6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
2.2.1. Tình hình chung về phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử ở Việt
Việt Nam
a. Những kết quảđạt được
* Đa dạng hóa các dịch vụ, phương tiện thanh toán (PTTT)
Trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là internet, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam (VN) trong những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ. Theo kết quả điều tra của Bộ Công thương cuối năm 2009 cho thấy, gần như 100% doanh nghiệp được điều tra đã tổ chức triển khai ứng dụng thương mại điện tử ở nhiều quy mô và mức độ khác nhau và phát triển trên hầu khắp các tỉnh thành của cả nước. Cùng với đó, hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ trực tuyến trên internet đã từng bước phát triển và dần trở nên quen thuộc. Nhờ đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã có những bước phát triển đáng kể và đang ngày càng thể hiện vai trò và lợi thế vượt trội so với các PTTT truyền thống trước đây.
Từ năm 2008 đến nay, các dịch vụ, phương tiện TTKDTM đã được phát triển mạnh mẽ và đa dạng dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT như internet banking, mobile banking, ví điện tử,… đang dần đi vào cuộc sống, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.
• Dịch vụ tài khoản cá nhân của hệ thống Ngân hàng thương mại (NHTM) phát triển khá nhanh. Số lượng tài khoản cá nhân tăng trung bình
mỗi năm từ 130%-150% về số tài khoản và 120% về số dư. Có được kết quả như trên là do nhiều yếu tố tác động như: môi trường pháp lý trong lĩnh vực thanh toán ngân hàng có những thay đổi theo hướng phù hợp hơn, mạng lưới điểm giao dịch của các ngân hàng được mở rộng, thanh toán điện tử liên ngân hàng được triển khai có hiệu quả,…
• Thẻ ngân hàng đã và đang trở thành PTTT phổ biến tại VN, được các NHTM chú trọng phát triển, có tốc độ phát triển nhanh chóng. Đến cuối tháng 6/2011, lượng thẻ phát hành đạt khoảng 36 triệu thẻ với khoảng 234 thương hiệu thẻ, trong đó thẻ ghi nợ chiếm tới 95%. Dịch vụ thẻ phát triển đã giúp NHTM có thêm kênh huy động vốn và phát triển thêm các dịch vụ cung cấp cho khách hàng qua tài khoản tại ngân hàng; cung cấp các giá trị gia tăng trên sản phẩm thẻ với nhiều tiện ích khác nhau.
Cùng với việc phát hành thẻ đa tiện ích và đầu tư thêm POS/EDC tại các Đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT), các NHTM cũng bắt đầu quan tâm đến độ an toàn, bảo mật đối với thẻ thanh toán. Một số NHTM đã phát hành các loại thẻ chip có độ bảo mật, an toàn cao và có khả năng tích hợp đa tiện ích, mạng lại nhiều tiện lợi cho khách hàng. Việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip là phù hợp với xu thế chung, có ý nghĩa quan trọng, mở ra cơ hội phát triển mới cho thẻ thanh toán và mở rộng các dịch vụ dùng thẻ.
• Internet banking: năm 2004, mới chỉ có sự tham gia của 3 NHTM thì đến năm 2008, con số này đã lên tới 25 và đến nay thì hầu hết các NHTM đều tham gia cung cấp dịch vụ internet banking cho khách hàng. Ngoài các tiện ích cơ bản như truy vấn thông tin tài khoản, xem tỷ giá, lãi suất, sao kê tài khoản, thông tin giao dịch, dịch vụ internet banking còn cho phép khách hàng thực hiện thanh toán hóa đơn dịch vụ như tiền điện, nước, cước viễn thông, phí bảo hiểm, phí giao dịch chứng khoán, tiết kiệm online…
• Mobile banking: xuất hiện ở VN năm 2003 nhưng cho đến nay các NHTM hầu hết chỉ sử dụng kênh SMS để truy vấn thông tin chung của ngân hàng và thông tin tài khoản. Mặc dù chức năng thanh toán/chuyển khoản trên kênh mobile banking được phát triển từ năm 2006 nhưng đến nay chỉ có một vài ngân hàng cung cấp. Nhìn chung mobile banking chưa là kênh thanh toán phổ biến trong dân cư.
