Trong sản xuất - kinh doanh thực phẩm
Sản xuất thực phẩm là một hoạt động tất yếu của cuộc sống, nếu không sản xuất thì sẽ không có để tiêu dùng. Nhưng vấn đề quan trọng ở đây là sản xuất như thế nào để thực phẩm được bảo đảm an toàn cho người sử dụng, đó cũng là mục tiêu quan trọng hiện nay nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Quá trình sản xuất thực phẩm luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe, vì vậy đảm bảo an toàn cho con người là mối quan tâm chính. Hiện nay Nhà nước cấm không được sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm sau: “Thực phẩm đã bị thiu, thối, biến chất, nhiễm bẩn có thể gây hại cho tính mạng, sức khỏe của con người; Thực phẩm có chứa chất độc hoặc nhiễm chất độc; Thực phẩm có ký sinh trùng gây bệnh, vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật vượt quá mức quy định; Thịt hoặc sản phẩm chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc kiểm tra không đạt yêu cầu; Gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết do bị bệnh, bị ngộ độc hoặc chết không rõ nguyên nhân; sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết do bị bệnh, bị ngộ độc hoặc chết không rõ nguyên nhân; Thực phẩm nhiễm bẩn do bao gói, đồ chứa đựng không sạch, bị vỡ, rách trong quá trình vận chuyển; Thực phẩm quá hạn sử dụng; Sản xuất, kinh doanh động vật, thực vật có chứa mầm bệnh có thể lây truyền sang người, động vật, thực vật; Sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ nguyên
liệu không phải là thực phẩm hoặc hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ, thực phẩm có gen đã bị biến đổi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép; cấm kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.[10]
Suy cho cùng vấn đề ở đây là để sản xuất thực phẩm cung ứng cho người tiêu dùng thì phải sản xuất thực phẩm an toàn theo những quy định của nhà nước, nếu không sẽ vi phạm pháp luật về ATTP.
Trong chế biến thực phẩm
Để có một chế độ dinh dưỡng tốt ngoài việc xác định các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng để cung cấp, bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể, còn bao gồm cả cách chế biến và giữ vệ sinh, an toàn đối với thực phẩm cũng như dụng cụ chế biến. Nhằm đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến nhà nước nghiêm cấm một số hành vi sau: Cấm sử dụng các loại thực phẩm bị ôi thiu, trầy xước, có mùi lạ, có chứa hoá chất, nhiễm chì, chất bảo quản hay thực phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng các dụng cụ chứa đựng, gắp, múc, chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh...Cơ sở chế biến thực phẩm phải thực hiện mọi biện pháp để thực phẩm không bị nhiễm bẩn, nhiễm mầm bệnh có thể lây truyền sang người, động vật, thực vật; phải bảo đảm quy trình chế biến phù hợp với quy định của pháp luật về ATTP; chỉ được phép sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng trong danh mục được phép sử dụng và sử dụng đúng liều lượng, giới hạn quy định; Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình chế biến thực phẩm có trách nhiệm: Sử dụng thiết bị, dụng cụ có bề mặt tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng đồ chứa đựng, bao gói, dụng cụ, thiết bị
bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn, không gây ô nhiễm thực phẩm; sử dụng nước để chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn quy định; dùng chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn, chất tiêu độc an toàn không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng của con người và không gây ô nhiễm môi trường, đó là những yêu cầu cần thiết khi chế biến thực phẩm.
