Trong cuốn Chỉ tại con chích chòe, ngoài sự đầu tư trong nghệ thuật tổ chức các bài tạp luận nói riêng thì tác giả Dương Tường cũng rất chú trọng tới nghệ thuật tổ chức tập tạp luận nói chung.
Về hình thức, tập tạp luận được tác giả chia ra ba phần rõ rệt, phần I là phần Văn học - Ngôn ngữ, phần II là Mỹ thuật, phần III là Sân khấu - Âm nhạc - Điện ảnh. Qua cách phân chia tập tạp luận của Dương Tường, ta có thể thấy được bố cục của tập tạp luận được phân chia rất cụ thể, rõ ràng và mang tính hệ thống.
Cách phân chia này trước hết cho thấy tính cách của tác giả. Ông vốn là người khá cầu toàn, và là một người cha khó tính trước những đứa con tinh thần của mình. Với ông, việc sinh ra những đứa con tinh thần một cách hoàn thiện nhất, chỉn chu nhất luôn là mục tiêu lớn.
Cách phân chia này cũng cho thấy sự tôn trọng độc giả của Dương Tường. Với một tác phẩm mang tính hệ thống, rõ ràng, bài bản như tập tạp luận Chỉ tại con chích chòe thì độc giả sẽ rất thuận tiện trong việc tìm đọc những phần mà mình yêu thích.
Cách phân chia tập tạp luận một cách cụ thể, hệ thống và rõ ràng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu của các nhà phê bình, học giả. Cuốn tạp luận Chỉ tại con chích chòe của Dương Tường từ khi xuất bản đã tạo được tiếng vang lớn trên văn đàn trong nước và được giới phê bình đánh giá cao. Đây là tập tạp luận với hình thức thể hiện phong phú, cùng nội dung rất đa dạng, bao trùm lên nhiều lĩnh vực văn học và nghệ thuật. Điều đó đồng nghĩa với việc, tập tạp luận là một tài liệu nghiên cứu có chất lượng đối với các nhà phê bình cũng như các học giả trong và ngoài nước. Việc tác giả phân chia tập tạp luận một cách có hệ thống và bài bản như vậy phần nào khiến công tác nghiên cứu trở nên dễ dàng hơn.
Về nội dung, tác giả Dương Tường triển khai tập tạp luận đi từ phần lớn đến phần nhỏ, đi từ những vấn đề “thế mạnh” nhất cho đến những vấn đề ít thế mạnh hơn. Trước hết, ông triển khai những vấn đề thuộc về chuyên
ngành của mình, đó là các tác phẩm dịch thuật, những vấn đề văn học và ngôn ngữ để trình bày trước. Đây hoàn toàn là mảng “thế mạnh” của Dương Tường. Sau khi trình bày phần Văn học - Ngôn ngữ, Dương Tường mới đi vào triển khai những vấn đề khác mà tác giả quan tâm, đó là Mỹ thuật, Sân khấu - Âm nhạc - Điện ảnh.
Đề tài trong tạp luận của Dương Tường mang tầm vóc nghiên cứu chuyên ngành, tỉ mỉ, sâu sắc, mang tính logic cao. Cụ thể, trong tiểu luận nghiên cứu Nghìn năm mỹ thuật Việt Nam được Dương Tường bố trí trong phần II, phần Mỹ Thuật, tác giả bộc lộ tầm hiểu biết sâu rộng của mình qua công trình nghiên cứu về sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam qua từng thời kỳ, từ đó ông hướng nhãn quan để độc giả thấy một khía cạnh mới của Mỹ thuật Việt Nam: một nền Mỹ thuật chưa bao giờ là sự vay mượn tạp nham, xô bồ, mà là nền Mỹ thuật có nền tảng lâu đời, với truyền thống riêng bắt nguồn từ lịch sử phát triển của dân tộc.
