3.1. Những định hƣớng cơ bản
Mục đích trọng tâm và cơ bản của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong mối quan hệ với người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Để bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật đã quy định những chuẩn mực, quy tắc nhất định trong hành vi xử sự của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong quan hệ với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tiễn công tác bảo vệ người tiêu dùng thời gian qua cho thấy nhiều vụ xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng từ phía người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thiếu độ an toàn cần thiết tràn lan trên thị trường. Nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh như hành vi gây nhầm lẫn, lừa dối khách hàng; quảng cáo gian dối, không trung thực, quảng cáo so sánh; lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, liên kết để tăng giá, ép giá;… gây tổn thương người tiêu dùng. Tình trạng cân, đo, đong, đếm sai, thiếu diễn ra hàng ngày, ở khắp nơi với đủ mọi phương thức ngày càng tinh vi, không chỉ là với những hàng hoá thông thường mà thậm chí cả xăng dầu, taximet “móc túi” của người tiêu dùng hàng tỷ đồng. Thực phẩm không an toàn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng trong rau quả, thịt gia súc, gia cầm; nước tương chứa chất 3-MCPD gây ung thư; xăng pha aceton gây hỏng động cơ gắn máy; sữa nghèo đạm;… đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Có thể nói tình hình xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng tăng về số lượng, quy mô, phạm vi lẫn mức độ vi phạm. Thực tế đó không những trực tiếp xâm phạm đến tài sản, sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng mà còn tác động
xấu đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó nguyên nhân quan trọng là hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng nói chung và pháp luật về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ nói riêng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu trên thực tế. Đa số những quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 chỉ mang tính nguyên tắc, khẩu hiệu chung chung, chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả trên thực tế. Để thực hiện các quy định này, nhiều văn bản pháp luật khác được dẫn chiếu áp dụng. Tuy nhiên, các văn bản này đa phần chưa tính đến đặc thù mối quan hệ giữa người tiêu dùng và người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Nhiều quy định chưa mang tính cập nhật, chưa bao quát hết các vấn đề nảy sinh trong quá trình tự do hoá thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải xem xét lại tính khả thi, tính hiệu lực, tính phù hợp và tính toàn diện của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có pháp luật về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần bảo đảm một số định hướng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam.
Trong những năm qua, cùng với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, nền kinh tế nước ta cũng có nhiều chuyển biến sâu sắc, tích cực. Nền kinh tế luôn đạt mức tăng trưởng cao. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bước đầu được hình thành. Nền kinh tế nước ta ngày càng
hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO). Sự phát triển nền kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cho đất nước ta nhiều cơ hội, nhưng cũng tạo ra không ít những khó khăn, thách thức. Là lực lượng đông đảo trong nền kinh tế, người tiêu dùng Việt Nam cũng không đứng ngoài những tác động đó.
Sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế không những góp phần gia tăng thu nhập cho người tiêu dùng mà còn tạo cho người tiêu dùng nhiều cơ hội lựa chọn hàng hoá với chủng loại ngày càng phong phú, chất lượng ngày càng được nâng cao và giá cả cạnh tranh. Sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế thị trường cũng sẽ góp phần kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh, các hành vi xâm phạm lợi ích người tiêu dùng.
Tuy nhiên, mặt trái của một nền kinh tế đang chuyển đổi cũng đã và đang tạo ra những tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Lợi nhuận trở thành mục tiêu cao nhất và cuối cùng của bất cứ hoạt động kinh doanh nào. Việc theo đuổi mục tiêu này bất chấp quyền lợi của người tiêu dùng là mặt trái của nền kinh tế thị trường. Đây đồng thời là mặt trái của hội nhập kinh tế khi áp lực cạnh tranh gay gắt buộc người kinh doanh phải tính đến mọi phương thức tối đa hoá lợi nhuận. Người tiêu dùng buộc phải đối mặt với hàng loạt những chiêu thức kinh doanh gian dối, không trung thực và được nguỵ trang dưới những hình thức ngày càng tinh vi hơn. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam lại chưa đủ sức để chống đỡ, đối phó với những thủ đoạn xâm phạm ngày càng tinh vi của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng vì thế cũng cần phải trở thành công cụ hữu hiệu nhất bảo vệ người tiêu dùng tránh khỏi những tác động tiêu cực của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các mối quan hệ xã hội liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có quan hệ giữa người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và người tiêu dùng, lại biến đổi không ngừng do chịu sự tác động liên tục của quá trình hội nhập kinh tế. Trong khi đó, hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, nhất là văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp nhất các quan hệ xã hội này là Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 lại không theo kịp với sự thay đổi nhanh chóng của quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh, dẫn đến sự không phù hợp và không hiệu quả trong quá trình thực thi. Yêu cầu đặt ra là các quy định của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng nói chung và pháp luật về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ với người tiêu dùng nói riêng phải dự liệu được những vấn đề mới phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội.