• Kênh thanh toán qua ví điện tử: xuất hiện và sử dụng tại VN từ cuối năm 2008, Ví điện tử cho phép người dùng có thể giao dịch, thanh toán trực tuyến các hàng hóa, dịch vụ tại các wesite thương mại điện tử và thực hiện nhiều dịch vụ tiện ích khác. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã cho phép 1 NHTM và 8 tổ chức không phải ngân hàng được thực hiện thí điểm dịch vụ Ví điện tử. Các tổ chức này đã chủ động, tích cực triển khai hợp tác với các NHTM, đơn vị kinh doanh thương mại điện tử để cung cấp các sản phẩm với nhiều tiện tích như: thanh toán cho các giao dịch mua bán trên các website thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến bằng điện thoại di động, thanh toán hóa đơn, tiền mua hàng…
• Kênh thanh toán qua www.paypal.com: hiện đã có một số ngân hàng liên kết với Paypal để cung cấp dịch vụ xác nhận, rút tiền. Hiện tại, số lượng và giá trị giao dịch qua kênh này chưa lớn.
* Cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ TTKDTM đã được thiết lập
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng giai đoạn 2 đã hoàn thành kết nối 63 chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, đánh dấu một giai đoạn mới của hệ thống thanh toán ngân hàng với những thay đổi cơ bản về kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiệu năng xử lý và quy trình nghiệp vụ hiện đại theo thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu thanh, quyết toán tức thời và số lượng giao dịch thanh toán ngày càng cao của nền kinh tế. Đây là hệ thống thanh toán tạo ra bước phát triển đột phá về nền tảng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho việc phát triển các
phương tiện TTKDTM mới. Hệ thống thanh toán nội bộ của các NHTM cũng có sự phát triển vượt bậc, nhờ sự đầu tư về cơ sở hạ tầng và triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ phục vụ cho hoạt động thanh toán. Hầu hết các NHTM đã thiết lập được hệ thống core banking, hệ thống thanh toán nội bộ với công nghệ tiên tiến, cho phép các NHTM cung ứng các dịch vụ, PTTT hiện đại và khả năng kết nối trực tuyến, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
Nguồn: Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam.
Biểu đồ 2.1: Thị phần tổng số lượng thẻ năm 2010
Nhìn chung hạ tầng kỹ thuật trang bị cho dịch vụ thẻ nói riêng và dịch vụ thanh toán nói chung đã được cải thiện đáng kể. Số lượng ATM và POS có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Tính đến cuối tháng 6/2011, trên 12.800 ATM và 63.400 POS/EDC đã được lắp đặt. Sau khi 3 liên minh thẻ Banknet - Smartlink - VNBC hoàn thành kết nối liên thông hệ thống ATM trên phạm vi toàn quốc, chủ thẻ của 3 liên minh này đã có thể thực hiện các giao dịch trên hệ thống ATM của nhau. Hệ thống POS của 8 NHTM ở Hà nội, 15 NHTM ở Tp.HCM và Đà nẵng đã liên thông nên chủ thẻ của một số ngân hàng có thể sử dụng thẻ để thanh toán tại POS của các ngân hàng khác, tạo tiện ích và giá trị lớn hơn cho người sử dụng thẻ, tiết kiệm cho phí đầu tư mở rộng mạng lưới POS và góp phần giảm tải hệ thống ATM của từng ngân hàng. Sự kiện
kết nối liên thông ATM và hệ thống POS là bước phát triển đầu tiên trong việc triển khai xây dựng hạ tầng thanh toán điện tử hiện đại, mang lại các tiện ích và văn minh thanh toán đến đông đảo tầng lớp dân cư. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ cơ bản như rút tiền mặt, chuyển khoản, các ngân hàng còn chủ động nghiên cứu và triển khai nhiều tính năng gia tăng trên hệ thống ATM như thanh toán hóa đơn dịch vụ (điện, nước, viễn thông, bảo hiểm…), góp phần mang lại tiện ích cho khách hàng, các ngân hàng đã rất tích cực trong việc mở rộng phạm vi ngành hàng phối hợp lắp đặt mạng lưới POS, trong đó chú trọng các ngành kinh doanh bán lẻ, các đơn vị cung ứng dịch vụ hàng ngày như dịch vụ taxi, dịch vụ bán vé tàu xe…, qua đó giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán.
