Về số lượng, chất lượng của đội ngũ trí thức

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay (Trang 40)

Trong nhiều năm qua, đội ngũ trí thức nước ta đã có bước phát triển nhanh về số lượng. Tính đến giữa năm 2007, nước ta có khoảng 2,6 triệu người có trình độ đại học trở lên, chiếm 4,5% lực lượng lao động, trong đó có trên 18.000 thạc sĩ, 16.000 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học và trên 6.000 giáo sư, phó

giáo sư [6, tr.70]. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm học 2003 - 2004 tổng số sinh viên đại học và cao đẳng là 1.131.030, đến năm học 2007 - 2008 tăng lên 1.603.484 sinh viên. Năm 2008 tổng số sinh viên ra trường là 233.966 trong đó sinh viên tốt nghiệp đại học là 152.272; sinh viên tốt nghiệp cao đẳng là 81.694 [12]. Số trí thức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cũng tăng nhanh. Theo thống kê cả nước đến 2008 có hơn 14 nghìn tiến sĩ và tiến sĩ khoa học và đang đặt mục tiêu trong 10 năm tới sẽ có 20.000 tiến sĩ. Năm 2008 nước ta có 275 trường trung cấp chuyên nghiệp, 209 trường cao đẳng, 160 trường đại học và có tới 27.900 trường phổ thông, 226 trường dân tộc nội trú. Nhìn vào những con số này cho thấy lực lượng trí thức và công chức thực sự là một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Nhưng thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Hàng năm lượng sinh viên ra trường lớn nhưng số sinh viên có việc làm lại ít. Theo thống kê có đến 63% sinh viên ra trường không có việc làm, số sinh viên có việc làm thì có người làm đúng chuyên ngành được đào tạo nhưng cũng có những người lại không được làm đúng chuyên ngành được học.

Dân số nước ta hiện nay theo Niên giám thống kê năm 2009 là hơn 86 triệu người, đây là nguồn nhân lực dồi dào của nước ta. Trong đó, số trí thức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cũng tăng nhanh. Theo Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, tính đến năm 2009 nước ta có trên 8.000 giáo sư, phó giáo sư và đến năm 2010 cả nước đã có hơn 9.000 giáo sư, phó giáo sư được công nhận đạt chuẩn. Đội ngũ trí thức nước ta có mặt trong tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế - xã hội, trong khu vực sự nghiệp chiếm 71%, khu vực hành chính chiếm 22%, khu vực kinh doanh 7%. Trí thức Việt Nam định cư ở nước ngoài có khoảng trên 400.000 người, chiếm trên 10% số người Việt Nam đang ở nước ngoài [6, tr.70]. Trong số đó có những chuyên gia giỏi đang làm việc ở những lĩnh vực công nghệ cao như: điện tử, sinh học, vật liệu mới, hàng không vũ trụ và các lĩnh vực quan trọng khác. Các con số này nói lên sự

lớn mạnh không ngừng và nhanh chóng của đội ngũ trí thức nước ta. Có thể khẳng định rằng, những thành tựu đã đạt được của đất nước ta hôm nay, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ trí thức.

Quy mô đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tiếp tục được mở rộng, số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh. Tốc độ tăng bình quân hàng năm quy mô đào tạo đại học đạt 6,65%/năm, trung học chuyên nghiệp là 9,8%/năm và dạy nghề là 8,35%/năm. Cơ cấu tuyển mới giữa các bậc đào tạo đã điều chỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Mạng lưới các trường đại học và cao đẳng được mở rộng, trong đó có nhiều trường ngoài công lập được thành lập và đi vào hoạt động. Nhiều tỉnh mở thêm các trường đại học, cao đẳng, đã tạo thuận lợi cho việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.

Đội ngũ giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Năm 2008 so với năm 2000, giảng viên đại học tăng 1,88 lần và giảng viên trung cấp chuyên nghiệp tăng 1,66 lần. Tỷ lệ giảng viên đại học có trình độ trên đại học tăng từ 39,1% năm 2000 lên 49,9% năm 2008; ở các trường trung cấp chuyên nghiệp tăng từ 5,8% lên 19,4%. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, chất lượng giáo dục và đào tạo của nước ta còn thấp, còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao vẫn còn nhiều hạn chế; chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhu cầu của thị trường lao động.

Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, riêng năm học 2009 - 2010, cả nước có trên 69.500 giảng viên cao đẳng, đại học, trong đó có 14% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ và hơn 43% giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ; số lượng giảng viên cao đẳng có trình độ tiến sĩ chiếm gần 3%, có trình độ thạc sĩ chiếm 28%. Hiện nay, tuy số lượng giảng viên tăng lên hàng năm nhưng tỷ lệ bình quân sinh viên/giảng viên ở nước ta vẫn cao so với các nước khác với khoảng 30 sinh viên/giảng viên ở bậc đại học và 24 sinh viên/giảng

viên ở bậc cao đẳng. Mặc dù có sự trưởng thành về số lượng của đội ngũ trí thức có trình độ cao ở nước ta, song số cán bộ khoa học đầu ngành có trình độ cao còn rất ít. Đặc biệt, nước ta đang thiếu những cán bộ khoa học giỏi về kinh tế, quản lý, tài chính, ngân hàng,… thiếu nhiều cán bộ về công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực công nghệ điện tử, tin học, sinh học,… Lực lượng trí thức có trình độ cao trong các ngành khoa hc xã hội và nhân văn, nhất là đội ngũ lý luận còn rất mỏng. Nhìn chung, so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước trước những thách thức của thế kỷ XXI, đội ngũ trí thức nước ta còn ít và còn nhiều bất cập; còn nhiều hạn chế cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Từ năm 1998 đến năm 2002, toàn thế giới công bố được 35 vạn công trình khoa học và công nghệ. Trong đó, Mỹ đóng góp xấp xỉ 1/3: 119.000 công trình, Singapore: 6.935 công trình, Thái Lan: 5.210 công trình, Malaixia: 2.088 công trình. Riêng Việt Nam chỉ có 250 công trình, chiếm chưa đến một phần nghìn của thế giới. Trong 5 năm, 2001 đến 2005, nước ta có 11 đơn đăng ký sáng chế gửi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, trong khi đó ở: Inđônêxia là 36 đơn, Thái Lan là 39 đơn, Nhật Bản là 87.620 đơn và Mỹ là 206.710 đơn [11]. Như vậy, số lượng các công trình khoa học có chất lượng cao được công bố trên các tạp chí có uy tín trên thế giới, số sáng chế được đăng ký quốc tế của nước ta còn quá ít. Các thành tựu nghiên cứu và ứng dụng mà chúng ta đạt được rất đáng trân trọng, song so với tầm khu vực và thế giới vẫn còn khoảng cách khá xa.

Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đội ngũ cán bộ nước ta đã được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng, hoạt động năng động, sáng tạo hơn trong cơ chế mới so với trước đây và so với những năm đầu thời kỳ đổi mới. Số cán bộ khoa học - công nghệ tập trung nhiều nhất ở các trung tâm khoa học, viện nghiên cứu thuộc hai Trung tâm khoa học quốc gia (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia; Trung tâm Khoa học Tự nhiên và

Công nghệ quốc gia) và thuộc các bộ, ngành,... Đặc biệt, chúng ta có nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật đang trực tiếp tham gia sản xuất trong các khu vực kinh tế, vừa làm nhiệm vụ phổ biến tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong công nhân và nông dân, vừa trực tiếp làm ra sản phẩm. Một điểm đáng chú ý nữa là số trí thức trẻ, khoẻ, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao làm việc trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ngày càng tăng. Số trí thức này không chỉ là những sinh viên mới tốt nghiệp đại học trong và ngoài nước, mà có cả những người nguyên là cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật của các doanh nghiệp nhà nước, mà do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Dự kiến trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, nhu cầu phát triển khoa học và công nghệ của nước ta rất lớn với mục tiêu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, như vậy đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đông đảo và chất lượng ngày càng cao, đó là yêu cầu bức thiết. Trước yêu cầu và xu thế phát triển khoa học như hiện nay, nếu chúng ta chỉ chú ý quá nhiều đến phát triển quy mô và số lượng mà không quan tâm đúng mức đến phát triển chất lượng thì tương lai nền khoa học cũng như chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta tụt hậu ngày càng xa hơn là điều khó tránh khỏi. Do đó, việc làm trước tiên là chúng ta phải chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên trong hệ thống giáo dục quốc dân mà đặc biệt chú ý phát triển đội ngũ giảng viên trong các trường đại học cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác quản lý trong hệ thống các trường đại học và trên hết là vấn đề quản lý chất lượng và quản lý tài chính trong tất cả các trường công lập và dân lập. Có làm được điều đó thì chúng ta mới có thể kỳ vọng đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay (Trang 40)