Dương Tường đến với đề tài này với một tâm niệm rất bỏng cháy, với tư cách của một người con của dân tộc muốn “minh oan” cho nền Mỹ thuật truyền thống của nước nhà, Dương Tường với tư cách là một nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật, đồng thời cũng là một họa sỹ thì ông luôn“muốn khẳng định lại một điều đã từng gây ngộ nhận kéo dài trong giới nghiên cứu ở phương Tây” đó là “Nhiều học giả phương Tây đã nhìn nhận mỹ thuật cổ Việt Nam như là một phái sinh của văn minh Trung Hoa hay Ấn Độ, hoặc một hệ quả hỗn hống của cả hai” [57, 382]. Trước nhận định mang tính chất bề mặt đến từ các học giả phương Tây thì Dương Tường không thể khoanh tay đứng nhìn, ông cho rằng “Điều đó gây thiệt thòi cả cho vị trí của văn hóa và mỹ thuật cổ Việt Nam, cả cho nhân loại bởi không biết đến giá trị thực sự của nền mỹ thuật này, ít nhất cũng tương tự như mỹ thuật cổ của Nhật Bản và Triểu Tiên trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc”, hẳn nhiên với quan điểm này, Dương Tường muốn hướng độc giả tới nguồn cội của nền mỹ thuật, ông cho rằng mỗi quốc gia đều có cội nguồn xuất phát riêng, mỹ thuật
cũng vậy, đều có sự khác biệt, có bản sắc riêng của mỗi quốc gia. Trong khi đó, nếu nền mỹ thuật của Nhật Bản, của Triều Tiên được thế giới công nhận như một bản sắc riêng, được ca ngợi, được nghiên cứu, tìm hiểu như là một chỉnh thể độc lập dưới ảnh hưởng của Trung Quốc thì nền mỹ thuật Việt Nam lại bị hiểu là được sinh ra, được “phái sinh” từ văn minh Trung Quốc và Ấn Độ, tức là không có nguồn cội, không có bản sắc, truyền thống riêng biệt của quốc gia mà được lấy hoàn toàn từ hai nền văn minh lớn kể trên. Dương Tường cho rằng, đó hoàn toàn là một cách nhìn phiến diện, thiếu tầm bao quát và chiều sâu, ông khẳng định mỹ thuật Việt Nam, cũng như của các nước bạn như Triều Tiên, Nhật Bản không phải là “một phái sinh của văn mình Trung Hoa hay Ấn Độ” như nhiều học giả trước đây lầm tưởng, mà nó chỉ là “trong vòng ảnh hưởng” mà thôi. Để chứng minh cho luận điểm của mình, ông đi vào tìm hiểu, vận dụng những kiến thức sâu rộng về lịch sử, văn hóa, địa lý của từng vùng miền để minh chứng cho ý kiến và quan điểm của mình. Dương Tường vạch ra cả một chặng đường mỹ thuật bao gồm hội họa, điêu khắc, kiến trúc kéo dài từ thế kỷ thứ X đến nay, ông khẳng định: “Trong lịch sử lâu dài của mình, văn hóa Việt Nam đã vượt qua tổng cộng hơn một nghìn năm đô hộ Tây - Tàu để tồn tại, chẳng những không mất đi bản sắc riêng mà còn giàu thêm là đằng khác” [57, 382-383 ].
Mặc dù bài nghiên cứu muốn chứng minh nguồn gốc mỹ thuật có truyền thống, bản sắc của Việt Nam, với những dẫn chứng rõ ràng và được tác giả trình bày, triển khai rất bài bản, hệ thống… nhưng Dương Tường cũng không hề phủ nhận tầm ảnh hưởng của các nền văn minh lớn trên thế giới. Ông khẳng định: “Việt Nam mắc nợ hai nền văn minh lớn kể trên, cũng như sau này mắc nợ thêm văn hóa Pháp, điều đó chúng ta không bao giờ phủ nhận; song như vậy không có nghĩa văn hóa Việt Nam là một bản sao của những nền văn hóa kia”. Theo tác giả Dương Tường thì mỹ thuật Việt Nam không phải là “một hệ quả hỗn hống” hay là “một phái sinh”, “một bản sao” của bất kỳ nền văn minh nào mà đó là một quá trình “biết hấp thu có
chọn lọc và tiêu hóa những tinh hoa của những nền văn hóa khác mà nó từng tiếp xúc”. Ông ví von mỹ thuật Viêt Nam như một vật thể sống với chức năng riêng biệt: “nó có bộ tiêu hóa tốt, đặc trưng của những nền văn hóa dồi dào sức sống” [57, 383].
Tuy đề tài trong tạp luận của Dương Tường có lúc cao siêu, mang tầm vóc nghiên cứu chuyên ngành, sâu sắc, nhưng cũng có lúc rất giản dị, phản ánh chân thực những cảm xúc và rung động rất đời thường của con người. Trong bài Dạo ấy ở đầu phố Hàng Vôi tác giả đề cập đến lối sống khó khăn của văn nghệ sỹ thời kỳ sau giải phóng những năm 55 - 56: “Cái thuở hàn vi ấy, một tách cà phê sáng kèm theo suất bánh mì ốp-lếp, hay cặp chả, đối với chúng tôi đã là một mức sinh hoạt khó duy trì hàng ngày” [57, 376]. Qua bài viết ông miêu tả một phần lối sinh hoạt của họ thông qua thói quen “gặp gỡ uống cà-phê”, rồi “ghi sổ” của giới văn nghệ sỹ lúc bấy giờ. Những câu văn của Dương Tường mang hơi hướng hồi tưởng, hoài niệm, do đó nó rất sinh động và giản dị: “Chủ quán, ông Nguyễn Văn Lâm, là một người nhỏ bé, mắt kèm nhèm, hấp hím, bọn tôi thường gọi là “Lâm Khói”, hoặc thân mật suồng sã hơn, “Lâm Toét”” [57, 376]. Đọc cách miêu tả người chủ quán ngày nào của Dương Tường, cũng như biệt danh mà ông và bạn hữu đặt cho chủ quán, độc giả hoàn toàn cảm nhận được sự thân mật, gần gũi của tác giả với người bạn “Lâm Toét”, đó là sự tự nhiên, thân tình chỉ đến từ những người bạn lâu năm. Dương Tường còn kể đến kỷ niệm đáng nhớ về những lần “ghi sổ” của anh em văn nghệ sỹ trong thời buổi kinh tế quá khó khăn sau giải phóng: “Trừ những bận có tiền trả ngay - không thường xuyên lắm - bọn tôi được quyền tự “ghi sổ”. “Sổ” đây không phải bằng giấy, mà bằng bức tường kề ngay đó. Bằng một mẩu bút chì, hoặc một cái đinh, thậm chí một que sắt, bọn tôi ghi tên mình trên tường, mỗi lần thiếu tiền, tự giác vạch một vạch, cứ năm lần thành một đơn vị tượng trưng bằng một hình vuông có đường chéo góc” [57, 377]. Nhắc đến kỷ niệm vui này, Dương Tường có sự so sánh rất hóm hỉnh: “Quán cà-phê đầu phố Hàng Vôi ấy, do vậy, về một
mặt nào, có một cái gì gợi nhớ đến quán La Rotonde ở Paris thuở hàn vi của những Picasso, Matisse, Apollinaire…” [57, 377].
