Về giới tính của đội ngũ trí thức

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay (Trang 47)

Đội ngũ trí thức nam giới thường chiếm tỉ lệ cao hơn nữ giới trong nhiều ngành khoa học, đặc biệt là khoa học công nghệ (thường gấp từ 6 đến 15 lần). Ở trình độ tiến sĩ thì nam giới chiếm 85,03% so với tổng số, tiến sĩ khoa học tỉ lệ này là 95,42% so với tổng số - chiếm tỉ lệ rất cao so với nữ giới.

Tuy nhiên, tỉ lệ nữ đạt mức cao ở trình độ cao đẳng (gần 58%); tỉ lệ nữ ở trình độ đại học chiếm 33,23%, thạc sĩ 29,18%. Tỷ lệ nữ trong tổng số trí thức còn ít, số có trình độ trên đại học chỉ có gần 20% so với tổng số, trong đó chủ yếu làm việc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (chiếm 53,2%). Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội của Việt Nam xếp thứ 31 trên thế giới, đứng thứ 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng đầu trong 8 nước ASEAN có nghị viện. Theo GS, TSKH. Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư năm 2010 là 19,9% ít hơn so với năm 2009 (28,2%). Tuy nhiên, số nữ giáo sư năm 2010 có tăng lên - 10 nữ giáo sư so với 7 nữ giáo sư năm 2009. Sự chênh lệch tỉ lệ về giới tính của đội ngũ trí thức như trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có phần do ảnh hưởng của tàn dư tư tưởng phong kiến, Nho giáo đã hạn chế cơ hội học tập, vươn lên của phụ nữ nước ta trong những năm trước đây. Công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức. Chính sách còn mang tính bình quân, chưa xuất phát từ đặc điểm giới tính để đề ra những chính sách thích hợp, nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ vừa hoàn thành công tác, vừa có điều kiện thực hiện thiên chức của phụ nữ trong gia đình. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân về thiên chức làm vợ, làm mẹ của trí thức nữ nước ta cũng ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình học tập ở những bậc sau đại học của phụ nữ. Do đó, nữ trí thức có trình độ cao vẫn còn hạn chế và ít có chuyên gia giỏi có khả năng đảm đương những dự án, công trình nghiên cứu khoa học lớn trong nước cũng như quốc tế.

Tuy nhiên, tuổi trung bình của tiến sĩ ở nam là 53,58 tuổi và ở nữ là 49,09 tuổi, chênh lệch gần 4,5 tuổi. Tuổi trung bình của tiến sĩ khoa học ở nam là 57,22 tuổi trong khi đó ở nữ là 55,79 tuổi. Điều đó cho thấy, nếu những phụ nữ có điều kiện học tập, họ thường đạt được học vị sớm hơn so với nam giới.

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay (Trang 47)