được tặng giải Nhất Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam.
- Truyện ngắn “Rừng xà nu” được viết năm 1965, khi đế quốc Mĩ ồ ạt đổ quân vào miền Nam nước ta.
Câu 2: Ý nghĩa nhan đề “Rừng xà nu”. Trả lời:
- Truyện ngắn “Rừng xà nu” có thể được đặt những nhan đề khác như: “Những cây xà nu không bao giờ chết”; “Người anh hùng Tnú”; “Mảnh đất anh hùng”; “Đêm tái sinh”, vv… nhưng tất cả những nhan đề trên có lẽ đều không thích hợp bằng nhan đề “Rừng xa nu”. Cụ thể:
+ Nhan đề: “Những cây xà nu không bao giờ chết”: Khắc họa hình ảnh xà nu nhưng không phải “rừng” – một danh từ mang ý nghĩa tập hợp và liên kết, mà chỉ đơn giản là “những cây
xà nu” – cụm danh từ có phần rời rạc và đề cao tính cá thể nhiều hơn sự đồng lòng. Cụm từ “không bao giờ chết” đề cao sự bất khuất kiên cường của cây xà nu, tuy nhiên đấy không phải tính chất duy nhất của nó, nếu đặt nhan đề như vậy sẽ có hàm ý nhấn mạnh tính chất ngoan cường mà thôi.
+ Nhan đề “Người anh hùng Tnú”: Đặt nhan đề theo nhân vật chính hoặc nhân vật trung tâm của tác phẩm không phải một gợi ý tồi, tuy nhiên nếu đặt như vậy sẽ tự thu gọn quy mô của câu chuyện lại xung quanh một đời người, trong khi những gì “Rừng xà nu” ôm ấp nhiều hơn thế rất nhiều. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Tnú, nhưng thực chất là để qua đó khắc họa số phận và vẻ đẹp của cả cộng đồng.
+ Nhan đề “Mảnh đất anh hùng”: Nêu được không gian của câu chuyện và tính chất của cộng đồng mà tác phẩm muốn lột tả, tuy nhiên nhìn chung nhan đề này hơi đơn giản, thiếu sức gợi và nghèo nàn về hình ảnh.
+ Nhan đề “Đêm tái sinh”: Nhan đề này sẽ nhấn mạnh vào một trong những sự kiện quan trọng nhất của câu chuyện, đó là đêm mà cả làng Xô Man đã cầm giáo mác đứng dậy đấu tranh, chống lại ngọn súng của quân thù. Nhan đề quả thực đã thể hiện thế “lội ngược dòng” của người dân làng, đi từ trạng thái mất tất cả cho đến chiếm lĩnh mọi thứ, từ sự hủy diệt cho đến sự tái sinh. Tuy nhiên nếu đặt như vậy, nhan đề sẽ gần như “bỏ quên” hẳn một phần mà tác phẩm muốn đề cập, đó là nỗi đau đớn khôn cùng, sự mất mát không gì có thể bù đắp mà bản thân Tnú nói riêng và những người dân làng Xô Man nói chung đã phải trải qua. Đó là sự hủy diệt, nhưng đồng thời là bước đệm để đi tới sự tái sinh sau chót, vì vậy không thể chỉ nhấn vào “đêm tái sinh” mà quên rằng trước hết đó là “đêm hủy diệt”.
=> Như vậy nhan đề “Rừng xa nu” là một nhan đề phù hợp hơn cả, khi nó vừa thể hiện một hình ảnh gắn bó với dân làng – là đại diện cho số phận và vẻ đẹp của cộng đồng, vừa mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.