4. Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát vốn nhà nƣớc tại công ty mẹ công ty con
4.2 Hoàn thiện pháp luật về mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con
Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 111/2007/NĐ-CP, Nghị định số 101/2009/NĐ-CP đều có quy định về mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con nhưng đều là những quy định khác chung chung, không bao quát và xử lý hết những vấn đề phát sinh trong mối quan hệ này.
Pháp luật cần có các quy định chi tiết điều chỉnh mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con trong các lĩnh vực cụ thể, ví dụ như vấn đề công ty con sử dụng thương hiệu của công ty mẹ, định giá thương hiệu công ty mẹ để làm tài sản góp vốn vào công ty con; việc đầu tư, mua bán sản phẩm, dịch vụ giữa công ty mẹ với các công ty con và giữa công ty con với nhau thông qua hình thức hợp đồng; các phương thức phân phối nguồn lực, điều chuyển tài sản giữa các công ty con theo phương thức thanh toán; việc góp vốn trong nội bộ giữa các công ty con với nhau và giữa công ty con với công ty mẹ; việc kiểm soát tài chính của công ty mẹ đối với công ty con; việc xử lý tranh chấp giữa công ty mẹ và công ty con..v.v..
Pháp luật về tổ chức, hoạt động và mối quan hệ giữa công ty mẹ với công ty con phải đáp ứng được yêu cầu giám sát nguồn vốn, tài sản của công
ty mẹ vào công ty con, đồng thời cũng phải đảm bảo quyền chủ động, sự linh hoạt của công ty con, đảm bảo công ty con hoạt động có lãi, đóng góp vào sự phát triển thương hiệu của công ty mẹ. Do vậy, pháp luật cần xác định rõ mức độ can thiệp của công ty mẹ vào công ty con, cách thức quản lý của công ty mẹ đối với công ty con để mục tiêu giám sát của công ty mẹ không chỉ dừng ở việc bảo toàn vốn tại công ty con mà còn phát triền nguồn vốn ấy có hiệu quả nhất.
Đối với các công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau thì công ty mẹ cũng phải sử dụng các công cụ quản lý, giám sát vốn khác nhau để phát huy được hiệu quả của các công cụ này. Việc quản lý, giám sát một công ty con hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khác với một công ty con hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính hay kinh doanh bất động sản. Do vậy, công ty mẹ nên và cần thành lập một bộ phận chuyên trách trực thuộc công ty mẹ để quản lý, giám sát, xây dựng chính sách áp dụng đối với các công ty con.
Công ty mẹ cũng cần lưu ý đặc biệt tới vấn đề kiểm soát tài chính các công ty con của mình. Kiểm soát tài chính giúp công ty mẹ kiểm soát được tình hình tài chính để điều hành và giám sát các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty con, đảm bảo hoạt động của các công ty con đúng theo định hướng, chiến lược phát triển chung và thực hiện được các mục tiêu công ty mẹ đặt ra.
Vì vậy, công ty mẹ cần xây dựng được một quy trình kiểm soát tài chính đối với công ty con trong đó xây dựng các mục tiêu kiểm soát là những mốc mà các hoạt động tài chính của công ty mẹ - công ty con cần đạt được. Các mục tiêu này nên được định lượng hóa bằng các số liệu cụ thể như tổng doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư,...
Đồng thời, công ty mẹ cần lập được các hệ thống giám sát, đánh giá hoạt động tài chính cũng như dự báo và kiểm soát được rủi ro các hoạt động tài chính để có các biện pháp ứng phó linh hoạt. Đây hoàn toàn là hoạt động chuyên môn về tài chính, kiểm soát sự luân chuyển và sự sinh sôi đồng vốn, tính hiệu quả của vốn đầu tư vào công ty con chứ không phải kiểm soát công việc của công ty con. Để công ty mẹ xây dựng được quy trình kiểm soát tài chính này, cần có văn bản pháp luật về tài chính hướng dẫn cụ thể và thống nhất áp dụng.
Có thể thấy mô hình công ty mẹ - công ty con chỉ phát huy tốt ưu thế tự thân của nó trên thực tế khi mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con được xử lý một cách thỏa đáng. Và điều này, trước tiên đặt ra yêu cầu đối với cơ quan nhà nước trong việc dự trù, soạn thảo và ban hành hệ thống các quy định pháp luật để điều chỉnh và giải quyết được các vướng mắc, bất cập trong mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con hay giữa các công ty con với nhau.
KẾT LUẬN
Vấn đề kiểm soát vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhìn nhận ở nghĩa rộng là vấn đề xử lý quyền sở hữu của nhà nước như thế nào cho tối ưu, bảo vệ, quản lý và sử dụng vốn, tài sản của nhà nước như thế nào cho hiệu quả, tiết kiệm. Sự phát triển của mô hình công ty mẹ công ty con, đi liền với những đóng góp tích cực của nó là nguy cơ của sự mất kiểm soát, là những yếu kém trong quản lý và bất cập trong hệ thống pháp lý điều chỉnh nó.
Xử lý những bất cập của hệ thống pháp luật là một loạt thách thức: thách thức trong tổng kết được thực tiễn một cách chính xác, nhìn nhận được nguyên nhân thực chất các yếu kém trong việc kiểm soát vốn nhà nước tại công ty mẹ - công ty con; thách thức trong rà soát để loại bỏ những điểm
chồng chéo, bất hợp lý; thách thức trong soạn thảo, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý kịp thời, đầy đủ cho việc kiểm soát vốn nhà nước với hàng nghìn doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với công ty mẹ là công ty TNNH hoặc công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc nâng cao thái độ, ý thức áp dụng và tuân thủ pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, của đại diện chủ sở hữu nhà nước, của ban lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp, của người đại diện vốn vóp nhà nước tại doanh nghiệp khác đối với vấn đề bảo toàn, giữ gìn và phát triển vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp mới là điều quan trọng và cũng là thách thức lớn nhất.
Một loạt các quy định về quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đã được ban hành nhưng hiệu quả áp dụng hạn chế, việc thất thoát hoặc đầu tư kém hiệu quả nguồn vốn nhà nước vẫn xảy ra đã chứng tỏ điều này.
Do phạm vi đề tài và thời gian có hạn cùng sự hạn chế về kiến thức và tầm hiểu biết thực tế của tác giả nên tác giả không liệt kê được đầy đủ các bất cập trong những quy định pháp luật về kiểm soát vốn nhà nước cũng như chưa thực sự phân tích sâu sắc và toàn diện hơn về thực trạng các bất cập, yếu kém trong quản lý vốn nhà nước tại công ty mẹ - công ty con. Các đề xuất đưa ra, vì thế, rất cần các ý kiến phản biện để tác giả học hỏi, rút kinh nghiệm và tiếp tục hoàn thiện đề tài ở một phạm vi lớn hơn.