Nam Định, phạm vi do UNESCO công nhận gồm 2 tiểu vùng nằm ở cửa Ba Lạt và cửa Đáy: Vườn quốc gia Xuân Thủy thuộc các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân của huyện Giao Thủy và rừng phòng hộ ven biển Nghĩa Hưng thuộc các xã: Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc, Nghĩa Hải, Nghĩa Lợi, thị trấn Rạng Đông, xã Nam Điền huyện Nghĩa Hưng [5].
Nam Định xây dựng kế hoạch hành động ĐDSH giai đoạn 2011- 2013 và định hướng đến năm 2020, quy hoạch bảo tồn ĐDSH và cơ sở dữ liệu ĐDSH trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên môi trường tổ chức đào tạo nguồn nhân lực về quản lý ĐDSH; tuyên truyền giáo dục pháp luật về ĐDSH. Trong giai đoạn 2013-2015, Nam Định lập quy hoạch bảo tồn ĐDSH Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy); điều tra, lập hồ sơ đề nghị thành lập khu bảo tồn thiên nhiên ven biển huyện Nghĩa Hưng; xác định nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế và ĐDSH cao trên địa bàn tỉnh; xây dựng mạng lưới quan trắc ĐDSH tại các khu bảo tồn, vườn quốc gia và các vùng đất ngập nước quan trọng...[5].
Từ đầu năm 2011, các cơ quan chức năng trong tỉnh tiến hành điều tra cơ bản về ĐDSH; xây dựng mạng lưới, thực hiện quan trắc về ĐDSH và an toàn sinh học; lập danh sách các loài động, thực vật trên cạn, dưới nước cần được bảo tồn... Quy chế phối hợp trong việc xử lý khai thác, kinh doanh, sử dụng tài nguyên sinh vật cũng được xây dựng; năng lực cưỡng chế trong việc kiểm soát buôn bán các loại động, thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao được tăng cường... Tỉnh cũng tổ chức tổng kiểm kê các nguồn gen cây trồng vật nuôi; khuyến khích áp dụng các mô hình bảo tồn, phát triển các loài cây trồng, vật nuôi bản địa quý hiếm; thực hiện các đề án về chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về ĐDSH nông nghiệp; áp dụng các mô hình điểm về phát triển kinh tế sinh thái, giảm sức ép khai thác tài nguyên đất ngập nước...[5].
Năm 2011 được Liên hợp quốc chọn là “Năm quốc tế về rừng” với thông điệp “Cộng đồng các quốc gia chung sức thúc đẩy việc quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững các loại rừng; phòng, chống phá rừng và suy thoái rừng”. Hưởng ứng chương trình này tỉnh ta đang triển khai nhiều hoạt động
trồng và bảo vệ rừng, trong đó, đặc biệt ưu tiên việc trồng rừng phòng hộ ven biển, ứng phó với tình trạng nước biển dâng và tiếp tục tham gia hiệu quả vào mục tiêu thực hiện dự án quốc gia trồng mới 5 triệu ha rừng. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chọn Tỉnh Đoàn Nam Định làm điểm trong việc triển khai xây dựng mô hình bảo vệ môi trường năm 2011, trong đó dự án “Trồng rừng chắn sóng” với tổng diện tích 12ha đang được triển khai tại 3 huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Các địa phương tham gia dự án về ý nghĩa, mục đích của việc trồng rừng phòng hộ ven biển để cải thiện các điều kiện khắc nghiệt của môi trường vùng đất cát như giảm nhiệt độ ở lớp cát mặt trong mùa hè và giữ nước trong mùa khô. Rừng ven biển còn giúp nâng cao sự đa dạng của hệ sinh thái vùng ven biển, đáp ứng nhu cầu về gỗ gia dụng và củi đun cho nhân dân địa phương. Rừng còn hạn chế được nạn cát bay và quá trình rửa trôi (bạc màu) ở lớp cát mặt, đồng thời cung cấp khối lượng lớn các chất hữu cơ làm cho độ phì nhiêu của đất không ngừng được cải thiện. Năm 2011, Tỉnh Đoàn đã chọn xã Giao Long (Giao Thủy) là mô hình điểm để rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Đồng chí Vũ Tuyết Minh, Bí thư huyện Đoàn Giao Thủy cho biết: “Từ tháng 6, Đoàn Thanh niên huyện đảm nhận trồng 4ha rừng phòng hộ. Hoạt động trồng rừng được coi là điểm nhấn trong công tác Đoàn năm 2011”. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho việc trồng rừng phòng hộ ven biển đang diễn ra khá sôi nổi tại các cơ sở Đoàn tham gia dự án. Theo kế hoạch, trong tháng 8 sẽ đồng loạt triển khai việc trồng rừng [15].
Tỉnh Nam Định triển khai Dự án đầu tư rừng phòng hộ ven biển nhằm khôi phục và phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển để chắn sóng, bảo vệ đê biển đê sông, lấn biển, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, phòng chống thiên tai cho cộng đồng dân cư ven biển, điều hoà khí hậu, tôn tạo vẻ đẹp cảnh quan, cải thiện đời sống nhân dân và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng trên tuyến biên giới biển của tỉnh. Được thực hiện từ nay đến năm 2014 với tổng kinh phí dự toán gần 46,7 tỷ đồng, dự án tập trung bảo vệ trên 2.203ha rừng phòng hộ hiện có tại 3 huyện ven biển của tỉnh gồm Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Giao Thuỷ; trồng mới gần 1.530ha, trong đó có trên 1.036 ha rừng phòng hộ tập trung, trồng bổ sung 405ha rừng trồng
có mật độ thấp tại huyện Nghĩa Hưng, 58ha rừng chắn gió hại tại Hải Hậu và Giao Thuỷ, 29ha cây cảnh quan môi trường, cảnh quan du lịch tại thị trấn Thịnh Long và Quất Lâm (huyện Giao Thuỷ). Ngoài ra, dự án còn đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng lâm sinh như nâng cấp vườn ươm giống cây lâm nghiệp và xây dựng mới vườn ươm giống cây ngập mặn tại vùng bãi bồi phía đông xã Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng). Nằm ở vùng Nam châu thổ sông Hồng, tỉnh Nam Định sở hữu 72km bờ biển. Hằng năm, do phù sa sông Hồng bồi đắp ở cửa Ba Lạt và Lạch Giang, biển Nam Định lùi ra khoảng 100- 200 m với diện tích khoảng 400ha. Theo thống kê, khảo sát, diện tích đất thích nghi cho lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 12.000- 14.000ha, chủ yếu là trồng rừng phòng hộ ven biển thuộc các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng [16].
Một số văn bản pháp lý, tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện trong công tác bảo tồn ĐDSH VQG Xuân Thủy:
- Quyết định số 26/LN- KH ngày 19/1/1995, trao quyền từ Chính phủ cho Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) về việc phê duyệt nghiên cứu khả thi về kỹ thuật và kinh tế ở khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thủy.
- Quyết định số 479/QĐ- UB ngày 10/5/1995 của UBND tỉnh Nam Hà (nay là UBND tỉnh Nam Định) về việc thành lập Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thủy.
- Quyết định số 01/2003/QĐ- TTg ngày 2/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển hạng Khu BTTN đất ngập nước Xuân Thuỷ thành Vườn quốc gia.
- Quyết định số 872/2003/QĐ- UB ngày 24/4/2003 của UBND tỉnh Nam Định quyết định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của VQG Xuân Thủy.
- Quyết định số 126/QĐ- TTg ngày 2/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng được triển khai tại VQG Xuân Thủy.
- Quyết định số 1010/QĐ- BNN- TCLN ngày 7/5/2013 của Tổng cục Lâm nghiệp về việc phê duyệt phương án chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng tại VQG Xuân Thủy.
- Công văn số 1343/ĐTCB ngày 1/10/1989 của Uỷ ban khoa học nhà nước về việc UNESCO công nhận bãi bồi Xuân Thủy gia nhập công ước Ramsar.
- Công văn số 302/KG ngày 6/8/1998 của văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đồng ý khoanh vùng cửa sông Hồng tỉnh Nam Hà đăng ký gia nhập công ước Ramsar.
- Công văn số 2048/BNN- KL ngày 31/7/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển hạng khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thủy thành VQG Xuân Thủy .
- Báo cáo số 183/VP3 ngày 6/12/2002 của UBND tỉnh Nam Định xác định ranh giới vùng lõi và vùng đệm của VQG Xuân Thủy để trình trước Thủ tướng chính phủ và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Văn bản số 4822/BNN- KL ngày 24/12/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng diện tích vùng đệm của VQG Xuân Thủy.
- Chiến lược quản lý tổng hợp vùng ven bờ tỉnh Nam Định, xác định việc bảo tồn và phát triển VQG cũng là chủ điểm quan tâm của chiến lược.