Giọng điệu và ngôn ngữ của Dương Tường trong tạp luận 1 Giọng điệu

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp luận của Dương Tường (Qua khảo sát tập Chỉ tại con chích chòe) (Trang 79)

3.3.1. Giọng điệu

Theo Biện Minh Điền, Giọng điệu nghệ thuật với tư cách một phạm trù thẩm mỹ, một yếu tố có vai trò hết sức quan trọng trong cấu thành phong cách nhà văn là vấn đề đã được nhận ra từ lâu kể cả trong văn học phương Tây và văn học phương Đông. Nhiều bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra và chứng minh vai trò quan trọng của giọng điệu (tone) hay “văn khí”, “hơi văn”, “giọng văn” (cách gọi quen thuộc ở Trung Hoa và Việt Nam) không chỉ trong sáng tác mà cả trong nghiên cứu, tiếp cận tác phẩm văn học và phong cách cá nhân nhà văn. Cấu trúc cũng như tính loại hình của giọng điệu nghệ thuật đã được các tác giả nêu lên trong một số công trình của họ, tiêu biểu như M.Khrapchenkô với “Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học” (Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1978),

“Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực con người” (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984); M. Bakhtin với “Lý luận và thi pháp tiểu thuyết” (Bộ Văn hóa thông tin thể thao - Trường viết văn Nguyễn Du xuất bản, Hà Nội, 1992), “Những vấn đề thi pháp của Đôxtôiepxki” (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1993); Hoàng Ngọc Hiến với “Tập bài giảng nghiên cứu văn học” (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997); Trần Đình Sử với “Thi pháp thơ Tố Hữu” (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995), “Lý luận và phê bình văn học” (Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1996),v.v... bàn đến trên một số vấn đề hoặc về phương diện lý thuyết hoặc qua khảo sát những hiện tượng văn học cụ thể… [7]. Giọng điệu phụ thuộc vào cảm hứng chủ đạo, phụ thuộc vào bút pháp của nhà văn.

Như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu, tạp luận Chỉ tại con chích chòe

với khuynh hướng thiên về văn học, nghệ thuật nên tất yếu cũng có những biểu hiện riêng về giọng điệu.

Dương Tường triển khai tập tạp luận Chỉ tại con chích chòe với rất nhiều bài viết về nhiều vấn đề khác nhau, điều đó đồng nghĩa với giọng điệu của từng bài trong tập tạp luận cũng biến hóa theo từng chủ đề, từng bài viết mà tác giả thể hiện.

Trước hết, có thể thấy ở tập tạp luận, là giọng điệu nhẹ nhàng, trầm lắng. Đó là khi tác giả viết về những ngày tháng vào sinh ra tử, với những gian truân, những khó khăn không thể nào kể hết được trong những năm tháng thời bình: “Tôi đi lao động ở Mỏ Cẩm Phả hai tháng, sau đó đi lao động ở khu gang thép Thái Nguyên. Hết thời gian lao động cải tạo thì không được về Hà Nội mà vào làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, phân xã Nghệ An” [57, 100]. Đó là khi tác giả trải lòng về những người bạn, những người đồng chí cùng chung chí hướng trong đấu tranh, cũng như trong văn nghệ. Tuy vậy, khi có duyên ngồi lại đàm đạo chuyện đời, chuyện nghề thì những tri kỷ đó cũng đã đến tuổi gần đất, xa trời. Có thể thấy trong tập tạp luận, Dương Tường dành một phần dung lượng không nhỏ để đưa vào đó những bài điếu văn, những bức thư, những dòng tâm sự về người đã khuất,

đó là những nhà thơ Trần Dần, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Mạc Lân, nhà thơ Lê Đạt, họa sỹ Bùi Xuân Phái… Lúc ấy, giọng văn của Dương Tường trầm xuống, xót xa, đau đáu những kỷ niệm vui buồn đã qua với người bên kia mộ. Trong bài Nhất phiến tài tình Dương Tường “ghi vội ở lễ tang Trần Dần” có đoạn: “Trọn một đời sống cho thơ và vì thơ, đánh giá còn để ngỏ, sự nghiệp anh để lại cho đời đâu dễ gì đo được hết tầm trong một sớm một chiều…” [57, 33]. Trong Những phút cuối với Lê Đạt, tác giả cũng ghi lại những dòng cảm xúc thương tâm của mình: “Tôi nhìn đồng hồ (…) Rồi lao đến bệnh viện Việt - Đức. Phòng cấp cứu hồi sức. Bạn tôi nằm đó, hôn mê, một chút máu rỉ ra bên khóe miệng. Tôi nắm tay Đạt, bàn tay hồ như không còn sinh khí. Mấy năm nay, bạn bè đi nhiều quá.” [57, 56]. Dương Tường từng tuyên bố “thơ tôi cùng một dòng với Trần Dần, Lê Đạt”, đọc chia sẻ của ông với thực hiện tại của hai nhà thơ đã “về bên kia mộ” thấy thật là chua xót, dường như, tất cả theo nhau về cùng một thế giới, chỉ còn độc mỗi Dương Tường còn đậu lại bên này để tiếp tục lý tưởng cao cả trong văn học và trong nghệ thuật của mình cũng như của bạn bè.

