Các dữ liệu liên quan đến ngành: Mỗi ngành đều có những đặc điểm riêng của mình, gọi là đặc điểm ngành như: tính chất của các sản phẩm, quy trình kỹ thuật áp dụng, cơ cấu sản xuất, nhịp độ phát triển của các chu kỳ kinh tế, sự thay đổi công nghệ, cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành, khuynh hướng tiêu dùng tương lai,… Doanh nghiệp hoạt động trên thị trường đều mang những đặc điểm riêng của ngành và chịu ảnh hưởng bởi các biến động kinh tế liên quan tới ngành. Hơn nữa, hệ thống chỉ tiêu trung bình ngành là cơ sở tham chiếu để người phân tích có thể đánh giá, kết luận chính xác hơn về tình hình tài chính doanh nghiệp. Chính vì vậy, thu thập các thông tin liên quan đến ngành là cần thiết để nâng cao chất lượng phân tích tài chính.
Các thông tin quản lý trong doanh nghiệp: các chính sách của Công ty trong thời gian qua và các thông tin về pháp lý, kinh tế đối với doanh nghiệp (các thông tin mà các doanh nghiệp phải báo cáo cho các cơ quan quản lý như: tình hình quản lý, kiểm toán, kế hoạch sử dụng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp...). Các chính sách của Công ty như: chính sách bán hàng, chính sách tín dụng thương mại, chiến lược maketing,… đều có ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, những ảnh hưởng đó được tổng hợp và thể hiện trên báo cáo tài chính. Do vậy, thu thập thông tin quản lý về doanh nghiệp sẽ giải thích cặn kẽ hơn nguyên nhân biến động của các khoản mục, chỉ số tài chính trong báo cáo tài chính.
Các thông tin quản lý khác: những thông tin chung về thị trường (thông tin liên quan đến trạng thái nền kinh tế, cơ hội kinh doanh, chính sách thuế, lãi suất) sẽ là những bổ sung cần thiết để những lý giải trong phân tích tài chính hợp lý và thuyết phục hơn.
Phương pháp phân tích - Phương pháp so sánh
Phương pháp so sánh trong phân tích tài chính là so sánh giữa các số liệu kế toán hoặc chỉ tiêu tài chính với điều kiện các số liệu, chỉ tiêu dùng để so sánh phải phù hợp về yếu tố không gian, thời gian, cùng nội dung kinh tế, đơn vị đo lường, phương pháp tính toán. Phương pháp so sánh có hai hình thức: So sánh tuyệt đối và so sánh tương đối. So sánh tuyệt đối dựa trên hiệu số của hai chỉ tiêu so sánh là chỉ tiêu kỳ phân tích và chỉ tiêu cơ sở. So sánh tương đối là tỷ lệ (%) của chỉ tiêu kỳ phân tích so với chỉ tiêu gốc để thể hiện mức độ hoàn thành hoặc tỷ lệ của số chênh lệch tuyệt đối với chỉ tiêu gốc để nói lên tốc độ tăng trưởng. Phương pháp so sánh có thể thực hiện như sau:
- So sánh giữa số thực hiện trong kỳ này với số thực hiện kỳ trước để thấy rõ xu hướng thay đổi về tài chính doanh nghiệp. Đánh giá sự tăng trưởng hay thụt lùi trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- So sánh giữa số thực hiện với số kế hoạch để thấy rõ mức độ phấn đấu của doanh nghiệp.
- So sánh giữa số liệu của doanh nghiệp với số liệu trung bình ngành của các doanh nghiệp khác để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp mình tốt hay xấu, được hay chưa được.
- So sánh theo chiều dọc để xem xét tỷ trọng của từng chỉ tiêu so với tổng thể, so sánh chiều ngang của nhiều kỳ để thấy được sự biến đổi cả về số lượng tương đối và tuyệt đối của một chỉ tiêu nào đó qua các niên độ kế toán liên tiếp.