II. Một số điểm lư uý trong quá trình tiếp cận tác phẩm:
3. Người vợ nhặt:
Người đàn bà mà số phận đã xô đẩy để đến với Tràng không phải là nàng tiên hạnh phúc. Câu chuyện được kể lại về cuộc gặp gỡ giữa họ quả thật là một chuyện cười ra nước mắt. Hai lần gặp gỡ, duyên phận buộc ràng. Kim Lân đã tạo nên những ấn tượng thật khó quên về thị - một kẻ không tên, không tuổi, không nhà, không lai lịch – như một nạn nhân cùng cực đáng thương của cái đói và miếng ăn.
Không ít nhà văn đã từng viết về cái đói và miếng ăn trong cuộc sống người dân cùng trước cách mạng tháng Tám. Ngô Tất Tố đã để nước mắt chị Dậu rơi lã chã khi chứng kiến con mình phải ăn cơm chó (Tắt đèn). Nam Cao khiến ta phải rùng mình kinh sợ sức hủy diệt của cái đói - miếng ăn với nhân tính trong bao truyện ngắn đầy nước mắt xót thương của ông (Lão Hạc, Một bữa no). Kim Lân trở về với đề tài hiện thực cũ, đã dựng nên một tình huống bi hài có một không hai: bốn bát bánh đúc nên duyên vợ chồng.
Để kiếm miếng ăn, thị dường như đã đánh mất tất cả sự dịu dàng kín đáo thùy mị của người phụ nữ. Ngay từ lúc xuất hiện đầu tiên, thị đã nhảy xổ vào Tràng với tất cả vẻ “cong cớn”, “ton ton” và ỡm ờ “liếc mắt, cười tít” với gã trai xa lạ. Kim Lân
khiến ta hình dung cụ thể hoá cảnh “trai tứ chiếng, gái giang hồ gặp nhau”. Lần thứ hai, thị xuất hiện với bộ dạng thật thê thảm và cung cách thật khó ưa. Cái đói ghi dấu ấn trên “áo quần rách tả tơi như tổ đỉa”, dáng vóc “gày sọp đi” và “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Đáng sợ hơn, nó không chỉ biến đổi nhân dạng mà còn lấy mất của thị lòng tự trọng, tính sĩ diện cần thiết ở một con người. Nó làm cho thị trong lời nói “sưng sỉa, cong cớn” qua lời nói “đon đả” chẳng còn một tư cách người nào. Tràng thành chiếc phao cứu sinh để thị được ăn. Bởi ăn là sống, không ăn là chết. Ranh giới sự sống – cái chết đã không cho thị quyền chọn lựa. Thị trở thành hiện thân của con người bản năng.
Còn gì chua chát hơn sau lúc “cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”, lại sẵn sàng theo không kẻ cho ăn về làm vợ, chi tiết ấy khiến người đọc thương hại thay cho chị. Nhân phẩm đã mất, dường như thị đã biến thành nô lệ của miếng ăn, bởi sau bữa ăn vội vàng thô tục ấy thị còn tiếp tục cùng Tràng “Ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê:. Ấy vậy mà tuyệt nhiên nhà văn không để bộc lộ một mảy may thái độ phản ứng nào của Tràng trước những việc làm đáng khinh của thị, nên đọng lại trong ta một cái nhìn đầy thương hại cho thị mà thôi. Phải đến khi xuất hiện trong xóm ngụ cư, thị mới hiện lên với đầy đủ tâm trạng, mặc cảm về thân phận vợ nhặt. Số phận của thị đã ngoặt sang ngõ rẽ mới sau tiếng tặc lưỡi: “Chặc, kệ” của Tràng. Nhưng cuộc sống tương lai quá mơ hồ với thị. Trái ngược với Tràng, thị bước đi trong dáng “Đầu hơi cúi xuống”, “rón rén, e thẹn”, “chân nọ bước díu cả vào chân kia”. Bởi thị sợ những ánh mắt tò mò sẽ phơi ra sự thật phũ phàng về thân phận vợ nhặt. Đến lúc chỉ còn hai người với nhau, thị cũng không giấu nổi ánh nhìn “tư lự”. Ám ảnh thân phận thực sự rõ nét khi thị đã ở trong nhà Tràng, khi đứng trước một hiện thực đáng thất vọng. Kim Lân đã đặc tả vào thái độ của thị như gợi tả bao suy tư sâu sắc về kiếp người trong nhữg ngày đói quay quắt. Cái nghèo gặp cái eo, báo cho họ biết những ngày túng đói đe doạ. Nếu vấn đề của Tràng quẩn quanh trong mong ước tạo nên hạnh phúc bền lâu thì vấn đề của thị lúc này là vượt lên nạn đói. Không có bất cứ một tín hiệu nào bảo đảm cả hai người sẽ vượt qua thử thách của chính mình. Sự chờ đợi thật nặng nề, căng thẳng. Thị đã dễ dàng đến với Tràng thì thị cũng dễ dàng bỏ đi. Nhà văn đã kéo dài khoảnh khắc ấy để giúp người đọc hình dung, giả định những khả năng sẽ xảy đến cho nhân vật, để có những suy ngẫm cảm thông, ngậm ngùi cho thân phận con người trong hoàn cảnh trớ trêu.