Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của NHTM

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hoạt động tín dụng của các NHTM trong quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM việt nam (Trang 27)

1.2.5.1. Nhân tố khách quan

* Môi trường kinh tế- xã hội nơi ngân hàng hoạt động

Về môi trường kinh tế, có rất nhiều nhân tố tác động đến hoạt động tín dụng của ngân hàng mà khi hoạch định chính sách cần phải đặc biệt chú ý:

Một là, năng lực về vốn và SX-KD của khách hàng

Một môi trường tốt cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng phải tập trung đượcnhiều khách hàng cung cấp tiền gửi cho ngân hàng; đồng thời, phải có các khách hàng tiền vay làm ăn tốt để tạo sản phẩm “đầu ra”, giúp ngân hàng có được lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất cho vay và huy động. Điều này không phải do ngân hàng mà là do khách hàng và sức khỏe của nền kinh tế quyết định.

Hai là, tốc độ tăng trưởng kinh tế

Điều hiển nhiên là muốn tín dụng tăng trưởng an toàn - bền vững - hiệu quả thì phải có một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và ổn định. Khi nền kinh tế có đàtăng trưởng nhanh, các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn để mở rộng SX-KD, đây là giai đoạn các ngân hàng áp dụng chính sách tăng trưởng qui mô dư nợ. Mặt khác, khi các doanh nghiệp phát triển tốt, GDP tăng trưởng nhanh, thu nhập của người lao động cũng sẽ tăng theo. Phần thu nhập tăng thêm họ sẽ gửi tiết kiệm vào ngân hàng để kiếm lời và tích lũy dần mua sắm thêm tài sản. Có thêm thu nhập, nhu cầu tiêu dùng cá nhân tăng lên, khả năng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất ra sẽ lớn hơn, sẽ tác động trở lại đến việc mở rộng sản xuất, tăng thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nhưng khi nền kinh tế bước vào chu kỳ suy thoái, ngân hàng cần áp dụng chính sách thu hẹp quy mô tín dụng để giảm thiểu rủi ro.

Ba là, các nguồn lực sử dụng trong quá trình SX-KD

Vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên, lao động được các nhà SX-KD hết sức quantâm. Việc khai thác chúng một cách có hiệu quả sẽ góp phần phát huy được tiềm năngvà lợi thế so sánh của từng vùng, tiểu vùng. Đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp, do đặc điểm chịu sự tác động rất lớn của các điều kiện tự nhiên, nên nhân tố này có ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư vốn TDNH mà các NHTM phải tính toán để hoạch định quản trị tín dụng cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

Bốn là, thị trường chi phối hoạt động tín dụng

Khi nhu cầu thị trường tăng, các doanh nghiệp và người sản xuất vay vốn mở rộng sản xuất để tìm kiếm lợi nhuận. Ngược lại, khi nhu cầu thị trường giảm, sản xuất bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng của người lao động giảm, vốn TDNH sẽ giảm nhanh cả về khối lượng và khả năng thu hồi. Trong xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, khi xây dựng chính sách tín dụng của mình, các NHTM cần chú ý không chỉ đơn thuần đánh giá thị trường nơi đóng trụ sở hoạt động, mà phải có sự đánh giá, dự báo chính xác cả về nhu cầu thị trường trong nước, trong các khu vực và thị trường thế giới.

Năm là, lạm phát tác động tiêu cực đến hoạt động tín dụng NHTM

Một môi trường kinh tế có lạm phát, theo nguyên tắc lãi suất thực bằng lãi suất danh nghĩa trừ tỷ lệ lạm phát, buộc các NHTM phải tăng lãi suất huy động và cho vay. Lãi suất cho vay tăng làm cho khả năng tiếp nhận vốn vay giảm.

