Khai thác hợp lý, có hiệu quả đội ngũ trí thức, tạo môi trường và điều kiện hoạt động thuận lợi để trí thức cống hiến được nhiều nhất cho

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay (Trang 83)

- Đội ngũ trí thức nước ta có những mặt yếu như trên là do những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

3.1.2.Khai thác hợp lý, có hiệu quả đội ngũ trí thức, tạo môi trường và điều kiện hoạt động thuận lợi để trí thức cống hiến được nhiều nhất cho

và điều kiện hoạt động thuận lợi để trí thức cống hiến được nhiều nhất cho sự phát triển của đất nước

Như chúng ta đã biết, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì lao động của trí thức có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi lẽ công nghiệp hoá, hiện đại hoá dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, sự phát triển khoa học - công nghệ đòi hỏi sự tích tụ chất xám mà chất xám lại chính là sản phẩm đặc trưng của lao động trí tuệ. Song, đáng tiếc là tỷ trọng loại lao động này ở nước ta còn quá ít , lại đang bị lãng phí. Đáng tiếc hơn nữa không phải do chúng ta không nhận thấy tầm quan trọng của nó, mà là do sự bất hợp lý trong cơ chế, chính sách đào tạo và sử dụng lao động trí tuệ. Vì vậy, cần phải khai thác hợp lý, có hiệu quả loại lao động này. Muốn vậy, trước hết cần hiểu đặc điểm của lao động trí tuệ - loại lao động dựa trên phương thức lao động trí tuệ cá nhân; sản phẩm lao động trực tiếp của họ là những tri thức khoa học sáng tạo, những giá trị tinh thần, những công trình khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Đặc điểm này đòi hỏi phải có một môi trường tinh thần - xã hội thuận lợi, phù hợp với yêu cầu của hoạt động sáng tạo. Bên cạnh đó, cần phải cung cấp cho lao động trí tuệ những điều kiện làm việc cần thiết như trang thiết bị hiện đại, thông tin chính xác và kịp thời, các cơ sở triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu,...

Cần thấy rằng, muốn đạt được công nghiệp hoá, hiện đại hoá rút ngắn, phải thực hiện “đi tắt, đón đầu” về khoa học - công nghệ, vì vậy nhất thiết phải có các viện nghiên cứu khoa học - công nghệ mũi nhọn, các phòng thí nghiệm trọng điểm và những trang thiết bị hiện đại. Nếu không làm được như vậy mà lại theo thói quen lâu nay là đầu tư nhỏ giọt và phân tán thì sau nhiều năm nữa khoa học và công nghệ vẫn giẫm chân tại chỗ, vẫn tiếp tục lãng phí nguồn tiếm năng lao động trí tuệ quý giá và do đó, không thể nào hội nhập

được với đà phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại.

Trong khoa học, thông tin là nguồn lực quan trọng nhất, là tiền đề tiên quyết của hoạt động nghiên cứu và sáng tạo. Vậy mà theo các công trình nghiên cứu khoa học, trên 60% giá trị thông tin có ích thu được từ sự gặp gỡ và trao đổi phi chính thức, chứ không phải chỉ qua kênh thông tin chính thức như sách báo, tạp chí. Vì thế, cần tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học có thể giao tiếp khoa học trong và ngoài nước rộng rãi; đối với các nhà khoa học - công nghệ đỉnh cao, cần có chính sách cho phép họ có thời gian làm việc với đồng nghiệp nước ngoài nếu có thể. Đồng thời, cần thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường khoa học - công nghệ để đáp ứng nhu cầu của cả hai phía sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm khoa học và công nghệ.

Để khai thác có hiệu quả thì Nhà nước cần phải có chính sách phù hợp trong quá trình thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để khắc phục tình trạng “chảy chất xám”, “teo chất xám” đang diễn ra hiện nay. Bên cạnh việc khai thác hợp lý, có hiệu quả đội ngũ lao động trí tuệ hiện có thì cần phải có chính sách phù hợp trong việc thu hút trí thức Việt kiều và trí thức nước ngoài vào làm ăn với ta. Một trong những chính sách để khai thác hợp lý, có hiệu quả đội ngũ trí thức nước ta hiện nay đó chính là chế độ đãi ngộ thoả đáng vật chất - tinh thần và môi trường, điều kiện, phương tiện làm việc thuận lợi có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

Hiện nay, theo ước tính có khoảng hơn 400.000 người Việt Nam có trình độ đại học trở lên sinh sống ở nước ngoài, trong đó có nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia giỏi, giữ những vị trí quan trọng trong khoa học và công nghệ ở các nước. Đây thực sự là một tiềm lực khoa học - công nghệ rất quan trọng của đất nước. Vì vậy, một mặt phải khơi dậy truyền thống yêu nước, gắn bó với quê hương của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường các mối liên hệ thường xuyên để tạo sự hiểu biết và tôn trọng lẫn