Trong vận chuyển thực phẩm
Cấm chở gia súc, gia cầm sống trên cùng phương tiện chở hành khác và chở thịt, phụ phẩm, các sản phẩm chế biến lẫn với gia súc, gia cầm sống. Cấm vận chuyển gia súc, gia cầm sống ở vùng có dịch bệnh sang vùng khác. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình vận chuyển thực phẩm phải bảo quản thực phẩm và các thành phần của thực phẩm không bị ô nhiễm do các tác nhân sinh học, hóa học, lý học không được phép có trong thực phẩm; nghiêm cấm không được sử dụng phương tiện vận chuyển thực phẩm không bảo đảm các điều kiện sau đây: được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm; dễ dàng tẩy rửa sạch; dễ dàng phân biệt các loại thực phẩm khác nhau; chống được sự ô nhiễm, kể cả khói, bụi và lây nhiễm giữa các thực phẩm với nhau; duy trì, kiểm soát được các điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình vận chuyển, cấm sử dụng phương tiện vận chuyển gia súc, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại để vận chuyển thực phẩm. Phương tiện vận chuyển và bao bì chứa đựng trong quá trình vận chuyển phải được cọ rửa, tẩy trùng khô ráo sạch sẽ trước và sau khi vận chuyển.
Nhóm nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm
Hiện nay để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước ngoài việc sản xuất tiêu dùng cho nhu cầu trong nước thì chúng ta còn trao đổi hàng hóa, hay nhập khẩu một số hàng hóa thực phẩm mà chúng ta chưa thể hay không thể sản xuất được như lúa mì, lúa mạch,... để đáp ứng nhu cầu đó và đảm bảo
được sức khỏe của nhân dân nhà nước cũng đã quy định về việc xuất nhập khẩu hàng hóa thực phẩm. Đối với việc nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm nhà nước nghiêm cấm những hành vi sau: “Cấm nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ, thực phẩm có gen đã bị biến đổi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, đồng thời phải chịu trách nhiệm về ATTP do mình nhập khẩu, xuất khẩu. Ngoài ra còn cấm nhập khẩu Thuỷ sản cấm khai thác, thuỷ sản có dư lượng chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép, thuỷ sản có độc tố tự nhiên gây nguy hiểm đến tính mạng con người ; Giống cây trồng không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh; giống cây trồng gây hại đến sản xuất và sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái ; Giống vật nuôi không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh; giống vật nuôi gây hại cho sức khỏe con người, nguồn gen vật nuôi, môi trường, hệ sinh thái. Nếu trường hợp nhập khẩu, xuất khẩu phải thực phẩm nhập khẩu không đạt yêu cầu ATTP có thể bị thu hồi, tái chế, chuyển mục đích sử dụng, tiêu hủy hoặc tái xuất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý thực phẩm mà mình nhập khẩu, xuất khẩu không đạt yêu cầu.
Nhóm quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm
Quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm là một trong những phương thức giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu, nhận biết về thực phẩm, để có thể lựa chọn thực phẩm nhanh chóng và tốt hơn. Nhưng thực tế hiện nay lại xuất hiện các loại hàng hóa giả, không đảm bảo chất lượng được chào bán ở khắp nơi và quảng cáo không những bị lợi dụng làm mất đi giá trị tích cực mà còn trở thành một tiêu cực làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống trong nhiều lĩnh
vực trong đó có thực phẩm. Để đảm bảo tốt cho sức khỏe của nhân dân và đồng thời ngăn chặn nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhà nước đã cấm một số hành vi liên quan đến việc quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm là việc quảng cáo về thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ, thực phẩm có gen đã bị biến đổi và các vấn đề liên quan đến thực phẩm phải đúng sự thật, rõ ràng, chính xác, trung thực, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Về việc ghi nhãn hàng hóa thì cấm ghi không đầy đủ, chính xác, rõ ràng, cấm việc ghi gian dối về tên thực phẩm, định lượng, thành phần cấu tạo, hay chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của thực phẩm, cấm ghi sai lệch về ngày sản xuất, thời hạn bảo quản hoặc hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, sử dụng thực phẩm và xuất xứ thực phẩm nếu là thực phẩm nhập khẩu...và không được ghi trên nhãn thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào về thực phẩm có công hiệu thay thế thuốc chữa bệnh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đóng gói sẵn trên lãnh thổ Việt Nam phải ghi nhãn thực phẩm trước khi xuất xưởng. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật về ATTP.