Trước cái chết của những người anh em đồng chí, Dương Tường không tránh khỏi sự ngỡ ngàng, giọng văn trở nên sửng sốt: “Như thế anh đi… Mà anh có đi thật không nhỉ? Có thể tin là anh đã đi thật không? Như thường thế, trước những mất mát quá lớn người ta vẫn bướng bỉnh không muốn tin, không chịu tin chuyện đã xảy ra, dù đó là sự thật hiển nhiên nhất. Văn hào Nguyễn Tuân bỏ chúng ta đi ư? Không tin được” [57, 48].

Sau sự ra đi của những người bạn cùng chung lý tưởng ngày nào, Dương Tường cũng không thể quên được trong một sớm một chiều mà vẫn còn lưu luyến, ông viết bức Thư gửi về bên kia mộ với giọng điệu tâm tình nhẹ nhàng, tưởng như, người đã khuất vẫn còn nhận được những dòng ông viết, để rồi đồng cảm với tác giả và thương nhớ những ngày đã qua: “Anh Nguyễn, đêm nay nghỉ lại ở thành phố bên sông Tiền này, quê hương của Hồ Biểu Chánh, tôi bỗng thấy muốn viết cho anh một bức thư gửi về địa chỉ

bên-kia-mộ. Tôi xin được tiếp tục xưng hô với anh như sinh thời anh vẫn muốn thế, trong những buổi đám hậu sinh chúng tôi có dịp ngồi hầu rượu anh. Thấm thoắt vậy mà đã một năm trôi qua. Đoạn đường dọc theo Yết Kiêu, rẽ ngã tư Nguyễn Du, ngược lên vài chục mét tới cơ quan Hội Nhà Văn, một năm nay vắng bong ông già độc đáo ở căn gác ba, ngôi nhà số 90B Đại lộ Trần Hưng Đạo thụt sâu vào trong ngõ. Bà hàng bánh cuốn gần nhà Văn Cao, bữa nọ khi tôi cùng Nguyễn Mạnh Hùng ghé vào quán ăn sáng, chép miệng:

- Thấy các ông lại nhớ cụ Tuân. Quanh quẩn đã sắp giỗ đầu rồi đây. Phải, chỉ còn ít bữa nữa là tới ngày giỗ đầu anh. Cũng vì lẽ đó mà hôm nay tôi viết những dòng này gửi vào huyền nhiệm âm dương vũ trụ, may chăng tới được anh” [57, 52 - 53].

Khi viết về cố nhà văn Mạc Lân, giọng điệu của Dương Tường lại trở nên xót xa trước Người không có gì để lại, ông lặng đi trước hai chữ “trắng tay” của bạn mình. Mạc Lân trắng tay về của cải, ông cũng tay trắng trong sự nghiệp, cuộc đời thật là một chuỗi bi kịch dài đối với nhà văn tài hoa nhưng không có duyên phận này. Trong lễ tang Mạc Lân, Dương Tường viết lời điếu tiễn đưa người bạn một thời, đồng thời tóm lược lại cả một tuổi trẻ oanh liệt của những con người đã từng chung chí hướng: “Hôm nay đưa tiễn Mạc Lân, chúng tôi đồng thời cũng đưa tiễn tuổi trẻ của mình, cái tuổi trẻ của một thế hệ đã từng sống trong những ngày gấp ruổi không kịp lấy hơi suốt những chặng đường của Cách Mạng Tháng Tám và hai cuộc chiến tranh giữ nước, một thế hệ mà, mặc dù đôi lần lỡ bước, vẫn không hề nuối tiếc và, nếu như được sống lại những thời qua, ắt cũng sống đúng lòng mình nguyên vẹn như xưa” [57, 94,95].