nhau giữa trí thức Việt kiều với trí thức trong nước. Mặt khác, có chính sách rộng mở nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài chuyển giao về nước những tri thức và công nghệ tiên tiến, về làm việc trong nước, tham gia các chương trình, dự án ở Việt Nam. Vấn đề này cần học hỏi kinh nghiệm của một số nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Xingapo, Thái Lan, Philippin, Đài Loan,... Chẳng hạn, trước nạn chảy chất xám, Philippin đã kịp thời có những cải cách và tăng cường đầu tư, nâng cao mức lương... nhằm khuyến khích các nhà khoa học, kể cả các trí thức Philippin từ nước ngoài trở về phục vụ cho đất nước, đồng thời còn tìm cách thu hút, sử dụng các chuyên gia nước ngoài vào các dịch vụ tư vấn. Hay để đối phó với tình trạng “chảy chất xám”, Đài Loan đã tập trung xây dựng môi trường khoa học như tạo ra một thể chế đại học xuất sắc, có uy tín cao, đầu tư xây dựng một khu nghiên cứu khoa học - công nghệ cao, xây dựng một số dự án nhằm làm tăng giá trị người làm khoa học trong xã hội. Hay trước cuộc tranh giành nhân tài gay gắt của Mỹ, chính phủ Nga cũng áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ nguồn nhân tài trong nước. Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục của Nga không ngừng gia tăng, dự toán ngân sách của Viện Hàn lâm khoa học Nga vài năm gần đây tăng trên 20%/năm. Chính phủ Nga đã nâng cao mức đãi ngộ vật chất và an sinh xã hội cho đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học trong nước, đồng thời mở rộng quy mô xây dựng nhà ở cho các nhà khoa học trẻ. Ngoài ra, Chính phủ Nga còn áp dụng những biện pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng “chảy máu” chất xám như hạn chế những chuyên gia đầu ngành ra nước ngoài làm việc, khuyến khích các nhà doanh nghiệp và chính phủ hỗ trợ các học giả trẻ bằng nhiều hình thức khác nhau... Còn đối với Trung Quốc, để ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám đang diễn ra nghiêm trọng, hằng năm, Chính phủ Trung Quốc đều trao một giải thưởng cao quý nhất nhằm vinh danh nhà khoa học có cống hiến lớn lao nhất cho đất nước

trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật với trị giá lên tới 5 triệu NDT (tương đương với 15 tỉ VNĐ)... Với những cố gắng đó, họ chẳng những đã hạn chế được tình trạng chảy chất xám mà còn phát huy được tiềm năng chất xám.

Như vậy, không một quốc gia phát triển nào lại không có chiến lược tổng thể về nhân tài, trọng dụng nhân tài nhằm cạnh tranh, mua chất xám. Ở nước ta hiện nay, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá có thành công hay không, trước hết là do thành công của sự phát triển khoa học - công nghệ, mà sự thành công của khoa học - công nghệ lại phụ thuộc chủ yếu vào tính hữu hiệu của chính sách thu hút, khai thác hợp lý, có hiệu quả nguồn lao động có chất lượng cao ở nước ta hiện nay.

Bên cạnh việc khai thác hợp lý, có hiệu quả đội ngũ trí thức thì cần phải tạo môi trường và điều kiện hoạt động thuận lợi để trí thức cống hiến được nhiều nhất cho sự phát triển của đất nước. Bởi lẽ, một trong những điều kiện quan trọng nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ trí thức là môi trường làm việc thuận lợi. Trong đó, chúng ta cần có chính sách cụ thể để mở rộng, phát huy quyền tự do sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, tạo điều kiện để những người làm công tác khoa học và công nghệ sớm tiếp cận với những vấn đề mới của đời sống khoa học và công nghệ thế giới và có môi trường thuận lợi để phát huy tài năng. Đồng thời, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách về đấu thầu các dự án, đề tài khoa học một cách công khai, dân chủ. Điều này góp phần xoá bỏ tình trạng bao cấp, cơ chế xin - cho trong hoạt động nghiên cứu khoa học, có ý nghĩa trong việc tìm người tài, phát huy nguồn lực trí tuệ của đội ngũ trí thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong quá trình hội nhập, đòi hỏi phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải tạo môi trường hợp lý, có hệ thống chính sách khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động của thị trường khoa học và công nghệ. Thể chế hoá việc mua, bán, góp vốn sản phẩm khoa học và

công nghệ và tổ chức các chợ, hội chợ, các trung tâm giới thiệu, trao đổi sản phẩm khoa học và công nghệ mới. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng, khai thác và phát huy tác dụng của các sáng chế và các giải pháp hữu ích nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá Việt Nam. Hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ. Cần có chính sách để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ; bảo hộ, khuyến khích việc sử dụng những giải pháp, sáng chế mới. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước và công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, trong cơ chế thị trường và quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ, “virus” gây bệnh đang làm cho xã hội xuống cấp nguy hiểm trên một số phương diện nhất định. Các loại bệnh này đang có nguy cơ sản sinh ra một thứ “văn hoá” đi ngược với nền văn hoá mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều này cũng có nghĩa là huỷ hoại môi trường phát huy năng lực của đội ngũ trí thức, bởi lẽ, cái đặc điểm cố hữu của người trí thức là không tồn tại và phát huy được trong môi trường thiếu văn hoá. Nếu để cho những kẻ làm giàu bất chính câu kết với sự tha hoá trong hệ thống quyền lực tiếp tục lũng đoạn xã hội theo “văn hoá” riêng của họ, thì mọi người tài, đức chân chính và mọi thang giá trị xã hội đều có nguy cơ bị lộn ngược… Mặt khác, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, xây dựng những khu công nghệ, các trường đại học trọng điểm, các cơ sở phục vụ nghiên cứu và thực nghiệm, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế, mở ra nhiều khả năng cho đội ngũ trí thức học tập, nâng cao trình độ và cống hiến. Nói một cách tổng quát, việc tạo được môi trường và điều kiện hoạt động thuận lợi để trí thức cống hiến được nhiều nhất cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta hiện nay là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay (Trang 83)