Khả năng tăng trưởng

Một phần của tài liệu Phân tích ảnh hưởng của cơ cấu vốn đến giá trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE (Trang 56)

III. MỘT KHẢO SÁT KHÁC VỀ QUAN HỆ GIỮA CƠ CẤU VỐN VÀ GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP TRÊN SÀN HOSE

h. Khả năng tăng trưởng

Biến đại diện là Tỷ lệ tăng doanh thu của doanh nghiệp so với năm trước. Tỷ lệ này càng cao, thể hiện khả năng tăng trưởng càng cao. Thêm một biến nữa có thể có trên một dự đoán về dấu. Theo Lý thuyết đánh đổi và vấn đề mâu thuẫn lợi ích giữa chủ sở hữu và chủ nợ, những công ty có tỷ lệ nợ cao sẽ phải bỏ qua những cơ hội đầu tư có lợi, do nhà đầu tư ngại cung cấp thêm vốn cho công ty: chủ nợ e ngại rằng tỷ lệ nợ đã quá cao gây ra rủi ro trả nợ, chủ sở hữu tiềm năng e ngại rằng dòng tiền tạo ra sẽ dùng để trả cho chủ nợ trước khi bất cứ đồng xu nào rơi vào túi mình,

trong trường hợp công ty rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính, chủ sở hữu hiện tại nếu đồng thời có khả năng ra các quyết định về hoạt động của công ty, lại có động cơ thực hiện những cuộc mạo hiểm có lợi cho mình và chuyển rủi ro cho chủ nợ, vì với trách nhiệm hữu hạn, những cơ hội đầu tư mạo hiểm như trong ví dụ ở Chương 1 Phần I.2 về mâu thuẫn lợi ích đại diện và chủ, sẽ có lợi hơn đối với họ trong tình huống này. “Khả năng tăng trưởng” mặc dù mang lại giá trị cho doanh nghiệp, khó có thể được xem là một sự bảo đảm đối với chủ nợ, và nó hầu như không có giá trị gì nếu công ty chẳng may rơi vào kiệt quệ tài chính, làm cho chi phí kiệt quệ tài chính vô hình cao hơn. Vậy dự đoán đối với dấu hệ số hồi quy biến này là âm.

Tuy nhiên, khi công ty tăng trưởng, nếu có thể thì việc sử dụng nợ để tài trợ tăng trưởng sẽ ưu việt hơn vì chủ sở hữu không đánh mất một phần sự kiểm soát đối với lợi ích của công ty trong tương lai khi tăng trưởng được hiện thức hóa. Hơn nữa theo Lý thuyết thứ tự lựa chọn, khi doanh nghiệp cần vốn vượt quá lượng lợi nhuận giữ lại doanh nghiệp tích lũy, thì việc sử dụng nợ được ưu tiên hơn so với phát hành chứng khoán vốn. Những điều này có thể cho dự đoán một hệ số hồi quy dương.

Các nghiên cứu trước đây Titman, Wessles (1988), Rajan, Zingales (1995), Wiwattanakantang (1999), Hussain (1997), Hirota (1999) và Jordan, Lowe, Taylor (1998) thường cho kết quả hệ số hồi quy âm. Vì vậy dự đoán trong khóa luận này cũng thiên về một hệ số âm.

Một phần của tài liệu Phân tích ảnh hưởng của cơ cấu vốn đến giá trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE (Trang 56)