Môi trường vi mô

Một phần của tài liệu Chiến lược kinh doanh công ty cổ phần dệt may đầu tư thương mại Thành Công giai đoạn 2013-2020 (Trang 43)

2.2.2.1. Các đối thủ tiềm ẩn

Về nội tại, những rào cản cần phải sớm khắc phục đó là ngành công nghiệp dệt và phụ trợ của Việt Nam còn rất hạn chế, dẫn đến 80% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài đã làm cho giá trị gia tăng trong ngành dệt may không cao. Trong lĩnh vực may xuất khẩu, phần lớn vẫn theo phương thức gia công, thiết kế mẫu mốt chưa phát triển... hiệu quả sản xuất thấp. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khả năng huy động vốn đầu tư thấp, hạn chế khả năng đổi mới công nghệ, trang thiết bị... năng lực quảng cáo tiếp thị hạn chế nên phần lớn các doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu.

Tình trạng thiếu công nhân thường xuyên xảy ra tại các thành phố lớn, mối quan hệ lao động tiền lương đang có chiều hướng phức tạp, nhiều cuộc đình công tự phát đã xảy ra tại các thành phố và khu công nghiệp tập trung đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư... đây là một trong những điểm yếu cần khắc phục để đưa ngành công nghiệp dệt may Việt Nam phát triển hơn nữa. Kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May VN năm 2013 dự kiến đã đạt 19,3 tỉ USD, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho gần 3 triệu lao động.

Theo quy hoạch phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn 2020, năm 2020 toàn ngành dệt may sẽ sản xuất được hơn 2.000 triệu m2 vải dệt thô và dệt kim trong đó xuất khẩu khoảng 1.800 triệu m2. Do đó để đạt được mục tiêu này nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mới gia nhập ngành dệt may như: vốn đầu tư thấp, trình độ kỹ thuật không cao cũng có thể mở cơ sở nhỏ hay chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp này ra đời sau, họ được tạo điều kiện đầu tư và áp dụng công nghệ mới hơn hẳn các công ty trong ngành sẽ đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới với chất lượng cao và với dịch vụ tốt sẽ tạo nhiều áp lực trên thị trường nội địa. Đặc biệt trong thời gian gần đây ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, công ty nhỏ chuyên sản xuất các sản phẩm thời trang, xuất khẩu theo sát nhu cầu thị trường, với lợi thế là cơ sở nhỏ chi phí sản xuất, mặt bằng thấp nên giá thành rất thấp, dễ thích nghi với môi trường hơn.

Về thị trường xuất khẩu, đối thủ cạnh tranh mạnh nhất trong lĩnh vực dệt may đó vẫn là các cường quốc trong ngành dệt may như Trung Quốc, kế đến là Ấn Độ, Bangladesh…lợi thế của họ là dân số đông, trẻ chi phí sản xuất rất thấp

2.2.2.2. Các đối thủ hiện tại trong ngành

Ngành dệt may là một trong những ngành đang ở mức cạnh tranh rất gay gắt. Các doanh nghiệp phải chịu rất nhiều áp lực trong sản xuất, kinh doanh để tồn tại, phát triển trong giai đoạn hiện nay như: khan hiếm nguồn nhân lực, chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh ngày càng tăng cao. Hiện nay số lượng công ty hoạt động trong ngành này rất lớn, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến các công ty rất lớn, đều muốn mở rộng và phát triển sản xuất. Nó đã tạo ra cho công ty Thành Công rất nhiều đối thủ cạnh tranh, bên cạnh các đối thủ trong nước chúng ta còn phải đối mặt với các cường quốc trong ngành dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, tạo nên một hệ thống các đối thủ cạnh tranh trong ngành, có thể được phân thành hai nhóm: đối thủ cạnh tranh trong nước và đối thủ cạnh tranh ngoài nước:

Đối thủ cạnh tranh trong nước

Thành Công có dãy sản phẩm rất rộng đa dạng, phong phú về chủng loại và kiểu dáng. Tuy nhiên sản phẩm thun vẫn là sản phẩm chủ lực của công ty. Đối thủ cạnh tranh của công ty rất nhiều, nhưng đối thủ chính có những mặt hàng và thị trường gần giống Thành Công có thể kể đến là công ty cồ phần May Phương Đông, công ty cổ phần dệt may Thắng Lợi (Vigatexco). Các doanh nghiệp này đều có những ưu nhược điểm nhất định tạo nên được vị thế chắc chắn trong ngành dệt may.

