Tình hình nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng và thử nghiệm giải pháp xử lý vi sinh bã dong riềng ở Bắc Kạn làm thức ăn cho lợn địa phương. (Trang 34)

Việc xử lý các loại bã thải của chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp nói chung, phế phụ phẩm chế biến các loại củ nói riêng đã được nhiều nhà khoa học trong nước quan tâm từ lâu. Trong đó bã sắn là đối tượng được tập trung nghiên cứu nhiều hơn.

Bã sắn có những hạn chế cơ bản đã được chỉ ra qua nghiên cứu của các nhà khoa học. Nguyễn Xuân Trạch, (2003) [14] cho biết bã sắn khô có hàm lượng protein rất thấp (2-3%), hàm lượng tinh bột 5-8%, hàm lượng xơ thô cao 16 - 20%, chứa độc tố HCN ở mức 0,009 % dễ gây ngộ độc cho vật nuôi. Hàm lượng lysine, methionine và tryptophan trong sắn rất thấp, trong một số loại sắn hoàn toàn không có các axit amin này. Sắn cũng chứa hàm lượng vitamin, khoáng và lipit rất thấp nên cần bổ sung các chất trên khi khẩu phần có nhiều sắn và sản phẩm từ sắn. Tuy nhiên bã sắn còn có tinh bột, dễ bị lên men chua nên có thể cho trâu bò ăn với lượng 10-15kg/con/ngày.

Bã sắn tươi chứa tới 88 - 90% nước, khi ủ đống tự nhiên sẽ tự lên men chua rất mạnh do sự chuyển hóa tinh bột thành axit hữu cơ, nên có thể tự bảo quản được một khoảng thời gian nhất định. Ở một số cơ sở người ta đưa bã sắn tươi xuống hố để tránh mất nước, duy trì độ chua bảo quản. Khi bị mất nước hoặc phơi khô không đảm bảo điều kiện thì bã sắn dễ nhiễm nhiều mốc tạp và bị phân hủy gây thối. Để sử dụng bã sắn làm thức ăn và góp phần giải quyết bài toán môi trường, từ lâu các nhà khoa học trong nước đã tập chung nghiên cứu sử dụng bã sắn làm thức ăn chăn nuôi trâu bò thông qua các kỹ thuật ủ men vi sinh (Hoàng Thanh Vân, 2002 [16]); Nguyễn Xuân Bả và cs, 2008 [1]; Mai Thị Thơm và Bùi Quang Tuấn, 2006 [13] Nguyễn Hữu Văn và cs, (2008)[15]; Nguyễn Hải Quân và Nguyễn Xuân Bả, 2009[8] kỹ thuật ăn tươi(Trương Tấn Khanh, 2012[4]… Các nghiên cứu đã rút ra kết luận về khả năng và mức độ sử dụng bã sắn để nuôi trâu bò có hiệu quả. Nhiều tác giả

cũng tập trung nghiên cứu sử dụng bã sắn nuôi lợn (Len và cs. 2009 [30], Ngọc và cs. 2011 [32].

Bã dong riềng cũng có các đặc tính giống bã sắn, nhưng tỷ lệ xơ cao hơn. Các nghiên cứu về sử dụng bã dong riềng làm thức ăn hầu như chưa được đề cập tới, ngoại trừ một vài nghiên cứu gần đây. Hoàng Toàn Thắng và cs, (2011)[9] ở Viện Khoa học sự sống (KHSS)- Đại học Thái Nguyên, đã thử nghiệm 4 công thức chế biến bã dong riềng ủ Ure + NaCl. Qua nghiên cứu đã rút ra được 2 công thức ủ có giá trị tốt để bảo quản và duy trì các thành phần dinh dưỡng trong khối ủ. Trần Trang Nhung và cs, (2011)[6] đã nghiên cứu hiệu quả bổ sung bã dong riềng ủ ure tới sinh trưởng bò thịt và cho biết bò ăn thêm được 3-5 kg bã ủ/con/ngày, tăng khối lượng toàn kỳ đạt 14,8 kg/con trong khi đối chứng chỉ đạt 9,2kg/con. Ngoài ra, Viện KHSS cũng đã thử nghiệm 4 công thức ủ VSV với bã dong riềng tươi để đánh giá các chỉ tiêu biến đổi thành phần khối ủ và khả năng kéo dài bảo quản mà vẫn bảo tồn các thành phần dinh dưỡng.

Các kết quả nghiên cứu trên góp phần khẳng định giá trị làm thức ăn chăn nuôi của bã thải và cũng là mong muốn góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do sự phân hủy nguồn bã thải này gây ra. Tuy nhiên, mức độ sử dụng làm thức ăn và ý nghĩa cải thiện môi trường của các giải pháp trên còn rất nhỏ bé, khiêm tốn nên ít được vận dụng do tốn nhiều lao động và chi phí cao.

Để tận dụng nguồn bã dong, sắn làm thức ăn chăn nuôi và chống ô nhiễm môi trường, ở nhiều cơ sở chế biến tinh bột quy mô nhỏ và vừa, người ta tiến hành phơi bã trên sân dưới nắng mặt trời. Giải pháp này tiết kiệm năng lượng sấy nhưng rất tốn lao động thủ công đang ngày một khan hiếm, tốn nhiều diện tích sân phơi, mặt khác bã dong, sắn phơi nắng khô không đều, dễ bị nhiễm mốc tạp nên không bảo đảm vệ sinh khi dùng làm thức ăn, giá trị sản phẩm thấp.

Việc tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật để xử lý bã dong riềng làm thức ăn chăn nuôi cần phải đặt ra đúng mức để có thể đưa nguồn phụ phẩm này trở thành thức ăn hữu ích cho vật nuôi miền núi, góp phần khai thác các ưu thế tại chỗ và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do bã dong phân hủy gây nên.

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng và thử nghiệm giải pháp xử lý vi sinh bã dong riềng ở Bắc Kạn làm thức ăn cho lợn địa phương. (Trang 34)