II. Phân tích khổ thơ
B. PHÂN TÍCH NHÂN VẬT NGƯỜI LÁI ĐÒ
(1) Tuỳ bút "Người lái đò sông Đà" là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của Nguyễn Tuân viết sau Cách mạng, được in trong tập "Sông Đà" (1960). Ở tuỳ bút này, người lái đò sông Đà là một hình tượng độc đáo, hấp dẫn mang rõ dấu ấn phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân
(2) Trước hết ông lái đò là người rất mực tài trí, dũng cảm trong những chuyến vượt thác đầy hiểm nguy
Để làm nổi bật phẩm chất này, Nguyễn Tuân đã có dụng ý nghệ thuật sâu xa là để cho người lái đò xuất hiện trên một hoàn cảnh đầy thử thách khốc liệt. Nguyễn Tuân khẳng định "Ông muốn ghi cái đoạn này cái hình ảnh chiến đấu gian lao của người lái đò trên chiến trường sông Đà, trên một quãng thuỷ chiến ở mặt trận sông Đà". Nguyễn Tuân đã mô tả một cách chân thật vừa trân trọng, vừa yêu thương, vừa cảm phục nhân vật ông lái đò vô cùng hiên ngang, trí dũng trong cuộc chiến đấu với những con sóng, con thác đầy hung dữ, nguy hiểm. Cuộc vượt thác, dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân diễn ra như một trận đánh dữ dội có nhiều hồi, nhiều đợt, mỗi đợt lại có những thử thách ác liệt khác nhau, dòng sông bày ra những thạch trận hiểm hóc khác nhau: "Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục trong lòng sông...để vồ lấy con thuyền. Đá bày ra thạch trận trên sông với những boongke chìm và pháo đài nổi, phối hợp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng thủy thủ ngay ở chân thác". Kho từ vựng giàu có và vốn kiến thức văn hoá khoa học phong phú, uyên bác như quân sự, võ thuật, thể dục thể thao, điện ảnh...của Nguyễn Tuân được dịp huy động để miêu tả cuộc thuỷ chiến ác liệt giữa người lái đò và sóng thác sông Đà "Sóng nước thúc gối vào bụng và hông thuyền...có lúc chúng đội cả thuyền lên...sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất". Có lúc tưởng như ông lái đò sẽ bị con thuỷ quái sông Đà vô cùng hung bạo ấy nuốt chửng. Nhưng ông lái đò vẫn không hề nao núng, trái lại vẫn bình tĩnh chủ động chiến đấu một cách dũng cảm đầy mưu trí như một vị chỉ huy tài trí tuyệt vời, điều khiển con thuyền lần lượt vượt qua các thác ghềnh như "Phá cái trận đồ bát quái của dòng sông hung bạo"..."Dòng nước hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông Đà". Nhưng người lái đò vẫn "Cưỡi lên thác sông Đà...đến cùng như là cưỡi hổ".
(3) Người lái đò tài hoa tuyệt vời
Ông lái đò còn là người rất mực tài hoa, có phong thái ung dung, pha chút nghệ sĩ. Sóng, thác sông Đà rất khắc nghiệt, chỉ cần người lái đò một phút thiếu chính xác, một tích tắc thiếu bình tĩnh, nhỡ tay, hoa mắt là có thể phải trả giá bằng cả chính sinh mệnh của mình. Nhưng sóng, thác sông Đà dù có hung dữ đến đâu, cũng bị khuất phục trước người lái đò thời nay. Bởi người lái đò là một nghệ sĩ có nghệ thuật chở đò kỳ diệu. Nghệ thuật ấy được biểu hiện rõ nhất ở khả năng nắm chắc
quy luật tất yếu của sông Đà, nhờ thế mà người lái đò trở thành người tự do, người chiến thắng. Ông lái đò đã nắm chắc được binh pháp của thần sông, thần đá, thuộc lòng các luồng sinh, luồng tử mà chủ động trong mọi tình huống. Lúc thì "Ông cưỡi thác nắm lấy bờm sóng mà phóng nhanh qua cửa tử" lúc lại "Ghì cương đè sấn lên mà chặt đôi con thác để mở đường tiến". Thế là, bằng những động tác nhuần nhuyễn hoàn hảo rất tinh thông trong nghề nghiệp của mình, ông lái đò đã lái con thuyền "như một mũi tên tre xuyên qua hơi nước", xuyên qua biết bao ghềnh thác hiểm nghèo của dòng sông hung bạo này. Nguyễn Tuân gọi người lái đò của mình có "tay lái ra hoa" là như vậy. Người lái đò trở thành một người nghệ sĩ, một người anh hùng chiến thắng thiên nhiên.