Sáu là, yếu tố chính trị - xã hội

Yếu tố chính trị - xã hội có ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của NHTM. Điều này là hiển nhiên vì hoạt động kinh tế luôn gắn liền với hoạt động chính trị - xã hội. Kinh tế và chính trị có mối quan hệ biện chứng với nhau. Muốn kinh tế phát triển ổn định, phải có một thể chế chính trị mạnh và ổn định. Đất nước nào, khu vực nào có chính trị ổn định, trật tự xã hội duy trì

tốt, kinh tế sẽ phát triển. Kinh tế phát triển tốt sẽ góp phần ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Ngược lại, khi chính trị - xã hội bất ổn, sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế; khi nền kinh tế suy thoái sẽ dẫn đến khủng hoảng chính trị và trật tự xã hội sẽ có diễn biến phức tạp.

Trong xu thế toàn cầu hóa về nền kinh tế, sự mất cân bằng về phát triển kinh tế của nước này, khu vực này sẽ kéo theo sự ảnh hưởng về phát triển kinh tế của nướckhác, khu vực khác. Ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ của các nước Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia, Hàn Quốc những năm 1997 - 1998 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước láng giềng như: Nhật Bản, Philipines, Singapore, Đài Loan, Việt Nam…Gần đây, nền kinh tế Mỹ - cường quốc số 1 thế giới về kinh tế - có dấu hiệu bất ổn, thị trường chứng khoán phố Wall suy giảm, kéo theo sự tụt dốc của thị trường chứng khoán toàn cầu. Mặt khác, sự mất ổn định về chính trị của một nước, một khu vực sẽ làm ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển kinh tế của toàn cầu. Tất cả những hệ quả này, rõ ràng ảnh hưởng xấu đến khả năng thu hồi nợ của các ngân hàng đối với các khoản tiền đã cho vay và khả năng tiếp nhận vốn vay của những dự án đã có trong kế hoạch giải ngân mà chính sách tín dụng của ngân hàng phải tính đến.

* Chính sách tài chính, tiền tệ và chính sách tín dụng của Nhà nước

Hoạt động tín dụng của NHTM chịu ảnh hưởng bởi chính sách tín dụng của nhà nước cả về khách quan và chủ quan. Về khách quan, khi nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển một ngành, một lĩnh vực, khu vực kinh tế nào đó, nhà nước sẽ sử dụng các công cụ về tiền tệ - tín dụng như giảm tỷ lệ dư trữ bắt buộc của các NHTM đối với nguồn vốn huy động để đầu tư cho khu vực kinh tế đó, cho các NHTM vay vốn phát triển tín dụng ưu đãi, vốn ODA của các tổ chức quốc tế với lãi suất thấp… Đặc biệt, nhà nước tạo hành lang pháp lý thuận lợi để bảo vệ cho hoạt động tín dụng của NHTM đối với khu vực được khuyến khích phát triển. Do vậy, khả năng sinh lợi của NHTM

có thể cao hơn khi hướng đầu tư vốn tín dụng vào khu vực này hoặc cũng có thể gặp rủi ro khi các định hướng tính khả thi thấp, chẳng hạn định hướng cho chương trình cho vay “đánh bắt xa bờ” trong những năm trước đây.

Về chủ quan, hoạt động tín dụng của NHTM phải tuân thủ mục tiêu chung của chính sách tín dụng quốc gia, vì vậy, buộc NHTM phải điều chỉnh hoạt động tín dụng của mình cho phù hợp với chính sách chung của nhà nước. Để đạt được mục tiêu của mình, nhà nước sử dụng mệnh lệnh hành chính để buộc các TCTD, đặc biệt là các TCTD của nhà nước phải ưu tiên tập trung vốn đầu tư, hoặc rút vốn khỏi đối tượng cần điều chỉnh. Khi nhấn mạnh về hoạt động tín dụng của NHTM phải phục vụ chính sách tín dụng chung của nhà nước, W.Reed và K.Gill viết: “Lý do chủ yếu để NHTM được cấp giấy phép là nhằm phục vụ các nhu cầu tín dụng của cộng đồng. Nếu điều này không được thực hiện sẽ ít có lời biện hộ nào cho sự tồn tại của chúng”

Nước ta từ nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường, vì vậy,mệnh lệnh hành chính trong quản lý kinh tế vẫn được Nhà nước sử dụng khá nhiều trong thời gian qua. Khi nền kinh tế chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường, các hoạt động kinh tế được luật hóa rõ ràng thì tính mệnh lệnh hành chính của Nhà nước sẽ giảm dần. Chính sách tài chính, tiền tệ của nhà nước cũng ảnh hưởng lớn đến quản trị tín dụng của NHTM theo cơ chế tương tự. Hiện nay, nhà nước áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Việc các NHTM phải mua tín phiếu ngân hàng với khối lượng lớn, phải dự trữ bắt buộc lớn… đã buộc họ phải thu hẹp quy mô tín dụng và tăng lãi suất cho vay.

