Về một số nghành nghệ thuật khác

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp luận của Dương Tường (Qua khảo sát tập Chỉ tại con chích chòe) (Trang 55)

Trong tập tạp luận, Dương Tường còn phần nào cho thấy những kiến thức, quan điểm và đề xuất của ông về một số vấn đề của một số nghành nghệ thuật khác.

Nghệ thuật là đối tượng nghiên cứu trung tâm, đối tượng khám phá quan trọng nhất của Mỹ học. Nghệ thuật là hoạt động sáng tạo theo nguyên tắc của cái đẹp, là lĩnh vực sáng tạo đa dạng gồm nhiều loại hình: hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, múa, văn học, âm nhạc… Trong mỹ học và lý luận văn học, từ nghệ thuật được dùng để chỉ một hành động sáng tạo mang tính đặc thù với mục đích sáng tạo ra những cái đẹp lảm thỏa mãn nhu cầu thẫm mĩ cho con người mang ý nghĩa sâu sắc.

Nghệ thuật là gì, theo Lev Tolstoy (1828-1910) trong tác phẩm Nghệ thuật là gì? được xuất bản năm 1896 đã định nghĩa “nghệ thuật như một hình thức truyền đạt các cảm xúc mà một người đã trải qua tới những người khác, khiến cho những người này cũng bị lây nhiễm các cảm xúc đó và thấy như mình cũng trải qua những kinh nghiệm đó”

Trong cuốn Bốn bài giảng Mỹ học của Lý Trạch Hậu, tác giả có luận bàn về “Nghệ thuật là gì?”. Theo Lý Trạch Hậu, “Mỹ học hiện đại rất ít nghiên cứu vấn đề siêu hình như “bản chất của cái đẹp”, mà chủ yểu tập trung vào nghiên cứu nghệ thuật và thẩm mỹ. Nghiên cứu thẩm mỹ cũng chủ yếu là thông qua nghệ thuật (tác phẩm và lịch sử nghệ thuật) mà nghiệm chứng và tiến hành. Nhưng cho đến nay vấn đề nghệ thuật là gì, cái gì được coi là tác phẩm nghệ thuật, một vấn đề có vể như rất giản đơn này, cũng vẫn

là mỗi người nói một phách, không có một quan niệm chung, năm cha bảy mẹ, không ai giống ai. Có một số nhà phân tích ngôn ngữ cho rằng từ “nghệ thuật” bao hàm nhiểu nghĩa quá, cho nên tự nó không có ý nghĩa nữa, chủ trương dứt khoát thủ tiêu cái từ “nghệ thuật” ấy đi, chỉ dùng những từ cụ thể như âm nhạc, múa nhảy, để thay thế nó. Thế nhưng cái từ “nghệ thuật” ấy lại không thể bỏ đi được, hàng ngày mọi người đều sử dụng đến nó và nghiên cứu lý luận về nó. Điều đó làm cho mấy nhà phân tích đành bó tay. Bài giảng này tôi tạm thời quy định nghệ thuật (art) trong phạm vi ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật cụ thể (work of art), tức là khi nói, nghệ thuật là gì? Nghệ thuật là tên gọi chung của tất cả tác phẩm nghệ thuật các loại. Vậy thì tác phẩm nghệ thuật là gì? Tác phẩm nghệ thuật là chỉ từng sản phẩm cụ thể như điêu khắc, hội họa, điện ảnh, âm nhạc, múa nhảy, vở diễn và văn học (thơ, văn xuôi)... Một bức tranh, một bản nhạc, một bài thơ, một công trình kiến trúc... Đó là những tác phẩm nghệ thuật” [13].

Trong tập tạp luận Chỉ tại con chích chòe Dương Tường đã thực hiện một nghiên cứu khá công phu về Nghìn năm mỹ thuật Việt Nam. Bài viết này đánh giá nền mỹ thuật dân tộc trên nhiều phương diện: lịch sử, văn hóa… Bài viết ngoài tác dụng “bênh vực”, đòi lại công bằng cho nền mỹ thuật Việt Nam trước sự ngộ nhận của giới nghiên cứu phương Tây rằng nền mỹ thuật Việt Nam chỉ là một phái sinh của nền văn mình Trung Hoa, Ấn Độ thì nó còn cho thấy sự nghiêm túc của tác giả trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, để nhằm đưa đến cho người đọc một công trình có chất lượng về tổng quan nền mĩ thuật nước nhà. Dương Tường viết: “tôi muốn khẳng định lại một điều đã từng gây ngộ nhận kéo dài trong giới nghiên cứu ở phương Tây”. Mở đầu, tác giả đã mạnh dạn đề cập đến quan điểm của mình, ông cho rằng: “Nhiều học giả phương Tây đã nhìn nhận mỹ thuật cổ Việt Nam như là một phái sinh của văn mình Trung Hoa hay Ấn Độ, hoặc một hệ quả hỗn hống của cả hai. Điều đó gây thiệt thòi cả cho vị trí của văn hóa và mỹ thuật cổ Việt Nam, cả cho nhân loại bởi không biết đến giá trị thực sự của nền mỹ thuật