Hơn nữa, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng đòi hỏi sự phù hợp của hệ thống pháp luật kinh tế, trong đó có pháp luật bảo vệ người tiêu dùng với những nguyên tắc, thông lệ quốc tế.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng phải đặt trong tổng thể việc hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
Là một bộ phận không thể thiếu của hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng vì thế có liên quan chặt chẽ đến các quy định khác của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng như các quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; về giải quyết tranh chấp giữa người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ với người tiêu dùng; về chế tài xử lý vi phạm; về cách thức tổ chức và hoạt động của các thiết chế bảo vệ người tiêu dùng nói chung; của các cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, Toà án
nhân dân các cấp và Hội bảo vệ người tiêu dùng nói riêng. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng phải đặt trong chỉnh thể việc hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
Tính thống nhất của hệ thống pháp luật thể hiện trên các phương diện: thống nhất về hiệu lực, thống nhất về mục tiêu điều chỉnh, thống nhất về quan hệ thứ bậc của các văn bản chứa các quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh một loại quan hệ xã hội. Thống nhất về hiệu lực có nghĩa là các văn bản pháp luật chứa các quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh một loại quan hệ xã hội phải bảo đảm không mâu thuẫn nhau, văn bản do cơ quan cấp dưới ban hành không được trái với văn bản của cơ quan cấp trên. Thống nhất về về mục tiêu điều chỉnh có nghĩa là mục đích của Nhà nước trong việc thiết lập trật tự đối với các quan hệ xã hội thể hiện trong các văn bản pháp luật không mâu thuẫn nhau và phải nhất quán. Thống nhất về quan hệ thứ bậc có nghĩa là các văn bản pháp luật chứa các quy phạm pháp luật gốc phải đóng vai trò là nền tảng cho các quy phạm pháp luật khác.
Để đạt được mô hình có tính hệ thống, các văn bản trong hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng phải có hiệu lực pháp lý cao (cấp độ luật) và có văn bản làm nền tảng chung cho hoạt động bảo vệ người tiêu dùng. Văn bản này đóng vai trò là trung tâm của hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, vừa là cơ sở cho các văn bản chuyên ngành, vừa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa hệ thống pháp luật công và hệ thống pháp luật tư trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ ba, xác định nhiệm vụ trọng tâm của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có pháp luật về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của người tiêu dùng và người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Nhiệm vụ trọng tâm của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, “vì người tiêu dùng”. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong các quy định của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có các quy định về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Pháp luật về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng vì thế phải tính đến vị trí “yếu thế” của người tiêu dùng trong mối tương quan với người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; đảm bảo loại trừ các khả năng người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thể lợi dụng vị trí thế mạnh của mình để xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng là “trung tâm”, là đối tượng được bảo vệ của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, pháp luật sẽ khó nhận được sự đồng tình của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ - những người trực tiếp thực hiện những nghĩa vụ mà pháp luật quy định, nếu những quy định ấy quá thiên về bảo vệ người tiêu dùng mà không tính đến quyền lợi chính đáng của họ. Vấn đề đặt ra là pháp luật bảo vệ người tiêu dùng phải được xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở đảm bảo sự hài hoà lợi ích giữa người tiêu dùng và người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Thực tế cho thấy người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cũng dễ bị rơi vào vị trí bất lợi trong quan hệ với người tiêu dùng. Hành động phản đối, tẩy chay, kiện cáo của người tiêu dùng có thể ảnh hưởng ngay tới thương hiệu mà người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đã nhiều năm giữ gìn và xây dựng. Vì vậy, pháp luật về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải tạo ra cơ hội và điều kiện nhằm khắc phục vị thế bất cân xứng của người tiêu dùng trong mối quan hệ với người kinh doanh hàng hoá dịch vụ. Pháp luật vì thế, một mặt đề cao nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mặt khác vẫn phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ thể này. Luật không thể hiện xu hướng quá thiên về bảo vệ người tiêu dùng mà hạn chế đi quyền, lợi ích hợp
pháp của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, tránh tạo ra những kẽ hở để một số cá nhân lợi dụng quyền lợi của người tiêu dùng gây thiệt hại cho người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Thứ tư, pháp luật phải quy định cụ thể và chi tiết về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng và có chế tài đủ nghiêm khắc để răn đe, trừng phạt thích đáng những trường hợp vi phạm.
Một trong những hạn chế của pháp luật về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ là còn nhiều những quy định chung chung, thiếu tính cụ thể, gây khó khăn cho quá trình thực thi pháp luật. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải đảm bảo tính cụ thể, chi tiết để người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thể dễ dàng nắm bắt được những nghĩa vụ mà mình cần phải thực hiện để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Những quy định về quyền của người tiêu dùng và nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ sẽ không được thực hiện trên thực tế nếu thiếu các chế tài bảo đảm việc thực hiện. Thiếu chế tài hoặc chế tài thiếu tính răn đe sẽ khiến cho các quy định của pháp luật chỉ mang tính khẩu hiệu và làm cho người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trở nên coi thường nghĩa vụ của mình. Trong khi đó, việc thiếu chế tài mang tính răn đe đối với các hành vi vi phạm lại là một trong những điểm yếu cơ bản của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Do vậy, việc hoàn thiện các quy định liên quan đến chế tài xử lý vi phạm đối với người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ là hết sức cần thiết. Việc hoàn thiện này phải đảm bảo tính răn đe, trừng phạt thích đáng đối với mỗi trường hợp vi phạm.
Thứ năm, pháp luật cũng phải tạo ra cơ chế hiệu quả để đảm bảo thi hành pháp luật về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cơ chế pháp lý bảo vệ người tiêu dùng được hiểu là là tổng thể các cách thức, biện pháp do nhà nước quy định và đảm bảo thực hiện nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, chống lại các hành vi xâm phạm. Cơ chế ấy gồm 3 bộ phận có quan hệ mật thiết với nhau đó là: pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng (còn gọi là thể chế bảo vệ người tiêu dùng); các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng (còn gọi là thiết chế bảo vệ người tiêu dùng, thông thường bao gồm ba bộ phận cơ bản là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng, Toà án nhân dân các cấp, các hội bảo vệ người tiêu dùng) và các điều kiện đảm bảo về tài chính, nguồn nhân lực, kỹ năng, kiến thức để các thiết chế bảo vệ người tiêu dùng vận hành.
Là một bộ phận của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, để có được cơ chế hiệu quả bảo đảm thi hành, pháp luật về nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cần phải đảm