Ngoài ra còn rất nhiều các công ty dệt may khác với nhiều sản phẩm, chiến lược đặc biệt như may Nhà Bè, May 10, và các doanh nghiệp tư nhân khác…

Đối thủ cạnh tranh ngoài nước

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nói chung, công ty Thành Công nói riêng là thị trường Mỹ, hiện nay công ty đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, các nước ASEAN, đặc biệt trong thời gian đến dự kiến Việt Nam sẽ tham gia vào TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình Dương) vào năm 2015, yêu cầu sản phẩm dệt may phải được sản xuất từ khâu sợi trở đi tại các nước TPP. Đây là một thách thức lớn của dệt may Việt Nam nói chung, công ty Thành Công nói riêng. Đồng thời Trung Quốc là một quốc gia có sản lượng xuất khẩu các loại hàng dệt may rất cao. Ngành dệt may Trung Quốc cũng phát triển lĩnh vực công nghiệp sản xuất nguyên liệu, chủ động hoàn toàn được sợi bông, sợi hóa học, tơ lụa, vải nguyên liệu, hóa chất, thuốc nhuộm… Mặt khác, ngành cơ khí dệt của Trung Quốc đã có những bước phát triển mạnh trong thời gian qua, sản xuất hoàn chỉnh dây chuyền kéo sợi, máy dệt hiện đại theo chuyển giao công nghệ từ các nước châu Âu với giá thành rẻ.

Chúng ta cũng lưu ý Ấn Độ, Ấn Độ nhắm vào thị trường dệt, quần áo may sẵn Mỹ với tốc độ tăng trưởng 40-42%/năm, Ấn Độ hoàn toàn có thể trở thành nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Sở dĩ Ấn Độ đạt được tốc độ tăng trưởng ngoạn mục như vậy là nhờ nhiều công ty của Châu Âu, Mỹ đã chuyển sang Ấn Độ để tận dụng lợi thế chi phí rẻ ở đất nước này.

Các đối thủ cạnh tranh khác: ngoài các cường quốc xuất khẩu hàng dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, còn có Pakistan, Malaysia, Philippines, Singapore, Bangladesh… cũng là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu cao. Các nước này đã được EU bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may từ sau cuộc thảm họa sóng thần năm 2004, với những ưu đãi này giúp cho các đối thủ có sức cạnh tranh càng mạnh hơn.

2.2.2.3. Đe dọa từ các sản phẩm thay thế

Công ty cổ phần dệt may Thành Công được biết đến là một trong mười doanh nghiệp tiêu biểu của ngành dệt may Việt Nam, nhiều năm liền được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao, công ty còn xếp hạng 93 trong danh sách Top 200 doanh nghiệp Việt Nam. Nói đến Thành Công mọi người nghĩ ngay đến sản phẩm thun các loại gồm hàng thể thao, thời trang, đến công sở…

Tuy nhiên hiện nay, nhiều sản phẩm may mặc được làm từ chất liệu bằng vải và len xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Các sản phẩm này có chất lượng tương đương nhưng giá rẻ hơn. Một số khách hàng chọn sản phẩm này để thay thế sản phẩm thun của Thành Công. Đây cũng là một áp lực đòi hỏi Công ty phải không ngừng tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh để thu hút và giữ được khách hàng.

2.2.2.4. Quyền lực thương lượng từ phía khách hàng

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc đưa các sản phẩm vào hệ thống phân phối của các siêu thị luôn gặp phải khó khăn trở ngại vì các áp lực về giá và chất lượng. Hầu hết các sản phẩm như dệt may, da giầy rất khó xâm nhập vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật,… nếu không qua hệ thống phân phối.

Đối với người người tiêu dùng, khi được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ thích hợp từ vô số nhà cung cấp khác nhau, họ sẽ tạo ra sức ép rất mạnh buộc Thành Công tuân thủ quy luật cạnh tranh kinh tế, đặc biệt là về giá cả, chất lượng và dịch vụ.

Đối với khách hàng trong nước: Nhu cầu may mặc trên thị trường ngày càng phong phú và đa dạng, thị hiếu của họ luôn thay đổi theo sự phát triển của thế giới. Nếu như công ty không đáp ứng được nhu cầu khách hàng thì họ sẽ nhanh chóng rời bỏ và tìm nhà cung cấp khác tốt hơn. Hiện nay, nhiều công ty có khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường với nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau, giá cả rất cạnh tranh, chính sách tín dụng hấp dẫn. Khách hàng có khả năng lựa chọn các sản phẩm khác nhau, gây áp lực cho công ty. Họ luôn đòi hỏi Thành Công đưa ra sản phẩm có chất lượng tương đương hàng ngoại với giá cả thấp đã tạo nhiều bất lợi cho hoạt động của công ty.