Giọng điệu trong tập tạp luận cũng có lúc rất thân tình. Có thể bắt gặp giọng điệu thân tình của Dương Tường trong những bức thư, điểm đến của bức thư có thể là những người phụ nữ thoáng qua, những người bạn thân, hay thậm chí gửi về “bên kia mộ”. Dương Tường thể hiện trong đó sự gần

gũi về tâm hồn, về lý tưởng rất đỗi thiêng liêng. Trong Một lá thư ngỏ gửi Joan Baez Dương Tường thổ lộ: “Tôi không nghĩ rằng cô còn nhớ tôi. Ai hơi đâu mà bận tâm nhớ đến một anh chàng không có gì đặc biệt gặp trong thoáng chốc từ hai mươi năm trước và rồi sau đó chẳng bao giờ gặp lại nữa. Nhưng tôi dám cuộc là khung cảnh nơi chúng ta gặp nhau và những gì cô chứng kiến ngày hôm đó vẫn còn sống trong ký ức cô. Bởi tôi tin rằng một tâm hồn nhạy cảm như cô không dễ gì quên được những cảnh khủng khiếp như vậy. (…). Trong tâm trí tôi vẫn còn như thấy cô nức nở ghì chặt một bé gái mồ côi vào lòng, tưới đẫm nó bằng những dòng nước mắt nóng hổi. Xung quanh cô, những đống đổ nát loang lổ máu và vương vãi những mảnh thịt xương” [57, 465 - 466]. Thoạt tiên, đọc qua những dòng thư Dương Tường viết cho ca sĩ Joan Baez độc giả thoạt tiên thấy đó là nỗi ám ảnh của chiến tranh, nhưng không, dường như đó chỉ là những dòng thư với kỷ niệm, với sự thân tình của những người cùng chung chí hướng một thời, đó là đẩy lùi thế lực hung tàn để bảo vệ cuộc sống của những người dân vô tội, chính vì thế, mặc dù tác giả và nữ ca sĩ chỉ mới “gặp nhau thoáng chốc” và “chẳng bao giờ gặp lại nữa” thế nhưng hình ảnh Joan Baez với tình thương yêu và tấm lòng bảo vệ bao la đã khắc sâu vào tâm trí Dương Tường, khiến tác giả cứ day dứt, nhớ mãi.

Dương Tường vốn là một tác giả cá tính và rất đam mê, ông một khi đã bén duyên với lĩnh vực nào thì hẳn sẽ sống hết mình với nó. Điều đó dễ hiểu rằng trong tập tạp luận, Dương Tường nhiều lúc thể hiện bài viết một cách đầy mãnh liệt, đầy cảm xúc. Trong bài Một kiệt tác đời hồ như quên hẳn

Dương Tường hăm hở cùng với Mạc Lân tìm cách phục chế lại bài thơ năm nào của Hữu Loan sáng tác trong những năm kháng chiến. Tinh thần làm việc quên ngày tháng của ông chứng tỏ được đam mê cháy bỏng, mãnh liệt luôn thường trực trong trái tim đã ngoài tám mươi: “Mấy ngày liền, tôi đi xe ôm vào Cầu Giấy làm việc với Lân. Có đêm, rất khuya rồi Lân còn gọi điện ra: anh vừa nhớ ra cái đoạn mà hồi chiều chúng tôi bị vấp và chững lại” [57, 84].

Và khi hoàn tất việc phục chế bào thơ, Dương Tường hoan hỉ chia sẻ: “Được viết vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước - chắc chắn là sau chiến dịch Biên giới (1950) và trước chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) - với một xu hướng cách tân rõ rệt, trường ca “Tình Thủ đô” là một trong số những bài thơ tự do hiếm hoi trong Kháng chiến chống Pháp thoát hẳn khỏi ảnh hưởng của dòng Thơ mới (1939 - 1945). Tiết tấu hoạt, gân guốc, câu ngắn (thường chỉ hai, ba âm tiết), sắc gọn như mũi chông, hình tượng bất ngờ cắm phập vào cảm quan: “Đoàn Giải phóng quân đi/ Như gại dao trên đường nhựa… Nắng lóa tường vôi/ Chữ cào xương nhức nhối…”, những điểm chấm phá gợi cảm như tranh Seurat: “Mắt em biếc/ Một chiều xưa/ Quán Thánh/ Cổ Ngư/ Bạch Mai/ Bóng liễu/ Tháp Rùa…”. Ngoài giá trị nghệ thuật cao (…) bài thơ còn đặc biệt thân thiết với thế hệ chúng tôi bởi lẽ nói cách nào đó, nó là một phần của cái quá khứ mà bọn tôi vẫn coi là thời hoàng kim của cách mạng. Cùng với những câu thơ, khổ thơ được hồi nhớ, những kỷ niệm cũng trỗi dậy, chúng tôi như sống lại cả một thời xa xưa. Bài thơ gắn liền với tuổi trẻ của chúng tôi, những gã trai Hà Nội (…). Nói cách khác, nó đã thành một mảnh hồn của chúng tôi” [57, 84 - 85].

