Hiện nay, trong hệ thống các chính sách vĩ mô quản lý và phát triển khoa học và công nghệ chúng ta mới có văn bản “Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam
đến năm 2010” (Ban hành kèm theo Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg ngày
31/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản này gồm 04 phần: I/ Thực trạng KH&CN Việt Nam dài hơn 3 trang; II/ Bối cảnh cơ hội và thách thức đối với sự phát triển KH&CN Việt Nam, dài 2 trang; III/ Quan điểm và mục tiêu phát triển KH&CN đến năm 2010, dài 2,5 trang; IV/ Nhiệm vụ trọng tâm phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2010, dài 5 trang, vì xác định thời gian cho chiến lược này chỉ có 07 năm là quá ngắn đối với một vấn đề chiến lược, đồng thời những vấn đề nêu ra lại quá chung chung nên việc quán triệt và triển khai là rất khó và cũng khó đánh giá nó đã được triển khai như thế nào, cơ quan nào được giao nhiệm vụ đánh giá một cách khách quan nên tác dụng của nó còn khá hạn chế …).
Các quan điểm phát triển, các cam kết chính sách từ phía Nhà nước được thể hiện chủ yếu mang tính nguyên tắc tại các Văn kiện của Đảng, các Bộ luật liên quan đến khoa học và công nghệ (Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ…). Một hệ thống chiến lược, chính sách phát triển công nghệ theo đúng nghĩa về cơ bản chưa được hình thành. Các đòi hỏi sau đây của sự sinh tồn và phát triển của đất nước, của thực tiễn cuộc sống tạo ra tính tất yếu khách quan của việc xây dựng và triển khai một hệ thống chính sách thu hút chuyển giao công nghệ đồng bộ trong thời gian sớm nhất.
1.2.3.1. Yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập
Cho đến nay, tăng trưởng kinh tế ở nước ta vẫn chủ yếu là tăng trưởng “chiều rộng”, dựa vào quy mô tài sản cố định và số lao động, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu thô hoặc gia công đơn giản là chính. Tác động của những nhân tố như: đổi mới công nghệ, đổi mới máy móc, thiết bị, nâng cao trình độ công nghệ của người lao động còn rất mờ nhạt. Cụ thể, trong 112 ngành Kinh tế quốc dân, chỉ có 26 ngành có đóng góp từ 1% GDP trở lên (chủ yếu là những sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, khai khoáng, các sản phẩm công nghiệp sơ chế, các dịch vụ phục vụ tiêu dùng sử dụng nhiều lao động phổ thông). Có 21 ngành đóng góp từ 0,5% đến dưới 1% GDP thì chủ yếu là sản phẩm sơ chế và một số dịch vụ (chỉ có 5 ngành là: sản xuất ô tô, xe máy, xe đạp và phụ tùng, máy móc thiết bị điện và dệt không nằm trong số đó nhưng chủ yếu là do đầu tư nước ngoài). Vì vậy, hiệu quả kinh tế
của các ngành hiện còn rất thấp, chậm được cải thiện và đang có xu hướng,… giảm dần. Tỷ trọng giá trị gia tăng trung bình của các ngành/tổng sản lượng đã giảm từ khoảng 45% (năm 1999) xuống còn khoảng 41% (năm 2007). Nếu tính cùng thời điểm phát triển tương đương thì tỷ trọng này của nước ta thấp hơn của Trung Quốc (năm 1998) và Indonexia (năm 1999) chỉ tương đương với Philippin (năm 1994) và Thái Lan (năm 1986). Bình quân một lao động trong công nghiệp chế biến của nước ta chỉ tạo ra 3.557 USD giá trị gia tăng, bằng 1/2 của Trung Quốc, 1/3 của Indonesia, 1/4 của Thái Lan và Philippines và 1/5 của Malaixia. Chính vì giá trị gia tăng quá thấp, trong khi nền kinh tế của ta phải nhập hầu hết trang thiết bị, nguyên vật liệu cơ bản, linh kiện, phụ tùng, phụ kiện nên ta nhập siêu rất lớn: năm 2009, dự kiến xuất khẩu đạt 56 tỷ USD nhưng nhập khẩu tới 68,5 tỷ USD, tức là nhập siêu khoảng 12,5 tỷ USD bằng 22% giá trị nhập khẩu (Bảo Duy, 2009). Một điểm rất đáng lưu ý là ta cũng chưa tổ chức đánh giá về công nghệ một cách rộng rãi và cũng chưa có một phương pháp đánh giá công nghệ tương đối ổn định trong ngay cả các ngành chủ lực của nền kinh tế, cho nên, đến nay trong hầu hết các ngành, ta vẫn không biết rõ là công nghệ của ta lạc hậu như thế nào, do những yếu tố nào là chính và nên khắc phục như thế nào. Trong khi ta đang lúng túng như vậy thì các nước quanh ta vẫn không ngừng tiến bộ về công nghệ và khoảng cách giữa ta với họ về công nghệ đang ngày càng “doãng ra”.
