Kiểm soát thông qua hoạt động kiểm toán công ty mẹ-công ty con

Một phần của tài liệu Pháp luật về kiểm soát vốn nhà nước tại các công ty mẹ - công ty con (Trang 41)

1. Pháp luật về kiểm soát vốn nhà nƣớc tại công ty mẹ-công ty con

1.3. Kiểm soát thông qua hoạt động kiểm toán công ty mẹ-công ty con

Một trong những phương thức giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn, tài sản của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là thông qua hoạt động kiểm toán của kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập.

Hoạt động kiểm toán của kiểm toán nhà nước là việc kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; việc tuân thủ pháp luật; tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước [2, K1Đ4].

Đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các kết luận, kiến nghị của kiểm toán nhà nước đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; thực hiện các biện pháp khắc phục yếu kém

trong hoạt động của đơn vị do kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị [2, K2Đ9].

Hoạt động kiểm toán bao gồm [2, Đ4]:

- Kiểm toán báo cáo tài chính là loại hình kiểm toán để kiểm tra, đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính.

- Kiểm toán tuân thủ là loại hình kiểm toán để kiểm tra, đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện.

- Kiểm toán hoạt động là loại hình kiểm toán để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, nội dung kiểm toán báo cáo tài chính nước bao gồm: tài sản cố định và đầu tư dài hạn; tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn; nợ phải trả; vốn chủ sở hữu; các khoản doanh thu, chi phí kinh doanh, thu nhập khác và chi phí khác; thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước; kết quả và phân chia kết quả hoạt động kinh doanh; các tài sản khác là đối tượng kế toán của đơn vị được kiểm toán [2, K3Đ37]:

Kết quả kiểm toán cũng được công khai nhằm phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân đối với hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng tiền và tài sản nhà nước.

Các báo cáo kiểm toán năm, báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán; biên bản kiểm toán; kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán nhà nước; kiến nghị của

kiểm toán nhà nước với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là những tài liệu được công khai [13, Đ4,Đ9].

Việc công khai kết quả kiểm toán được thực hiện bằng các hình thức họp báo, công bố trên Công báo và các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải trên trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của kiểm toán nhà nước, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền [13, Đ6].

Ngoài hoạt động của kiểm toán nhà nước, việc kiểm soát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp nhà nước còn thông qua hoạt động kiểm toán độc lập.

Hoạt động kiểm toán độc lập là việc kiểm tra và xác nhận của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán về tính trung thực và hợp lý của các tài liệu, số liệu kế toán và báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức khi có yêu cầu của các đơn vị này.

Báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp nhà nước phải được doanh nghiệp kiểm toán kiểm toán theo quy định trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước đã có trong thông báo kế hoạch kiểm toán năm của cơ quan kiểm toán nhà nước [6, K2Đ10].

Các tài liệu, số liệu kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán sau khi được kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán kiểm tra, xác nhận là căn cứ tin cậy để cơ quan nhà nước và đơn vị cấp trên sử dụng cho quản lý, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao; các cổ đông, nhà đầu tư, các bên liên doanh, liên kết, khách hàng và tổ chức, cá nhân khác xử lý các mối quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, kết quả kiểm toán cũng giúp chính doanh nghiệp được kiểm toán phát hiện, xử lý và ngăn ngừa kịp

thời các sai sót có thể xảy ra trong hoạt động của mình, phục vụ công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Pháp luật về kiểm soát vốn nhà nước tại các công ty mẹ - công ty con (Trang 41)