Đối với khách hàng nước ngoài: Chủ yếu là khách hàng truyền thống, các tập đoàn bán lẻ. Do vậy, hoạt động sản xuất của công ty lệ thuộc quá nhiều vào các đơn đặt hàng của khách, họ luôn gây sức ép đối với công ty như: ép giảm giá, thay đổi mẫu mã, chỉ định nhà cung cấp nguyên vật liệu có giá cao, hay nhà cung cấp xa nhà máy của công ty, không thực hiện đúng hợp đồng, đưa ra những lý do về chất lượng, an toàn lao động để trì hoãn không thanh toán tiền hàng hoặc yêu cầu giao hàng sớm,...bởi vì doanh thu xuất khẩu của công ty quá phụ thuộc vào các khách hàng này cũng như công ty chưa tổ chức được kênh phân phối rộng khắp. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và các nước, sẽ tạo cơ hội cho công ty tìm kiếm và phát triển nhiều thị trường mới trên thế giới. Như vậy, để duy trì được khách hàng, công ty cần phải tổ chức nghiên cứu và theo dõi chặt chẽ thị trường để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng và người tiêu dùng cần.

2.2.2.5 Quyền lực thương lượng từ phía các nhà cung cấp

Số lượng và qui mô nhà cung cấp hiện tại của công ty rất lớn, tương lai ngày càng có nhiều nhà cung cấp nguyên liệu, vật tư cho ngành dệt may hơn, từ đó công ty sẽ chủ động hơn trong sản xuất. Tuy nhiên, do một số tính chất đặc thù của sản phẩm buộc Thành Công phải nhập khẩu từ nước ngoài vì nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nên chi phí rất cao: 80% nguyên liệu (bông, xơ) mua trong nước và 20% còn lại phải nhập từ Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Châu Phi,…

Ngoài ra, công ty còn phải nhập khẩu gần 100% hóa chất, thuốc nhuộm, chất hoàn tất,…từ Nhật, Trung Quốc, Singapore.. Chính vì vậy hầu như Thành Công phụ thuộc rất lớn vào các nhà cung cấp nước ngoài. Khi có biến động thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của công ty như: nhà cung cấp đột ngột tăng giá, biến động giá cả thế giới, bất ổn chính trị, tiến độ cung cấp trễ, chất lượng không tốt, hay công ty nhập về để dự trữ nhiều sẽ ứ động vốn đôi khi giá giảm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Áp lực từ nhà cung cấp trong nước

- Đối với phụ liệu may: phần lớn là công ty mua các loại phụ liệu may: dây kéo, nút, giấy lót, keo dựng, móc áo, nhãn các loại, thùng carton,…được cung cấp từ rất nhiều nhà cung cấp nhỏ. Lợi thế từ các nhà cung cấp này là tương đối ổn định và tiến độ cung cấp nhanh và theo sát những nhu cầu của công ty, thời gian thanh toán chậm. Tuy nhiên các nhà cung cấp này cũng chỉ ở qui mô nhỏ và số lượng cung cấp bị hạn chế có một số nguyên phụ liệu không có ngay, phải chờ thời gian họ đi mua lại nơi khác và nhập khẩu.

- Đối với bông xơ : khoảng 80% số lượng bông xơ công ty phải mua trong nước, đây là các nhà cung cấp bông xơ tương đối lớn và ổn định và có mối quan hệ từ rất lâu của công ty, tuy nhiên thời gian cung cấp của họ chậm, chủng loại sợi rất ít, thời gian thanh toán rất ngắn,…

- Đối với các loại nguyên vật liệu khác như xăng dầu, linh kiện máy móc, than,… các nhà cung cấp này có lợi thế là rất dễ đặt hàng, rất nhanh trong việc giao hàng. Tuy nhiên các nhà cung cấp này chỉ mang tính tạm thời, không ổn định, và phải thanh toán ngay khi mua hàng.

Áp lực từ nhà cung cấp nước ngoài

Khoảng 20% bông xơ và gần 100% hóa chất thuốc nhuộm công ty phải nhập khẩu từ các nhà cung cấp nước ngoài, các nhà cung cấp này tương đối lớn và ổn định, tuy nhiên phải đặt hàng trong thời gian dài, số lượng đặt hàng phải lớn và giá cả luôn biến động theo thị trường thế giới, họ chỉ đồng ý bán theo hình thức thanh toán của họ. Vì vậy khó đòi bồi thường hay trả hàng khi chất lượng không đảm bảo Hiện tại công ty đang tìm kiếm các nhà cung cấp mới ổn định hơn để thay thế những nhà cung cấp cũ không đạt yêu cầu. Phân tích, đánh giá lại toàn bộ hệ thống nhà cung cấp ký các hợp đồng cung cấp dài hạn đối với các nhà cung cấp có năng lực ổn định để giảm bớt rủi ro và giảm chi phí sản xuất khi có biến động về giá cả và khan hiếm hàng trên thị trường. Vì thế áp lực đối với nhà cung cấp trong nước vẫn nhẹ hơn nhà cung cấp nước ngoài, tuy nhiên việc đòi tăng giá và khan hiếm hàng đối với các nhà cung cấp trong nước cũng thường xuyên xảy ra.

Một phần của tài liệu Chiến lược kinh doanh công ty cổ phần dệt may đầu tư thương mại Thành Công giai đoạn 2013-2020 (Trang 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)