Đề tài trong tạp luận của Dương Tường hướng độc giả đến những rung động rất “người”, rất đời thường, rất tự nhiên qua lối viết chân thành, mộc mạc và ngập tràn cảm xúc. Cụ thể, trong bài Jane, tôi nghe chị hát… Dương Tường chia sẻ với độc giả cảm nhận của mình về một diễn viên Hollywood người Mỹ, tên là Jane. Qua cách Dương Tường miêu tả về Jane trong bài viết, ta thấy sự giản dị nhưng cũng chất chứa về tình cảm của một con người, chứ không xúc động vì Jane là một ngôi sao nổi tiếng thế giới. Những ngôn từ, những câu văn của Dương Tường ngập tràn tình cảm tha thiết, nó không chỉ biểu lộ tâm trạng tác giả, mà còn thể hiện những giá trị nhân văn được ẩn chứa trong trái tim và suy nghĩ của Jane. Độc giả đọc và cảm nhận được niềm xúc động dâng lên mãnh liệt, sự đồng cảm, niềm thương yêu giữa con người với con người và cuộc sống đầy rẫy nỗi đau chiến tranh, thiếu thốn, khó khăn trong những năm kháng chiến chống Mỹ: “Chị đã khóc những giọt nước mắt xót xa trên những con đê bị bom, trên những đau đớn của những nạn nhân các cuộc tàn phá của không quân Mỹ mà chị đã gặp trong lần đến thăm bệnh viện Bạch Mai. Chị đã khóc những giọt nước mắt sung sướng và cảm động trên chiếc máy quay phim do Xưởng phim thời sự - tài liệu Việt Nam tặng chị trong buổi gặp gỡ với anh chị em trong xưởng, chiếc máy quay đã từng ghi lại nhiều hình ảnh trong cuộc chiến đấu của chúng tôi cũng như những bằng chứng về tội ác của đế quốc Mỹ. Chị đã vui thích một cách hồn nhiên khi được biết ở Việt Nam có những phụ nữ là đạo diễn điện ảnh và quay phim. Một mối đồng cảm sâu sắc tôi đã đọc được trong mắt chị khi nghe chị hát: “Dậy mà đi, đồng bào ơi…” Chị không hát một bài hát Mỹ. Chị hát một bài ca quật khởi Việt Nam. Chị hay nhắc đến lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của Việt Nam. Như chúng tôi, chị tin chắc ở thắng lợi cuối cùng của Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước hiện nay” [57, 463]. Đọc những dòng đầy cảm xúc của Dương Tường viết,
độc giả hoàn toàn chìm đắm trong nỗi suy tư và rung động nội tâm. Những dòng đầy cảm xúc đó dường như chạm đến được với trái tim người đọc, và rồi rung lên một hồi chuông rất trong, rất thanh về tình người. Quả thật, ngoài viết thơ với nhiều đề tài độc và lạ, ngoài dịch thuật với nhiều tác phẩm kinh điển, để đời, Dương Tường còn viết được những dòng tạp luận tràn đầy cảm xúc. Đọc và theo dõi hoạt động sáng tác của Dương Tường, độc giả không khỏi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tuổi tác dường như không ngăn chặn được sức sống của một trái tim vẫn còn sung sức, vẫn ngập tràn đam mê và hừng hực sáng tạo…
Tập tạp luận của Dương Tường mang tính sáng tạo và cụ thể về mặt hình thức thể hiện, đa dạng về mặt nội dung. Tác giả tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn cho độc giả thấy được khả năng cấu trúc tập tạp luận một cách rất bài bản, khả năng viết đa dạng, về nhiều loại đề tài. Đọc Chỉ tại con chích chòe, độc giả không chỉ đọc một cuốn sách hay, mà còn có thể thấy được nghệ thuật tổ chức tập tạp luận một cách công phu, tinh tế cả về hai mặt nội dung lẫn hình thức thể hiện.