Tóm lại, vì chưa có hệ thống chính sách công nghệ quốc gia hoàn chỉnh với những tác động tất yếu của nó nên các sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam có sức cạnh tranh rất yếu. Hầu như không có mặt hàng nào, dịch vụ nào mà giá cả của ta ngang bằng với các nước. Do đó, người lao động Việt Nam làm việc cật lực nhưng thu nhập vẫn vào loại thấp trên thế giới.
1.2.3.2. Yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia ttrong hoạt động CGCN
CGCN ngày càng trở nên phổ biến không gì cưỡng lại được trên toàn thế giới. Bên cạnh các lợi ích rõ ràng thu được từ các hoạt động này, CGCN cũng có thể có những mặt tiêu cực không thể bỏ qua mà nếu không được quan tâm đúng mức, nó cũng sẽ gây thiệt hại rất lớn. Ở Việt Nam chúng ta, những ví dụ về những tác hại của CGCN có thể kể ra rất nhiều: hàng loạt Nhà máy ươm tơ của Liên hiệp
dâu tằm tơ Bảo Lộc (Lâm Đồng) nhập mất hàng trăm triệu USD nhưng phải đóng cửa vì không thích hợp với tơ tằm Việt Nam; hơn 30 Nhà máy đường cỡ nhỏ của các địa phương nhập từ Trung Quốc hết gần 1 tỷ USD nhưng cũng cơ bản không dùng được vì hiệu suất thu hồi đường quá kém, tiêu hao vật tư năng lượng và gây ô nhiễm là quá nhiều; hàng loạt nhà máy thép cỡ nhỏ (lò cao dưới 300 m3, lò thổi ô xi dưới 20 tấn mẻ) do tiêu hao quá nhiều than, điện, nước làm mát nên giá thành không còn sức cạnh tranh, trong khi khí thải, bụi, nước thải phải xử lý đều cao hơn nhiều so với các thiết bị hiện đại (chẳng hạn, sản xuất 1 tấn thép ở Châu Âu thải ra 1,7 tấn CO2, còn ở Việt Nam thải ra 2,9 tấn CO2, nếu tất cả các dự án thép đã được cấp phép đều triển khai đúng cam kết thì năm 2020 Việt Nam sẽ thải ra 174 triệu tấn CO2, mỗi đầu người sẽ chịu 1,5 tấn CO2 và đưa Việt Nam vào danh sách những nước có lượng phát thải khí CO2 nhiều nhất thế giới.
1.2.3.3. Yêu cầu đồng bộ hóa chính sách đối với các yếu tố phát triển liên quan đến quan hệ đối ngoại
Trong thế giới ngày càng “phẳng” hiện nay, hoạt động dịch chuyển vốn, tiền tệ, ngoại hối, hoạt động chuyển giao công nghệ và hoạt động trao đổi, mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ là ba hoạt động giống như ba dòng thác đã lan tràn khắp thế giới một cách mạnh mẽ, sâu sắc chưa từng thấy và đang không ngừng lớn mạnh từng ngày. Trên bình diện vĩ mô, ba loại hoạt động đó phải được điều chỉnh một cách có phương pháp để mỗi loại hoạt động luôn luôn phát triển lành mạnh và ba loại hoạt động luôn luôn phát triển hài hòa với nhau, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ và vững chắc của đất nước. Ở Việt Nam, hiện tại, với loại hoạt động thứ nhất (hoạt động dịch chuyển vốn, tiền tệ và ngoại hối) đã được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và từ lâu đã có chính sách về tài chính – tiền tệ, ngoại hối rõ ràng, được cụ thể hóa trong hàng loạt Văn bản pháp quy do Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước , Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Ủy ban tư vấn về chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Cơ quan chống rửa tiền, Ủy ban Chứng khoán nhà nước,… và nhiều cơ quan khác phối hợp làm tham mưu và quản lý. Với hoạt động thứ ba (hoạt động trao đổi, mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ) cũng từ lâu ta đã có chính sách thương mại (bao gồm chính sách Ngoại thương) với hàng loạt Văn bản pháp quy do Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), Bộ Tài chính, Tổng cục Hải
quan, Tổng cục Thuế và một loạt các Cơ quan khác phối hợp làm tham mưu và quản lý. Đặc biệt, từ khi ta gia nhập WTO (tháng 01/2007) và nhất là trong cuộc suy thoái, khủng hoảng hiện nay (2009), vấn đề chính sách trong hai lĩnh vực nói trên càng được các Cơ quan chức năng và Lãnh đạo nhà nước ta quan tâm, cập nhật. Hàng loạt Văn bản pháp quy và có tính chất pháp quy mới (các bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư, quyết định, công văn …) với số lượng lên đến hàng nghìn văn bản đã được ban hành và đang phát huy tác dụng trong thực tiễn.
Đối với hoạt động thứ ba (hoạt động chuyển giao công nghệ) là hoạt động đặc thù, có ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc đến cả hai hoạt động nói trên, lại chưa được quan tâm sát sao như vậy. Như vậy, ta hiểu rằng, ba hoạt động nói trên, trong chừng mực nhất định sẽ khập khiễng, không thể hài hòa (không thể phối hợp, bổ sung, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau) để đất nước phát triển mạnh mẽ và thuận lợi.