(4) Ngày xưa Nguyễn tuân bị xem là nhà văn có quan điểm duy mỹ. Ngày nay ông hướng ngòi bút của mình đến những con người lao động bình thường đang âm thầm cống hiến cho đất nước. Ông phát hiện ra nét tài hoa nghệ sĩ của họ được thể hiện ngay trong công việc lao động vô cùng nguy hiểm nhưng cũng vô cùng cao cả của mình. Nguyễn Tuân gọi đó là "Cái thứ vàng mười mang sẵn trong tâm trí con người Tây Bắc". Qua đây, Nguyễn Tuân muốn phát biểu một quan niệm: người anh hùng không chỉ xuất hiện trong chiến đấu, mà còn xuất hiện trong cuộc sống lao động bình thường.
Kết luận:
Tóm lại Huấn Cao là kiểu nhân vật tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn của Nguyễn Tuân trước CM tháng tám; Còn người lái đò là kiểu nhân vật tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Tuân sau cách mạng. Qua đây, ta thấy Nguyễn Tuân xứng đáng là một nhà văn suốt đời mải mê đi tìm cái đẹp, ca ngợi cái đẹp và không ngừng sáng tạo, bao giờ ông cũng tạo được cho mình một nét phong cách độc đáo hấp dẫn./.
Đề bài: Nêu những nét chính về thân thế, tiểu sử của nhà thơ Tố Hữu Đáp án – Hướng dẫn làm bài
Tố Hữu sinh năm 1920, mất năm 2002. Ông có tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê ở làng Phù Lai, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông thân sinh của Tố Hữu là một nhà nho nghèo nhưng rất yêu thơ, ham sưu tầm ca dao, tục ngữ. Từ nhỏ, Tố Hữu đã được cha dạy cho làm thơ theo lỗi cổ. Bà mẹ thân sinh ra Tố Hữu là con một nhà nho cũng rất yêu ca dao, dân ca xứ Huế và giàu lòng thương con. Tố Hữu mồ côi mẹ từ năm 12 tuổi, một năm sau lại phải xa gia đình vào trường Quốc học Huế. Quê hương, gia đình cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến hồn thơ của Tố Hữu.
Lớn lên trong cảnh “Phận nghèo, nước mất, dân nô lệ”, nhưng rất may, Tố Hữu đã được Đảng giác ngộ và dìu dắt. Năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng. Ông bị thực dân cầm tù qua các nhà lao Thừa Thiên, Tây Nguyên… Năm 1945, ông là Chủ tịch ủy ban khởi nghĩa ở Huế. Trong hai cuộc kháng chiến chống pháp, chống Mĩ cho đến năm 1986, Tố Hữu liên tục giữ những cương vị trọng yếu trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, từng là ủy viên của Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Ở Tố Hữu, con người chính trị và con người nhà thơ thống nhất chặt chẽ, sự nghiệp thơ gắn liền với sự nghiệp cách mạng “là hình thức tươi đẹp của hoạt động cách mạng”. Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I – 1996.
