Nghệ thuật lập luận, đó là hành động lập luận một cách logic, chặt chẽ và dễ hiểu bằng những ví dụ cụ thể để thuyết phục người đọc chấp nhận luận điểm của mình đưa ra.
Chỉ tại con chích chòe là cuốn tạp luận tập trung những bài viết tiêu biểu của Dương Tường từ những năm 80, 90, dài hơn 400 trang với gần 100 bài viết được chia làm ba phân khúc: Văn học - ngôn ngữ, Mỹ thuật, Sân khấu - Âm nhạc - Điện ảnh cùng một số phụ lục. Vẫn văn phong kiệm lời quen thuộc, tác phẩm chạm đến người đọc như sự mở lời làm quen, không ràng buộc, không ép uổng, ý thì cứ yên ả, đầm ấm mà tinh tế, lặng lẽ nhưng chẳng bao giờ vô hình.
Tập tạp luận Chỉ tại con chích chòe cho thấy lập luận của Dương Tường ở từng bài viết rất logic, chặt chẽ, với văn phong rất riêng của mình: súc tích, ngắn gọn, thể hiện rõ cá tính của người viết. Dương Tường viết như thể ghi lại cho chính mình, như đang trò chuyện với chỉ một bạn đọc tuy vô hình nhưng hết sức thân thiết. Trong lập luận, ông luôn bám chắc vào quan điểm đã nêu trước của mình, đưa ra lý lẽ vững chắc để bảo vệ cho các quan điểm đó. Tuy là tạp luận nhưng ở từng bài cụ thể, ông đều có hệ thống những luận điểm, luận cứ, luận chứng không dễ bắt bẻ.
Viết tạp luận, Dương Tường có cách triển khai bài viết rất khoa học, logic. Với cách triển khai đó, bài viết đã góp phần bộc lộ tối đa được ý tưởng mà tác giả muốn thể hiện. Nhìn chung, ông triển khai bài viết rất có hệ thống, theo một trình tự lớp lang rất rõ ràng, bài bản.
Cụ thể, trong bài Nghìn năm mỹ thuật Việt Nam Dương Tường trình bày bài viết theo trình tự các sự kiện lịch sử, đó là từ khi nền mỹ thuật Việt Nam đang trong thời kỳ hoang sơ, khởi thủy cho đến khi phát triển và đồng hành trên từng chặng đường đi lên của dân tộc. Bên cạnh hệ thống kiến thức được