Thực tiễn quản lý Nhà nước trong lĩnh vực CGCN còn nhiều bất cập

Một phần của tài liệu Nghiên cứu vấn đề thuế trong hoạt động khoa học và công nghệ (Trang 117)

d) Về sản phẩm và chất lượng sản phẩm.

2.4.2. Thực tiễn quản lý Nhà nước trong lĩnh vực CGCN còn nhiều bất cập

Ngoài việc ban hành chính sách và xác lập hành lang pháp lý cho CGCN, các nhà nước đều rất quan tâm đến việc bảo hộ về mặt nhà nước, bảo vệ về mặt nhà nước và định hướng cho CGCN để công tác quản lý nhà nước thực sự có hiệu quả trong CGCN. Về mặt này, nhà nước ta làm còn yếu với nhiều bất cập.

Bảo hộ về mặt nhà nước: Một trong những thuộc tính cơ bản của công nghệ là công nghệ có tính thông tin, một phần lớn các trường hợp CGCN tiên tiến nhất, hiện đại nhất là chuyển giao thông tin về các đối tượng sở hữu công nghiệp (như: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá). Trừ trường hợp người có công nghệ muốn công nghệ được phổ biến rộng rãi để mọi người được sử dụng công nghệ không mất tiền, còn thì hầu hết các công nghệ có giá trị đều được bảo vệ bằng hai cách: 1) Xác lập quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp (như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá) và được nhà nước bảo hộ nghiêm túc; 2) Giữ bí mật các giải pháp không được Nhà nước bảo hộ như: bí quyết (Know – how), thiết kế, công thức, quy trình, cẩm nang … Ở ta hiện nay, công tác bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung còn kém: xâm phạm sở hữu công nghiệp ít bị phát hiện, từ khi phát hiện đến khi xử lý rất lâu và không đến nơi đến chốn, nói chung là xử lý rất nhẹ, chưa kể những trường hợp nhân viên các cơ quan công quyền còn thông đồng với người xâm phạm. Do đó, hàng nhái, hàng giả rất sẵn và lưu thông dễ dàng trên thị trường (ví dụ: các nhãn bị làm giả như AKAI, CRAVEN, CLEAR, COFFEE-MATE, COCA-COLA, DIANA, Bia HÀ NỘI … , trong các Công ty xâm phạm có cả những Công ty lớn, như: Cafe TN...). Vì vậy, CGCN cũng bị ảnh hưởng rất rõ rệt như nói ở phần sau.

Bảo vệ về mặt Nhà nước: Trong CGCN, mặc dầu đã “tự do hoá”, nhưng mỗi quốc gia đều đưa ra một số chuẩn mực tối thiểu để hướng đến các mục tiêu, đồng thời, tạo ra các giới hạn nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Các mục tiêu và các giới hạn đó thường là: 1) Nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất, dịch vụ (tạo ra những sản phẩm mới hoặc sản phẩm có chất lượng mới, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, nhiên liệu …); Nâng cao trình độ nguồn nhân lực và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; 2) Bảo vệ môi trường (chống ô nhiễm: đất, nước, khí, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái lành mạnh, bảo vệ đa dạng sinh học …); 3) Bảo vệ an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp. Đồng thời, đưa ra một số điều kiện giới hạn (không nên hoặc không được có trong Hợp đồng CGCN), như: Điều khoản cấm hạn chế xuất khẩu (tie-out), Điều khoản cấm “bắt mua kèm” (tie-in), Điều khoản gò vào chính sách giá của Bên giao, Điều khoản hạn chế sản lượng, Điều khoản cấm cải tiến, phát triển công nghệ, Điều khoản cấm nghi ngờ hoặc tranh cãi về quyền sở hữu công nghiệp của Bên giao, Điều khoản cấm sử dụng công nghệ sau thời hạn Hợp đồng, Điều khoản đòi hỏi phải phân biệt đối xử giữa các nhóm người tiêu dùng sản phẩm, … Ở Việt Nam, việc “bảo vệ về mặt Nhà nước” đã được nói tới rất nhiều, nhưng trong quản lý nhà nước, nó chưa được đặt ra một cách chặt chẽ và càng không được duy trì thường xuyên, không có theo dõi, tổng kết và dường như càng ngày càng bị lu mờ dần. Kết quả là cả trong đầu tư trực tiếp của nước ngoài và trong các doanh nghiệp “thuần tuý của người Việt Nam”, ta thấy có rất nhiều diễn biến bất lợi do CGCN mang lại.

Nhà nước định hướng và hướng dẫn CGCN : Trong CGCN, các cơ quan có chức năng của Nhà nước có thể và cần phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp về các mặt: 1) Đào tạo cán bộ có trình độ, nghiệp vụ về công nghệ và CGCN, 2) Hướng dẫn các phương pháp đánh giá công nghệ; 3) Hướng dẫn các phương pháp phân tích tài chính cho các Dự án CGCN; 4) Hướng dẫn các phương pháp và kỹ năng đàm phán, soạn thảo Hợp đồng CGCN; 5) Hướng dẫn các phương pháp tính toán hiệu quả kinh tế để xác định phí CGCN; 6) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hợp đồng CGCN, vv và vv … Những điều nay là cực kỳ cần thiết đối với một nước phát triển ở trình độ thấp, dân trí còn chưa cao như nước ta.

Ngoài ra, trong mỗi kế hoạch 05 năm hoặc trong mỗi nhiệm kỳ của cấp uỷ và chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có thông qua “Chiến lược kinh tế, xã hội”. Đó là một dịp để ta định hướng “phát triển trên cơ sở công nghệ” và kiểm điểm lại kết quả của sự phát triển trên công nghệ khoá trước.

Nhưng tất cả những điều trên, Nhà nước ta chưa làm được bao nhiêu, nếu có làm thì chỉ là hiện tượng cá biệt chứ chưa trở thành một hiện tượng phổ biến, có nội dung, phương pháp nhất quán, chưa trở thành nề nếp thường xuyên, chưa có sơ kết, tổng kết, đánh giá mặt “được”, mặt “chưa được” để rút kinh nghiệm.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu vấn đề thuế trong hoạt động khoa học và công nghệ (Trang 117)