Các số liệu thu thập được tại vườn quốc gia Xuân Thủy được tổng hợp xử lý trên phần mềm: Word 2003, Excel 2003.
Phần 4
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 4.1. Giới thiệu về VQG Xuân Thủy
4.1.1. Khu vực VQG Xuân Thủy
- VQG Xuân Thủy nằm ở phía nam cửa sông Ba Lạt, bao gồm phần bãi trong của Cồn Ngạn, Cồn Lu, Cồn Xanh. VQG này có vị trí rất thuận lợi và tầm quan trọng quốc tế được công nhận là một khu Ramsar – một khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước. VQG Xuân Thủy là Ga chim quan trọng đối với dòng chim di trú quốc tế. Tháng 1/1989, Việt Nam trở thành thành viên thứ 50 của thế giới tham gia công ước Ramsar và vùng bãi bồi ở phía Nam cửa sông Hồng thuộc VQG Xuân Thủy được quốc gia công nhận là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam. Tháng 10/2004, Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục của UNESCO đã công nhận VQG Xuân Thủy là vùng lõi số một của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Được đứng tên vào danh sách các khu Ramsar trên thế giới đã khẳng định tầm quan trọng quốc tế đối đặc biệt của VQG Xuân Thủy. Không những thế VQG Xuân Thủy nằm trong hệ thống các VQG của Việt Nam và là vùng tiêu biểu cho HST ĐNN cửa sông ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng [3].
- VQG Xuân Thủy đã thống kê được tổng số 192 loài thuộc 145 chi của 60 họ thực vật có mạch. Lớp hai lá mầm có số loài, chi và họ nhiều nhất, 135 loài (chiếm 70,3% tổng số loài) thuộc 47 họ. Ngành dương xỉ có số loài chiếm tỷ lệ thấp nhất, 8 loài (4,1%) thuộc 6 chi của 5 họ. Các loài thuộc lớp một lá mầm có 49 loài (25,5%) thuộc 8 họ. Chúng là những loài có số lượng cá thể lớn trong các bãi cỏ [3].
- Thảm thực vật đa dạng, có 8 kiểu sống khác nhau xuất hiện ở vùng đệm và vùng lõi VQG, mỗi nơi sống có một quần xã thực vật đặc thù như: quần xã Cỏ cáy - Cỏ ngạn sống trên các bãi bùn đang hình thành; quần xã Vạng hôi - Tra - giá mọc trên các vùng đất cao hay ven bờ đầm nơi ít chịu tác động của thủy triều; quần xã Cà độc dược - Thầu dầu mọc trên vùng đất cao ở mái đê, nơi không chịu hay chỉ chịu tác động của thủy triều; quần xã phi
lao - Quan âm; quần xã cỏ xoan; quần xã cói; quần xã sú, bần, mắm, ô rô và quần xã rừng trồng trang [3].
- Động thực vật nổi: Thực vật nổi gồm 112 loài thuộc 43 chi, 20 họ của 6 ngành tảo lớn như tảo Mắt, tảo Lục, tảo Giáp, tảo Lam, tảo Silic. Động vật nổi có 55 loài thuộc 40 giống như giáp xác nhiều nhất 31 loài (chiếm 91,8% tổng số), Polychaeta và Crystoflagellata là 2 loài có số lượng ít nhất là 1 loài.
- Động vật đáy tương đối phong phú, đã phát hiện được 154 loài bao gồm Giun đốt, Giáp xác Mười chân, Thân mềm chân bụng, Hai mảnh vỏ. Họ có nhiều loài nhất là Ocypodidae tới 26 loài (chiếm 16,88%), họ Grapsidae có 21 loài (chiếm 13,63%) [3].
- Côn trùng có 113 loài thuộc 50 họ của 10 bộ và đã định tên được là 98 loài. Cá có 114 loài, 45 họ, 14 bộ và có ưu thế là bộ cá Vược với 21 họ, 61 loài. Lưỡng cư gồm 13 loài (chiếm 15,85% số loài ở Việt Nam) thuộc 8 giống, 4 họ và 1 bộ. Bò sát gồm 24 loài (chiếm 9,3% số loài ở Việt Nam) thuộc 17 giống, 8 họ và 2 bộ [3].
- Theo điều tra bước đầu của Birdlife International (2006), ở VQG đã gặp 219 loài chim thuộc 41 họ và 13 bộ. Tiêu biểu là các loài bộ Hạc, bộ Ngỗng, bộ Rẽ và bộ Sẻ. Trong 13 bộ thì bộ Sẻ chiếm nhiều nhất tới 40%, sau đó là bộ Rẽ, bộ Hạc, bộ Sếu và bộ Sả. Trong VQG đã ghi nhận được 11 loài chim nguy cấp, sắp nguy cấp và gần bị đe dọa ở mức toàn cầu. Hai loài hiếm gặp là Cò mỏ thìa và Mòng bể mỏ ngắn, được coi là đỉnh của chuỗi dinh dưỡng đã có mặt trong VQG. Có thời điểm loài Cò thìa tại đây chiếm tới 20% số cá thể còn lại của thế giới. Loài Choi choi mỏ thìa là loài cực hiếm, hầu như chỉ thấy ở VQG và có lúc đã phát hiện trên 20 cá thể. Những năm gần đây chỉ còn thấy dăm ba cá thể vào mùa di trú. [3].