Nghĩa vụ bảo hành sản phẩm

Một phần của tài liệu Nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Luận văn ThS. Luật (Trang 29)

Về mặt định nghĩa chung, bảo hành (warranty) vừa giống như chính sách bảo hiểm, vừa là một hợp đồng sửa chữa. Khi một nhà sản xuất đưa ra các điều kiện bảo hành giống như một chính sách bảo hiểm cho sản phẩm của mình, nhà sản xuất sẽ đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng bằng cách sửa chữa, thay thế, hoặc hoàn lại giá mua vào cho người tiêu dùng nếu như trong một khoảng thời gian nhất định, sản phẩm hoặc một phần của sản phẩm bị phát hiện là có khiếm khuyết. Khi nhà sản xuất đó đưa ra các điều kiện bảo hành giống như một hợp đồng sửa chữa cho người tiêu dùng, nhà sản xuất sẽ có nghĩa vụ phải sửa chữa miễn phí tất cả các lỗi hỏng để tối đa hoá thời gian/khả năng hữu dụng của sản phẩm, trong một khoảng thời gian nhất định [11, 55].

Như vậy, có thể hiểu bảo hành sản phẩm là nghĩa vụ pháp lý phát sinh trong quan hệ giữa nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ hay người bán và người tiêu dùng khi phát hiện ra các khiếm khuyết của sản phẩm trong một khoảng thời gian xác định (gọi là thời hạn bảo hành). Nghĩa vụ này bao

gồm việc sửa chữa miễn phí, thay thế phần hoặc bộ phận khiếm khuyết; thay thế hàng hoá, dịch vụ có khiếm khuyết bằng hàng hoá, dịch vụ mới đảm bảo chất lượng; trả lại hàng hoá, dịch vụ và hoàn tiền cho người tiêu dùng.

Nghĩa vụ bảo hành sản phẩm của người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thể phát sinh trên cơ sở một tuyên bố bảo hành công khai của bên sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ tới đông đảo người tiêu dùng hoặc trên cơ sở sự thoả thuận trực tiếp với người tiêu dùng hoặc theo quy định của pháp luật. Việc tuyên bố chính sách bảo hành có thể được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng một tuyên bố phù hợp trong quảng cáo hàng hoá, dịch vụ, trên các phương tiện thông tin, truyền thông hoặc bằng hình thức biểu đạt khác có tính lâu bền dễ hiểu. Khi tuyên bố chính sách bảo hành, người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải sử dụng ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu đối với người tiêu dùng; trong đó phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến sản phẩm bảo hành, tên và địa chỉ cơ sở bảo hành, điều kiện bảo hành, thời hạn bảo hành, thủ tục bảo hành, chi phí bảo hành, gia hạn bảo hành,...

Trong quá trình thực tế bảo hành sản phẩm cho người tiêu dùng, người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải đảm bảo việc sửa chữa, thay thế trong một khoảng thời gian hợp lý, không gây bất tiện đáng kể nào cho người tiêu dùng, có xem xét đến bản chất của hàng hoá và mục đích sử dụng hàng hoá của người tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng được đổi hoặc trả lại sản phẩm hàng hoá, dịch vụ. Người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cũng phải chịu các chi phí cần thiết cho việc bảo hành sản phẩm, tính đến cả chi phí nhân công, vận chuyển, nguyên vật liệu,...

Một phần của tài liệu Nghĩa vụ của người kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Luận văn ThS. Luật (Trang 29)