này”. Dương Tường đề xuất suy nghĩ của mình, rằng nền mỹ thuật cổ Việt Nam cũng có những giá trị riêng, nó không phải là một phái sinh, hay chỉ là một quá trình sao chép từ bất kỳ một nền văn minh nào khác. Theo Dương Tường, nền mỹ thuật cổ Việt Nam hoàn toàn có thể sánh ngang với các nền mỹ thuật khác trong khu vực, “ít nhất cũng tương tự như mỹ thuật cổ Nhật Bản và Triều Tiên trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc”. Dương Tường công nhận: “Việt Nam mắc nợ hai nền văn minh lớn kể trên, cũng như sau này mắc nợ thêm văn hóa Pháp, điều đó chúng ta không bao giờ phủ định”, tuy nhiên ông cũng chỉ ra rằng: “song như vậy không có nghĩa văn hóa Việt Nam là một bản sao của những nền văn hóa kia. Trong lịch sử lâu dài của mình, văn hóa Việt Nam đã vượt qua tổng cộng hơn một nghìn năm đô hộ Tây - Tàu để tồn tại, chẳng những không mất đi bản sắc riêng mà còn giàu thêm là đằng khác. Đó là nhờ nó biết hấp thụ có chọn lọc và tiêu hóa những tinh hoa của những nền văn hóa khác mà nó từng tiếp xúc. Nói cách khác nó có bộ tiêu hóa tốt, đặc trưng của những nền văn hóa dồi dào sức sống” [57, 382 - 383].

Trong phần Mỹ thuật, Dương Tường đã góp phần chỉ ra những đặc điểm, phong cách sáng tác của rất nhiều họa sỹ nổi tiếng và có cá tính trong làng mỹ thuật Việt Nam, đó là những họa sỹ như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu… Qua công tác nghiên cứu, phân tích, tìm hiểu với nhiều tâm huyết, Dương Tường đã phần nào giúp người đọc có được cái nhìn đa chiều, đa diện về phong cách sáng tác, cũng như cá tính sáng tạo của mỗi cây bút. Bằng những đóng góp của mình trong việc đề xuất, luận bàn các vấn đề về mỹ thuật, Dương Tường đã góp tiếng nói riêng của mình trong việc nghiên cứu, phê bình mỹ thuật. Cũng vì lý do đó tập tạp luận còn đóng vai trò như một tài liệu thiết thực cho các nhà nghiên cứu cũng như các bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về nền mỹ thuật nước nhà.

Trong phần III, phần Sân khấu - Âm nhạc - Điện ảnh, ngoài việc được cung cấp tri thức về ba bộ môn nghệ thuật đặc sắc thì độc giả còn nhận thấy những phát hiện, những sự khám phá mởi mẻ được tác giả dày công đúc kết trong từng bài viết.

Trong bài Văn Cao và xung động Icare Dương Tường đã nêu ra những nhận định, những khía cạnh mới mẻ ít người biết đến về Văn Cao. Nhắc đến sự nghiệp của Văn Cao, Dương Tường viết: “Văn Cao, trong mắt nhìn của tôi, là một người đổ nhiều bóng tỏa về nhiều phía. Anh là nhạc sĩ Văn Cao, nhà âm nhạc học Văn Cao, họa sĩ Văn Cao, nhà thơ Văn Cao. Ở anh có cả kích thước anh hùng ca, kích thước lãng mạn, kích thước trữ tình, và tất cả những kích thước ấy đều khoáng đạt, phóng mở đến mênh mông.” cuối cùng ông chốt lại: “Văn Cao là một cái gì không khoanh vùng được”. Và khi nói đến nghệ thuật của Văn Cao, Dương Tường chỉ rõ: “Nghệ thuật của Văn Cao không bao giờ là một thứ chủ nghĩa hiện thực sát đất. Hiện thực của anh là một hiện thực ước mơ. Những con đẻ tinh thần tâm linh của anh đều mang cái vẻ riêng biệt chỉ cảm thấy, đoán thấy chứ không phân tích được mà bọn tôi thường định tính là “sang”, là “race”, là “quí phái”. Như tất cả các nghệ sĩ lớn, Văn Cao luôn bị thôi thúc bởi cái mà trong những buổi trao đổi tay đôi với anh, tôi thường gọi là “xung động Icare”. Ở anh cháy bỏng cái khát khao lâu đời của con người muốn bứt khỏi sức hút của mặt đất, dù có phải trả bằng cái giá của cuộc đời mình.” Nói đến nghệ thuật của Văn Cao, Dương Tường đã so sánh với Icare - một con người bình thường nhưng luôn khát khao được bay như những chú chim, được sải cánh trên bầu trời rộng lớn. Và hơn hết, để bay cao hơn, để gần mặt trời hơn, Icare đã phải trả giá bằng cái chết. Qua biện pháp ẩn dụ, Dương Tường muốn cho độc giả thấy được cái khát khao, cái tham vọng của Văn Cao trong việc thăng hoa nghệ thuật, và với nghệ thuật “không bao giờ sát đất” của mình Văn Cao đã đem đến những giá trị mới mẻ, những “ước mơ lóng lánh trong thơ, nhạc, họa”. Dương Tường nhận định: “Văn Cao là sự khát thèm “ra khơi trùng dương