Giọng điệu đầy cảm xúc của Dương Tường còn được thể hiện qua

Những lần nghe Dương Thụ: “Dương Thụ của “Tiếng sóng”, “Hơi thở mùa xuân”, “Tìm biển”, “Cho em một ngày”, “Vẫn hát lời tình yêu”, “Họa mi hót trong mưa”… cảm thấy tận xương thịt cái mau qua của mùa xuân và nắng hạ, cái mong manh của hạnh phúc và những giờ vui.

Dương Thụ, như tôi thấy, cư ngụ ở vùng khát khao và mơ mộng, khởi đầu là độc hành và mãi mãi là kẻ độc hành.

Dương Thụ, người viết những ca khúc của một mô-tip đơn nhất trở đi trở lại day dứt như cuộc ái ân chưa trọn” [57, 458]

Trong Hồi ức về nhạc kháng chiến giọng điệu đầy cảm xúc của Dương Tường lại vẫn cứ trăn trở, ám ảnh trong ta những hoài niệm của mội thời xa vắng: “Đêm nọ, tôi mơ một giấc mơ như vậy. Một giấc mơ thuộc loại mà khi

tỉnh dậy, ta cảm thấy gần như cụ thể cái vị se se, ngai ngái của hoài niệm và tiếc nuối. Tôi đi giữa hai rặng bạch đàn. Hình như đó là mùa thu. Gió bứt từng chiếc lá ném xuống đất. Và mỗi chiếc lá khi chạm đất lại bật thành một câu ca. Phút chốc, trời bỗng đầy lời bài hát xao xuyến. Những bài hát thời kháng chiến chống Pháp. Tôi thức dậy, bồi hồi, xao xuyến. Những bài hát của những năm tháng đẹp nhất đời tôi.

“…Tôi vẫn hẹn hò một bài hát cũ…”

Và nơi hẹn là ở đâu như quanh vùng trái tim” [57, 411 - 412].

Thứ hai, giọng bộc trực mạnh mẽ, thẳng thắn, không nể nang, né tránh trong tranh luận, biện bác. Trong bài Bàn lại với Hoàng Trinh Dương Tường không ngại đưa ra thiếu sót của ông Hoàng Trinh: “Bên cạnh những nhận xét khá xác đáng về những yếu tố hiện thực khốc liệt trong tác phẩm của Faulkner cùng cái nhìn nghiêm khắc ông phóng dõi vào xã hội Mỹ, Hoàng Trinh đã có một số lầm lẫn, hẳn là vì không khảo sát tác phẩm trên nguyên bản như một nhà nghiên cứu nghiêm túc đáng lẽ phải làm thế, mà chỉ dựa vào tài liệu gián tiếp bằng ngôn ngữ thứ ba, do đó dẫn đến ngộ nhận về thiên tài phức tạp Faulkner” [57, 210 - 211]. Hay trong bài Đính chính hộ giáo sư Hoàng Nhân Dương Tường nhận xét bài viết “Sự đổi mới nghệ thuật viết của nhà văn hiện đại Pháp Georges Perec” của Giáo sư là “Bài viết có nhiều chỗ sai” và “Xin được đính chính hộ tác giả một vài điểm” [57, 254]. Trong bài

Tạm góp ý với ông Trần Mạnh Hảo Dương Tường góp ý: “Tôi vừa đọc bài “Nhân đọc Bóng Chữ, bàn về chữ và nghĩa trong thơ” của ông đăng trong tạp chí Văn nghệ quân đội” số tháng 7-1994. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên và thực thà không hiểu làm sao người ta có thể bàn luận học thuật với một phương pháp phi học thuật như vậy, một trình độ kiến thức lỗ mỗ và một thái độ chủ quan đến thế. Nay xin mạo muội góp với nhà thơ một vài ý kiến về những lầm lẫn thuộc loại “chữ và nghĩa” của ông” [57, 260].

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp luận của Dương Tường (Qua khảo sát tập Chỉ tại con chích chòe) (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w