1.2.3.4. Yêu cầu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Hiện nay, đối với Việt Nam, dù muốn hay không thì CGCN cũng vẫn là nguồn công nghệ chủ yếu trong các ngành sản xuất, dịch vụ (vì ta còn thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực có đủ trình độ, thiếu trang thiết bị và kinh nghiệm nghiên cứu để tự tạo nguồn công nghệ, hơn nữa, theo Nhĩ Anh đã đề cập trong “Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm”, Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 03/11/2009 thì việc nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra sản phẩm có ý nghĩa thường cũng phải mất 5 đến 10 năm, như vậy là quá lâu và ta cũng chưa có “chính sách công nghệ quốc gia” mà một trong những chức năng của nó là thúc đẩy các nghiên cứu đi vào sản xuất sớm hơn). Trong tình hình đó, việc hoàn thiện chính sách về CGCN, về thực chất, là cốt lõi của chính sách chuyên môn hóa các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của quốc gia trên cơ sở lợi thế tuyệt đối và lợi thế tương đối. Chỉ trên cơ sở của chuyên môn hóa như vậy, ta mới hợp tác hóa hữu hiệu để được chia sẻ chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu với các dân tộc khác một cách xứng đáng. Nhưng, hiện tại, do chưa có một hệ thống chính sách CGCN cụ thể, đầy đủ nên thực tế đang diễn ra những nghịch lý: người Việt Nam chăm chỉ, cần cù, làm việc rất vất vả, nhưng bù lại được trả lương rất thấp (may gia công một chiếc áo sơ mi, ta chỉ được hưởng cỡ vài chục Cent, trong khi các Công ty sáng tạo mẫu mã đã có thương hiệu hoặc có mạng lưới phân phối mạnh
trên thế giới, họ có thể hưởng tới hàng chục, thậm chí hàng trăm USD); trong khi các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp ở các làng nghề đang thiếu “đầu ra” nghiêm trọng, thì các công ty đa quốc gia ở ngay trên lãnh thổ Việt Nam từ hàng chục năm nay, vẫn cố gắng sục sạo để tìm cách đặt mua các linh kiện, phụ kiện cho các ngành: dệt may, da giầy, cơ khí, điện tử, … nhưng đều thất vọng, vì các ngành công nghiệp phụ trợ của ta còn quá yếu, trong đó, có phần yếu của chính sách CGCN.
1.2.3.5. Yêu cầu phát triển nền công nghệ tự chủ, công nghệ nội sinh
Đành rằng, trong trước mắt, đối với nước ta, CGCN (nhập công nghệ) vẫn là nguồn công nghệ chủ yếu, vì điều kiện nghiên cứu - triển khai ở trong nước còn rất hạn chế. Nhưng như thế không có nghĩa là ta cam tâm chịu phụ thuộc mãi mãi vào công nghệ nhập của nước ngoài. Muốn không phụ thuộc, thì ngay từ bây giờ ta phải tính tới việc lựa chọn để nghiên cứu - thích nghi hóa, nghiên cứu - cải tiến hoặc nghiên cứu - sáng tạo để tiến tới có được những công nghệ ngày càng độc đáo, mang sắc thái riêng của ta trên cơ sở những công nghệ nhập khẩu. Điều đó có nghĩa là, ngay từ bây giờ, ta đã có nhu cầu về việc cho ra đời những hình thức khác nhau của các cơ sở nghiên cứu - triển khai để phục vụ cho việc thích nghi hóa và phát triển các công nghệ nhập. Làm việc đó, không thể tràn lan hay tùy tiện mà phải có lựa chọn, có trọng tâm, trọng điểm, có chương trình, kế hoạch cho từng thời gian.
1.2.3.6. Yêu cầu điều phối và phát triển các nguồn lực cho phát triển
Có một hệ thống chính sách về CGCN hoàn chỉnh, ta mới biết trong trước mắt và lâu dài ta sẽ cần những công nghệ nào, nhất thiết phải có những công nghệ nào, những công nghệ nào cần chuyển giao sớm, những công nghệ nào cần chuyển giao muộn hơn và mới có thể tìm hiểu thấu đáo là công nghệ nào thì chuyển giao từ những nước nào hoặc từ nhóm nước nào là có lợi nhất. Trên cơ sở đó, ta mới có thể chuẩn bị tương đối đủ những điều kiện để CGCN một cách “đại trà”, chủ động, có cân nhắc và do đó ít sai lầm cho một nền kinh tế mà hiện đã có 86 triệu dân và trong 10 - 15 năm nữa sẽ lên đến 100 triệu dân. Những điều kiện đó gồm có: điều kiện về hạ tầng để CGCN, điều kiện về chính sách tài chính để CGCN, điều kiện về nguồn nhân lực (nhất là nguồn nhân lực cao cấp) để CGCN và hàng loạt điều kiện khác
nữa (trong đó, có điều kiện là ngành ngoại giao phải bố trí lực lượng để “đi trước một bước” trong CGCN với những nước có công nghệ mà ta cần, bởi vì, CGCN theo đúng nghĩa của nó, luôn luôn là một hoạt động gồm có hai Bên).