bát ngát”. Văn Cao là nỗi nhớ tiên khi ở dưới trần và nỗi nhớ trần khi ở trên tiên. Văn Cao là hoài vọng không bao giờ thỏa, là nỗi khắc khoải khôn nguôi hướng về cái đẹp” [57, 409 - 410].

Trong bài Những lần nghe Dương Thụ tác giả phát hiện ra một Dương Thụ với những ca khúc mượt mà và giàu cảm xúc lại chỉ là một tâm hồn quá đỗi cô đơn: “Khởi đầu là kẻ độc hành mãi mãi là kẻ độc hành” ông thấy được: “Dương Thụ, người viết những ca khúc của một mô-tip đơn nhất trở đi trở lại day dứt như cuộc ái ân chưa trọn” [57, 458].

Trong bài Nghĩ về một tiếng “không” với cái ác, Dương Tường đã phân tích, luận bình về kịch phẩm “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ, trong bài, ông có những nhận xét, những đánh giá rất chân thực khách quan về nội dung và tiến trình của vở kịch. Theo Dương Tường, những sáng tạo của Lưu Quang Vũ đó là việc cải biên một cốt truyện bình thường thành một vở kịch vừa có tính giải trí, đồng thời lại cũng mang tính thời sự sâu sắc. Theo ông, đó là một sáng tạo không phải ai cũng có thể nghĩ đến.

Trong bài Jane, tôi nghe chị hát…, Dương Tường chia sẻ với độc giả cảm nhận của mình về một diễn viên Hollywood người Mỹ, tên là Jane. Qua cách Dương Tường miêu tả về Jane trong bài viết, ta thấy sự giản dị nhưng cũng chất chứa về tình cảm của một con người, chứ không miêu tả Jane trong vai trò một ngôi sao nổi tiếng thế giới. Những ngôn từ, những câu văn của Dương Tường ngập tràn tình cảm tha thiết, nó không chỉ biểu lộ tâm trạng tác giả, mà còn phơi bày những giá trị nhân văn được ẩn chứa trong trái tim và suy nghĩ của Jane. Độc giả đọc và cảm nhận được niềm xúc động dâng lên mãnh liệt, sự đồng cảm, niềm thương yêu giữa con người với con người và hiện thực cuộc sống đầy rẫy nỗi đau chiến tranh, thiếu thốn, khó khăn trong những năm kháng chiến chống Mỹ: “Chị đã khóc những giọt nước mắt xót xa trên những con đê bị bom, trên những đau đớn của những nạn nhân các cuộc tàn phá của không quân Mỹ mà chị đã gặp trong lần đến thăm bệnh viện Bạch Mai. Chị đã khóc những giọt nước mắt sung sướng và

cảm động trên chiếc máy quay phim do Xưởng phim thời sự - tài liệu Việt Nam tặng chị trong buổi gặp gỡ với anh chị em trong xưởng, chiếc máy quay đã từng ghi lại nhiều hình ảnh trong cuộc chiến đấu của chúng tôi cũng như những bằng chứng về tội ác của đế quốc Mỹ. Chị đã vui thích một cách hồn nhiên khi được biết ở Việt Nam có những phụ nữ là đạo diễn điện ảnh và quay phim. Một mối đồng cảm sâu sắc tôi đã đọc được trong mắt chị khi nghe chị hát: “Dậy mà đi, đồng bào ơi…” Chị không hát một bài hát Mỹ. Chị hát một bài ca quật khởi Việt Nam. Chị hay nhắc đến lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của Việt Nam. Như chúng tôi, chị tin chắc ở thắng lợi cuối cùng của Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước hiện nay” [57, 463]. Đọc những dòng đầy cảm xúc của Dương Tường viết, độc giả hoàn toàn chìm đắm trong nỗi suy tư và rung động nội tâm. Dương Tường hướng độc giả đến những rung động rất “người”, rất đời thường, rất tự nhiên qua lối viết chân thành, mộc mạc và ngập tràn cảm xúc. Những câu văn giản dị đó dường như chạm đến được với trái tim người đọc, và rồi rung lên một hồi chuông rất trong, rất thanh về tình người.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp luận của Dương Tường (Qua khảo sát tập Chỉ tại con chích chòe) (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w