Bên cạnh các dự án đào tạo, bồi dưỡng trình độ cho sinh viên, giảng viên, Trường Đại học GTVT cũng phối hợp với các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong các dự án nhằm đầu tư trang thiết bị cũng như các giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy.
Đối với ngành kỹ thuật, đặc biệt là một số ngành kỹ thuật chuyên sâu mà Trường đang đào tạo, nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung, đổi mới và hiện đại hóa các máy móc, trang thiết bị là vô cùng cấp thiết, nhất là với các cơ sở vừa thực hiện song song hai nhiệm vụ là đào tạo và nghiên cứu. Một hệ thống cơ sở vật chất nghèo nàn, máy móc cũ kỹ, lạc hậu chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến công tác giảng dạy, thực hành, nghiên cứu. Nó còn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, gây khó khăn cho sinh viên khi các em phải đáp ứng và thích nghi với công việc thực tiễn có khoảng cách quá xa với những gì được học, được tiếp cận trong trường.
Hiểu được điều đó, từ năm 1994 đến nay, Nhà trường đã thực hiện nhiều dự án hợp tác, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế nhằm tăng cường trang cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài liệu giảng dạy. Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật sau:
Dự án nâng cấp trang thiết bị cho Trung tâm Đào tạo thực hành và chuyển giao công nghệ GTVT do chính phủ Nhật Bản tài trợ bằng nguồn vốn ODA trị giá 81 980 USD. Dự án đã trang bị cho Trung tâm 06 máy gia công cơ khí.
Dự án tiểu giáo dục đại học: đây là tiểu dự án nằm trong khuôn khổ nội dung dự án do Bộ Giáo dục Đào tạo chủ trì bằng nguồn kinh phí của Ngân hàng Thế giới tài trợ. Nội dung chính của dự án là mua sắm máy thí nghiệm cho Trung tâm Khoa học công nghệ, xây dựng Trung tâm Thông tin thư viện. Kết thúc dự án, Nhà trường đã trang bịđược 02 phòng thí nghiệm hiện đại cho khoa Cơ khí và khoa Công trình, xây dựng hệ thống mạng máy tính cho toàn trường với trên 300 nút mạng và triển khai hệ thống thư viện điện tử với trang thiết bị và hệ thống tự động điều khiển vào loại hiện đại của Việt Nam. Ngoài ra, một trong những nội dung quan trọng của dự án là nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, giảng viên. Để thực hiện mục tiêu đó, Nhà trường đã tổ chức cho ba đoàn cán bộ tham quan khảo sát tại một số trường đại học của Thái Lan, Malaysia, Australia, Trường đại học Giao thông Tây Nam, Trung Quốc và một đoàn gồm 15 giảng viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn tại trường đại học Monash, Australia.
Nhờ các chương trình này mà các trang thiết bị, cơ sở vật chất của Nhà trường đã được cải tiến, bổ sung và mua mới, phục vụ tích cực cho công tác giảng dạy và nghiên cứu; cán bộ, giảng viên Nhà trường có điều kiện nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn. Đây cũng là yếu tố góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi song song với việc học lý thuyết, sinh viên còn được thao tác, thực hành tại chỗ với những trang thiết bị tương đối hiện đại. Ngoài ra, việc đầu tư hệ thống thư viện điện tử với nhiều tiện ích đã giúp xóa bỏ lối học thụ động, khuyến khích việc tự học, tự nghiên cứu, kích thích sự chủ động và ham muốn tìm tòi của sinh viên.
2.3.2. Trao đổi, chuyển giao các tài liệu học thuật, đồng xuất bản tài liệu, tạp chí khoa học
Ở bất cứ một trường đại học nào, giáo trình, giáo án hay tài liệu giảng dạy cũng đóng vai trò thiết yếu, là phương tiện cơ bản để truyền đạt kiến thức, vạch ra các phương hướng, mục tiêu giúp giảng viên giảng dạy có hiệu quả. Hoạt động giảng dạy, học tập thực chất là một quá trình truyền đạt và tiếp nhận thông tin. Nếu giáo viên nắm bắt, cập nhật được những thông tin mới thường xuyên và vận dụng phù hợp với quá trình giảng dạy thì bài giảng sẽ sinh động, phong phú và đi sát với thực tế hơn. Nếu sinh viên tìm tài liệu, khai thác thông tin - tư liệu hiệu quả thì chất lượng học tập và khả năng nghiên cứu khoa học sẽ được nâng cao rõ rệt. Do vậy, việc cập nhật các tài liệu, giáo trình cho phù hợp với sự phát triển khoa học công nghệ của khu vực và thế giới là yêu cầu bức thiết. Ý thức được tầm quan trọng của việc đổi mới các tài liệu, giáo trình, bài giảng, Nhà trường luôn tập trung khai thác các mối quan hệ hợp tác nhằm phục vụ nhu cầu này.
Thông qua việc thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều đối tác quốc tế, nhất là các đối tác truyền thống thân thiết, Trường Đại học GTVT đã nhận được nhiều sự giúp đỡ về tài liệu, giáo trình, bài giảng. Nhà trường đã tiếp nhận hàng trăm cuốn giáo trình chuyên môn và tạp chí khoa học do các trường đại học MIIT, MADI (LB Nga), ĐH Nanyang (Singapore)… tặng và chuyển giao với chi phí ưu đãi. Đồng thời, việc thực hiện một số dự án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là quá trình các giảng viên của Nhà trường được phía bạn hỗ trợ biên soạn, hoàn chỉnh các giáo trình, bài giảng phục vụ giảng dạy. Điển hình là dự án “Phương pháp luận và các ứng dụng sư phạm trong đánh giá ảnh hưởng môi trường của các dự án xây dựng cầu và đường bộ” do Tổ chức Phát triển Quốc tế Canada tài trợ bằng nguồn vốn ODA và Công ty Experco, Canada phối hợp với trường thực hiện năm 1998-1999. Nhờ kinh phí tài trợ của dự án này, nhiều cuốn giáo trình giảng dạy dùng cho giảng viên và sinh viên đã được soạn thảo và xuất bản với hơn 1000 bản trong lĩnh vực đánh giá tác động của môi trường ở các dự án xây dựng công trình giao thông. Trên cơ sở đó, năm 2001 nhà trường đã thành lập bộ môn Công trình
Giao thông Công chính và Môi trường. Đặc biệt, năm 2007, Nhà trường đã trao đổi và ký kết thỏa thuận hợp tác về việc đồng xuất bản số đặc biệt Tạp chí Khoa học giữa Trường MADI (LB Nga), Trường SWJTU (Trung Quốc) và Trường Đại học GTVT. Đến năm 2009, Tạp chí “Science Journal of Transportation” được phát hành, trong đó Trường Đại học GTVT đóng góp 08 bài, 08 bài của Trường MADI và 02 bài của Trường SWJTU. Đây là hoạt động đầu tiên được phối hợp thực hiện giữa ba trường, cũng là cơ sở thuận lợi cho việc mở rộng quan hệ hợp tác sau này. Bên cạnh đó, Trường Đại học GTVT cũng phối hợp với Trường ĐH MADI biên soạn cuốn từ điển Nga-Việt-Anh trong lĩnh vực đường bộ. Đây là cuốn từđiển hữu ích, phục vụ cho các sinh viên, nghiên cứu sinh, các chuyên gia Việt Nam học tập và làm việc tại Trường ĐH MADI cũng như các giảng viên, kỹ sư của Trường Đại học GTVT trong quá trình nghiên cứu, trao đổi chuyên môn hay tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế.