- Tỷ lệ người dân biết đến “Đa dạng sinh học” là 96,3% tổng số, tỷ lệ người dân không biết đến chiếm 3,7%. Đa số người dân đều hiểu đa dạng sinh học là sự phong phú, đa dạng về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên. Nhận thức của người dân về bảo tồn ĐDSH là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện, bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của các loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét độc đáo; là nuôi trồng, chăm sóc loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền.
- Nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm ĐDSH là: + Các tác động của tự nhiên: bão, lũ lụt, hạn hán,…
+ Khai thác tài nguyên quá mức, phá rừng, đánh bắt thủy sản,…
+ Hoạt động quản lý của nhà nước về ĐDSH thiếu hiệu quả (thiếu các chế tài xử lý vi phạm, lượng cán bộ ở các cơ quan còn ít nên chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý,…)
+ Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác: sự cạnh tranh giữa các loài, nhận thức của cộng đồng về bảo tồn tài nguyên ĐDSH còn thấp.
- Từ sự hiểu biết về bảo tồn ĐDSH và nguyên nhân làm suy giảm ĐDSH người dân đã hiểu được ý nghĩa của việc bảo tồn tài nguyên ĐDSH: là điều hòa khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và nhằm duy trì sự sống trên trái đất. Từ đó, người dân đã có những hoạt động bảo tồn ĐDSH là không khai thác, săn bắt các loài động, thực vật quý hiếm; một số người còn có những hoạt động bảo vệ và sử dụng có hiệu quả các vùng đất ngập nước.
- Qua công tác truyền thông từ đài phát thanh của xã, người dân cho biết những vấn đề đang được nhắc đến nhiều về bảo tồn ĐDSH ở địa phương và nguyên nhân dẫn đến những vấn đề đó là:
+ Cấm chặt phá rừng bừa bãi và săn bắt các loài động thực vật ở VQG. + Khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở VQG. + Bảo vệ các loài động thực vật ở VQG.
+ Tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở VQG. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn ĐDSH ở VQG.
+ Nguyên nhân: do ý thức của người dân chưa cao, vẫn còn những người dân chặt phá rừng bừa bãi, khai thác các nguồn tài nguyên quá mức, không hiệu quả. Do đời sống kinh tế còn hạn hẹp, khó khăn nên người dân đã săn bắt các loài động vật ở trong VQG và xâm lấn vào VQG đào, đắp làm hồ nuôi tôm, ngao.
- Luật đa dạng sinh học: Tỷ lệ người dân biết đến Luật đa dạng sinh học là 65,92%, số người dân không biết đến Luật đa dạng sinh học chiếm 34,08%. Người dân biết được tác dụng của việc ban hành Luật đa dạng sinh học là: nhằm bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam, khuyến khích phát triển bền vũng kinh tế - xã hội, giảm nhẹ các tác động của thiên nhiên như bão, lũ lụt, hạn hán,…. Người dân cũng biết được đối tượng áp dụng của Luật đa dạng sinh học là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động trực tiếp hoặc liên quan đến bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường ở địa phương. Nhưng, tỷ lệ người dân chưa biết đến Luật đa dạng sinh học cũng còn cao nên còn rất nhiều người chưa hiểu được tầm quan trọng, tác dụng của việc ban hành Luật và những đối tượng phải áp dụng Luật đa dạng sinh học.
- Đặc biệt, tại xã Giao Xuân người dân được tham gia học hỏi, nâng cao hiểu biết về ĐDSH từ Trung tâm học tập cộng đồng mà xã thành lập. Qua những khóa đào tạo, phổ biến những kiến thức liên quan đến ĐDSH, môi trường, nhận thức của người dân trong xã được nâng cao hơn nhiều so với trước, người dân đã ý thức được những hành động, việc làm của mình đã tác động, ảnh hưởng như thế nào tới môi trường sống, đời sống kinh tế của mình. Xã còn có mô hình thu gom rác thải, tập huấn phân loại rác thải tại các xóm, các hộ gia đình cho chị em phụ nữ và được người dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Bên cạnh đó, xã đã tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương về bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp, qua đó góp phần giảm thiểu rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực. Một trong những người dân đã thay đổi nhận thức của mình qua những lần học tập ở Trung tâm học tập cộng đồng là ông Hoàng Văn Thắng.Hai mươi năm trước, mọi người gọi ông là “ông vua bẫy chim”, nhưng bây giờ đã 60 tuổi, ông là một thành viên tích cực, có vai trò quan trọng trong CLB bảo tồn chim. Ông Thắng và một nhóm gồm 30 tình nguyện
viên, tất cả những người đánh cá, đã làm công tác bảo vệ VQG bằng cách tuần tra trên diện tích 100ha rừng ngập mặn thuộc xã Giao Xuân, cứ ba tháng một lần họ gặp cán bộ VQG XT để chia sẻ thông tin.Ông nói ngày trước ông đã sử dụng hàng trăm bẫy cho các loài chim khác nhau mỗi tối. Vì thế, đã kiếm được một khoản tiền đáng kể cho gia đình, nhưng từ lúc được nghe phổ biến ở Trung tâm học tập cộng đồng, ông nhận thấy những hành động của mình đang làm ảnh hưởng tới môi trường, nên ông đã từ bỏ nghề này. Ông còn nhắc nhở rằng: “Chúng ta cần bảo vệ các loài động vật hoang dã cho các thế hệ sau”.
- Cộng đồng địa phương các xã vùng đệm còn tham gia ký cam kết sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên VQG. Bà Đinh Thị Ngoan, 55 tuổi, một nông dân tại xã Giao Thiện đã thả một đàn trâu trong khu vực VQG, bây giờ đã dời đàn trâu về nhà và có thêm một khoản thu nhập từ sản xuất nấm. Qua những thông tin ĐDSH bà nghe được trên đài phát thanh của xã, bà đã biết rằng đàn gia súc có ảnh hưởng rất lớn đến VQG, nên đã quyết định dời chúng về bãi cỏ gần nhà. Mặc dù người dân vùng đệm đã hiểu, nhận thức được đa dạng sinh học là gì, ý nghĩa, tầm quan trọng của đa dạng sinh học và việc ban hành Luật đa dạng sinh học có tác dụng như thế nào với con người. Tuy nhiên, những hoạt động phát triển sinh kế của người dân đã tác động đến việc bảo tồn vùng đất ngập nước.Những hoạt động khai thác và sử dụng quá mức của người dân đang gây ra một số vấn đề nghiêm trọng với các vùng đất ngập nước: môi trường sống và di cư của nhiều loại sinh vật bị phá huỷ; đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên ĐNN bị suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng ĐNN; các loại chất thải ngày càng gia tăng; đánh bắt thuỷ hải sản bằng phương pháp có tính huỷ diệt; nạn chặt phá rừng ngập mặn, phá huỷ rạn san hô; chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt và thuốc trừ sâu, phân bón hoá học đổ ra các thuỷ vực làm ô nhiễm đất ngập nước này. Người dân còn thả tự do trâu và dê, chúng ăn các cây ngập mặn. Những hoạt động đó đã làm giảm tính đa dạng sinh học của vườn và môi trường sống của người dân bị suy thoái, ô nhiễm nhiều.