Nguồn: Giáo viên Nguyễn Quang Ninh
Đề bài: Tóm tắt sự nghiệp sáng tác văn học của Vũ Trọng Phụng.
Đáp án – Hướng dẫn làm bài
Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939) có bút danh Thiên Hư, quê ở làng Hảo, huyện Mĩ Hào, tỉnh Hưng Yên, nhưng sinh ra và sống suốt đời tại Hà Nội, lâu nhất là ở phố Hàng Bạc. Ông mồ côi cha từ rất sớm, được người mẹ góa hiền hậu tần tảo nuôi ăn học. Vũ Trọng Phụng chỉ học hết tiểu học rồi phải đi làm kiếm sống. Ông làm thư kí bán hàng, rồi đánh máy chữ cho nhà in, nhưng cả hai lần đều bị sa thải. Sau đó, Vũ Trọng Phụng chuyên viết báo, viết văn và sống chật vật với nghề bạc bẽo đó. Do làm việc quá sức, ông mắc bệnh lao phổi và mất khi mới được 27 tuổi đời, để lại người vợ góa và đứa con gái chưa đầy năm.
Vũ Trọng Phụng suốt đời nghèo – “nghèo gia truyền”, nhưng về văn học, ông được xem là một kiệt tướng xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán. Ông viết văn rất sớm, viết nhiều và nhanh chóng nổi tiếng, Vũ Trọng Phụng là một tài năng đa dạng. Ông viết truyện ngắn, phóng sự, tiểu thuyết, kịch nói, phê bình văn học, bình luận thời sự, chính trị, dịch thuật… Nhưng Vũ Trọng Phụng đặc biệt thành công ở hai thể loại: phóng sự và tiểu thuyết.
- Về thể loại phóng sự: Ông được báo chí đương thời suy tôn là: “Ông vua phóng sự đất Bắc”. Đáng chú ý là các tác phẩm: “Kỹ nghệ lấy Tây” (1934) viết về cái “nghề” lấy Tây để nuôi thân; “Cơm thầy cơm cô” (1936) viết về cảnh đời những người đi ở.
- Về thể loại tiểu thuyết có “Trúng số độc đắc”; Năm 1936, Vũ Trọng Phụng cho ra đời cùng một lúc ba cuốn tiểu thuyết “Vỡ đê”, “Giông tố”, “Số đỏ”. Trong đó tiểu thuyết trào phúng “Số đỏ” là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo vả đặc sắc hơn cả, xứng đáng là một kiệt tác bất hủ của nền văn học nước nhà.
Tuy có nhiều mâu thuẫn trong tư tưởng và sáng tác song có thể nói, toàn bộ sáng tác của Vũ Trọng Phụng là tiếng nói căm hờn, mãnh liệt, ném thẳng vào cái xã hội thực dân, phong kiến tư sản hết sức bất công, tàn bạo, thối nát, cái xã hội mà ông gọi là “Chó đểu” và “Khốn nạn” thời bấy giờ.
- Hạn chế đáng tiếc của cây bút đầy tài năng này là tình cảm yêu thương gắn bó của ông với quần chúng lao động chưa có chiều sâu cần thiết để có cái gốc nhân đạo vững chắc. Vì vậy, ông thường hoài nghi, bi quan về con người và có một số chỗ trong tác phẩm sa vào chủ nghĩa tự nhiên.
Ngoài hai thể loại chủa yếu nói trên, Vũ Trọng Phụng còn để lại nhiều chuyện ngắn tập hợp trong “Cái ghen đàn ông” - xuất bản năm 1938 và vở kịch “Không một tiếng vang” (1931).
Kết luận
Vũ Trọng Phụng sống cuộc đời ngắn ngủi nhưng đã để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ. Qua sự sàng lọc của thời gian, ông đã được độc giả khẳng định là một tài năng văn học lớn, có một vị trí rất quan trọng trong lịch sử văn học nước nhà.
Giáo viên: Nguyễn Quang Ninh.