi phối khi biểu quyết tại HĐQT vì mỗi thành viên HĐQT chỉ có một phiếu biểu quyết. Ngược lại, nếu công ty mẹ cử tới 6- 8 người đại diện thì việc phối hợp giữa các người đại diện với nhau có thể không thông suốt. Hơn nữa, việc cử nhiều người còn có thể dẫn tới việc không đủ cán bộ hoặc một người phải kiêm nhiệm việc đại diện ở nhiều doanh nghiệp khác nhau.

Thứ ba, đối với một tổ chức kinh tế đặc biệt để kiểm soát và quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp như SCIC thì bất cập nổi lên là mối quan hệ, phối hợp chưa hiệu quả giữa bản thân SCIC và những người đại diện.

Mặc dù, nhiều người đại diện đã phối hợp với SCIC thực hiện các giải pháp cơ cấu thành công tại nhiều doanh nghiệp và SCIC cũng có vai trò quan trọng trong việc đề xuất với các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người đại diện nhưng bên cạnh đó, vẫn có những tồn tại trong công tác phối hợp giữa người đại diện và SCIC.

Một số người đại diện chưa tuân thủ đầy đủ, không báo cáo, lấy ý kiến của SCIC trước khi biểu quyết tại HĐQT hoặc ĐHĐCĐ. Cá biệt, một số người đại diện nhận thức không đúng là đã được Bộ, được UBND tỉnh, thành phố cử làm đại diện thì có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến quyền cổ đông nhà nước, không cần xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn là SCIC.

Một số trường hợp người đại diện biểu quyết mà không xin ý kiến của SCIC hoặc biểu quyết khác ý kiến của SCIC, không đảm bảo quyền lợi của SCIC như: phát hành cho cổ đông hiện hữu nhưng không phát hành cho SCIC (thực chất là pha loãng cổ phần nhà nước), phát hành cổ phần cho đối tượng khác theo giá thấp, pha loãng cổ phần nhà nước, sử dụng phần lớn lợi nhuận sau thuế trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi, quyết định đầu tư lớn không đúng thủ tục,...

Một số người đại diện kiêm nhiệm là cán bộ của các Bộ, ngành, địa phương do không trực tiếp quản lý doanh nghiệp nên chưa thực sự là người bảo vệ quyền lợi trực tiếp của SCIC tại doanh nghiệp và chưa có nhiều hỗ trợ thiết thực đối với doanh nghiệp.

Có những người đại diện tại các doanh nghiệp còn chậm trễ trong việc đôn đốc, thu hồi công nợ về SCIC hoặc vẫn coi SCIC là một cơ quan chủ quản hơn là một cổ đông thực sự, cho rằng SCIC chịu trách nhiệm xử lý cả các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách.

Thực tế còn có trường hợp tại cuộc họp ĐHĐCĐ hoặc HĐQT, phát sinh đột xuất những vấn đề cần thiết, quan trọng mà người đại diện phải xin ý kiến của SCIC nhưng trước đó, người đại diện chưa lường trước được để báo cáo SCIC. Vì thế, người đại diện gặp lúng túng trong việc biểu quyết chấp thuận hay không chấp thuận dù đó là trường hợp cần thiết. Nếu chờ ý kiến của SCIC thì cuộc họp đã kết thúc.

Việc phối hợp tốt với người đại diện trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ cổ đông nhà nước là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của SCIC. Tuy nhiên, với số lượng doanh nghiệp nhiều, lực lượng cán bộ còn mỏng nên ở một số trường hợp, cán bộ SCIC chưa thể trợ giúp và tư vấncho người đại diện một cách kịp thời.

Một phần của tài liệu Pháp luật về kiểm soát vốn nhà nước tại các công ty mẹ - công ty con (Trang 63)