Biểu đồ 2.2: Số lượng ATM và POS đến 30/6/2011
Nguồn: Tạp chí Ngân hàng tháng 9/2011
Biểu đồ 2.2: Số lượng ATM và POS đến 30/6/2011
Tính đến cuối năm 2010 cả thị trường Việt Nam có hơn 24 triệu thẻ tăng 12 lần (từ 2 triệu thẻ năm 2005); số lượng máy ATM tăng hơn 8 lần (từ 1.200 máy vào năm 2005 lên trên 11.137 máy); số thiết bị chấp nhận thẻ POS tăng 3,7 lần (từ 10.000 POS năm 2005 lên 37.000 POS). Cũng trong năm 2010, Việt Nam đã có tới 825,5 triệu lượt giao dịch bằng thẻ, (năm 2005 chỉ là 20,2
triệu lượt và 609 triệu lượt năm 2009). Tuy nhiên nếu so sánh với nhiều nước phát triển trong và ngoài khu vực, con số này vẫn còn khá khiêm tốn.
Bảng 2.4: Số máy ATM; POS và số thẻ trên đầu người
ở một số quốc gia năm 2010
Đơn vị: Máy
ATM POS Số thẻ/người
Bỉ 15.500 124.900 1,26 Canada 60.200 630.500 1,41 Pháp 53.300 1.376,60 0,88 Đức 79.500 593.000 0,91 Italia 54.700 1.334.500 0,57 Nhật Bản 139.200 1.706.100 2,57 Singapore 2.000 83.900 2,35 Anh 63.900 1.095.000 1,49 Mỹ 406.100 5.175.000 3,34 Việt Nam 11.137 37.000 0,28 Nguồn: BIS
Nêu như mức độ truy cập tài chính được đo bằng số lượng các chi nhánh ngân hàng và các máy rút tiền tự động (ATM) trên 100.000 người thì ở Việt Nam, tính đến 2010, hệ thống các TCTD bao gồm 5 ngân hàng thương mại nhà nước với 1.405 chi nhánh cấp 1, 37 ngân hàng thương mại cổ phần với 1.830 sở giao dịch, chi nhánh và văn phòng giao dịch. Như vậy tỷ lệ chi nhánh, phòng giao dịch trên 100.000 người dân trung bình vào khoảng 3,72. Con số này mặc dù khá tương đồng với Philippine (khoảng xấp xỉ 4) nhưng vẫn thấp hơn Thái Lan và Indonexia, và so với các nước phát triển OECD là một khoảng cách khá xa (xấp xỉ 27). Mặt khác, mức độ phân bố các chi nhánh
và phòng giao dịch ở nước ta lại không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, gây ra mức độ khó khăn khi truy cập thị trường tài chính ngân hàng cho các tổ chức, cá nhân ở những vùng kinh tế mới nổi hoặc vùng sâu, vùng xa.
Mặt khác, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ người sử dụng thẻ thấp trong khu vực, hay nói cách khác, dân chúng Việt Nam vẫn rất chuộng tiền mặt. Tốc độ tăng trưởng phát hành thẻ từ 2006 - 2010 đạt từ 150% - 200%, nhưng tỷ lệ thanh toán hàng hóa dịch vụ bằng thẻ ngân hàng chỉ đạt chưa đến 5%. Số lượng giao dịch rút tiền mặt bằng thẻ qua hệ thống ATM chiếm đến 70 - 80% số lượng giao dịch thẻ thực hiện. Đa số công nhân viên chức chủ yếu sử dụng thẻ để đến tháng rút tiền lương và ít có giao dịch khác. Những người thỉnh thoảng mới giao dịch là công nhân và sinh viên, là đối tượng mà nhiều ngân hàng đã ồ ạt mời chào mở thẻ miễn phí.
* Hoạt động thanh toán thẻ tại ĐVCNT
Với nỗ lực mở rộng mạng lưới, doanh số thanh toán thẻ của các NHTM đã không ngừng gia tăng qua các năm. Năm 2010, doanh số thanh toán thẻ quốc tế của toàn thị trường đạt gần 1.500 triệu USD, cao gấp 3 lần năm 2006. Mạng lưới thanh toán thẻ tại VN đã sẵn sàng chấp nhận thanh toán các thẻ mang thương hiệu Visa, MasterCard, Amerrican Express, JCB, Dinners Club, CUP và DiscoverCard là các thương hiệu thẻ hàng đầu và phổ biến nhất thế giới hiện nay. Đối với hoạt động thanh toán thẻ nội địa, thời gian gần đây, các NHTM đã chú trọng đầu tư và tích cực mở rộng mạng lưới ĐVCNT nội địa, trong đó chú trọng các ĐVCNT trong các lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, TTTM, siêu thị, các sản phẩm thời trang và một số dịch vụ tiện ích hàng ngày khác nhằm tạo cơ sở thuận lợi và dễ dàng cho khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa để thanh toán hàng hóa, dịch vụ.
Với lợi thế đặc thù xuất phát từ tính chất phổ biến rộng rãi dịch vụ thanh toán thẻ ghi nợ nội địa đang dần thể hiện các đóng góp quan trọng trong việc tạo thói quen và nâng cao nhận thức của người dân về PTTT hiện đại, đẩy mạnh hoạt động TTKDTM trong dân cư. Năm 2010, doanh số thanh toán thẻ nội địa tại ĐVCNT của các ngân hàng đã đạt hơn 2.000 tỷ đồng và thẻ quốc tế đạt gần 1.370 triệu USD, tăng 29% so với năm 2009. Cùng với việc tích cực kết nối mạng lưới POS nội địa và sự hiểu biết, thói quen dùng thẻ ngày càng tăng trong đại bộ phận dân cư, doanh số này chắc chắn sẽ gia tăng mạnh hơn rất nhiều trong thời gian tới.
Một cuộc khảo sát do ComScore tiến hành trong năm 2010 ở 6 quốc gia gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines, Hong Kong và Singapore cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tăng hàng năm cao nhất về số khách truy cập các trang web ngân hàng, chỉ đứng sau Indonesia với mức tăng cao nhất 72%. Kết quả này có được trong bối cảnh các ngân hàng ngày càng đầu tư mạnh vào website và khách hàng đang làm quen với hoạt động thanh toán hóa đơn qua mạng. Số người sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến như Home Banking, Phone Banking, Mobile banking và Internet Banking… tại Việt Nam đã tăng 35% từ 710.000 lên 949.000 người trong năm qua. Trong khi đó, con số này ở Indonesia là 72% (tăng từ 435.000 lên 749.000) và ở Philippines tăng 39% từ 377.000 lên 525.000.
Tuy đạt được những tỷ lệ tăng trưởng đáng kể nói trên, nhưng đây chỉ là những con số mang tính tương đối. Thực tế là cả ba thị trường này đều kém phát triển hơn các thị trường còn lại nên chỉ một sự tăng nhẹ về mức tuyệt đối là đã đẩy tỷ lệ tăng tính theo phần trăm tương đối tăng lên một mức rất cao. Xét về số tuyệt đối thì Malaysia là nước có số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng qua mạng lớn nhất với 2,7 triệu người trong tháng 1/2011, tăng 16% từ 2,4 triệu người sử dụng vào tháng 1/2010. Hồng Kông đứng ở vị trí
thứ hai với số người dùng tăng 18% từ 1,3 lên 1,5 triệu trong năm qua. Tiếp theo là Singapore với 889.000 khách truy cập trong tháng 1/2011 so với 779.000 khách của cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức tăng 14%.
Như vậy, nhìn chung việc đáp ứng dịch vụ ngân hàng đối với nền kinh tế ở Việt Nam vẫn còn hạn chế bởi các sản phẩm, dịch vụ của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn đơn điệu (Thu nhập phi lãi/Tổng thu nhập chỉ chiếm khoảng hơn 5%). Trong chiến lược phát triển sản phẩm, các ngân hàng trong nước vẫn chỉ tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực tín dụng. Các dịch vụ khác, nếu có, cũng chỉ dừng lại ở dịch vụ thẻ rút tiền, các hoạt động thanh toán qua tài khoản (ATM, POS), dịch vụ quản lý tài sản cho cá nhân thu nhập cao, quản lý két sắt, quản lý thấu chi... vốn đã phổ biến trên thế giới lại chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam.
* Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động TTKDTM đang từng bước hoàn thiện
Nghị định 35/2007/NĐ-CPP quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; Chỉ thị 20/2007/CT-TTg, Chỉ thị 05/2007/CT-NHNN về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN; Quyết định 20/2007/QĐ-NHNN ban hành Quy chế về phát hành, sử dụng, thanh toán và cung cấp dịch vụ hỗ trợ thẻ ngân hàng cộng với những sửa đổi bổ sung về lĩnh vực thanh toán trong Luật NHNN và Luật các TCTD năm 2010 đã và đang từng bước xác lập và hoàn thiện hành lang pháp lý cho các dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo điều kiện cho ngân hàng tham gia sâu rộng và các hoạt động thương mại điện tử, cung cấp các dịch vụ thanh toán cho các chủ thể tham gia kinh doanh trực tuyến trên mạng trong phạm vi toàn xã hội.