1.2.5.2. Các nhân tố chủ quan

* Khả năng sinh lợi và rủi ro của các khoản cho vay khác nhau

Lợi nhuận là mục tiêu mà hoạt động của các NHTM hướng tới. Nhưng việc tìm kiếm các dự án có lợi nhuận cao thường tiềm ẩn rủi ro không thu được nợ. Bởi vậy, hoạt động tín dụng phải được xây dựng trên cơ sở lựa chọn

phương án tối ưu giữa lợi nhuận có thể có được và rủi ro có thể chấp nhận được.

Giả sử, một NHTM cho vay trung, dài hạn với lãi suất 15% năm, cho vay ngắn hạn với lãi suất 12% năm; rủi ro dự tính của hai loại cho vay tương ứng là 5% và 2%. Vì khả năng sinh lợi của 2 loại cho vay là bằng nhau (15% - 5% = 12% - 2%), nên NHTM quyết định cơ cấu cho vay mỗi loại là 50%. Nhưng sau một thời gian thực hiện, rủi ro cho vay trung, dài hạn là 5%, rủi ro cho vay ngắn hạn chỉ còn 1%; ngân hàngquyết định điều quản trị tín dụng theo hướng tăng cơ cấu cho vay ngắn hạn, giảm cho vay trung, dài hạn.

Trên thực tế, mục tiêu lợi nhuận giữa các NHTM có sự khác nhau. Đối với ngân hàng có khách hàng vay đông, thị phần tín dụng lớn, họ thiên về mục tiêu lợi nhuận hơn khi hoạch định chính sách cho vay. Những ngân hàng mới thành lập, ngân hàng qui mô dư nợ nhỏ, mục tiêu của họ là tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị phần tín dụng; mục tiêu lợi nhuận trong ngắn hạn không là quan trọng nhất, họ theo đuổi chính sách mở rộng tín dụng.

* Chất lượng cán bộ và cơ cấu tổ chức mạng lưới của ngân hàng

Con người là một trong những yếu tố quyết định đến thành công hay thất bại của một ngân hàng.Yếu tố con người gồm các mặt: số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp, cơ cấu nhân sự, phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý và tác nghiệp. Muốn có hoạt động kinh doanh ngân hàng tốt, trước hết phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý giỏi, giàu kinh nghiệm, năng động, phẩm chất đạo đức tốt. Mặt khác phải có đội ngũ cán bộ tác nghiệp giỏi nghiệp vụ, hiểu biết rộng về pháp luật, tinh thần trách nhiệm cao với công việc, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, đặc biệt là phải am hiểu và có kinh nghiệm về lĩnh vực tín dụng mà mình quản lý. Một CBTD chuyên quản các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hay hộ sản xuất muốn chuyển sang quản lý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hay dịch vụ đô thị, thì cần phải có thời gian mới có thể thích nghi và

tích lũy kinh nghiệm, điều mà một NHTM muốn chuyển từ cho vay khu vực nông thôn về đô thị phải lưu ý khi hoạch định quản trị tín dụng.

Đạo đức nghề nghiệp ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của NHTM. Thực tế cho thấy rằng, phần lớn các sai phạm nổi cộm trong hoạt động ngân hàng những năm qua là do đạo đức nghề nghiệp, những người được giao nhiệm vụ đã đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của ngân hàng.

* Công nghệ ngân hàng

Một ngân hàng có trang thiết bị, phương tiện làm việc tiên tiến sẽ phục vụ kịp thời yêu cầu về tiền gửi, cho vay và các hoạt động dịch vụ khác, nâng cao uy tín đối với khách hàng. Đồng thời, giúp cho các cấp quản lý của ngân hàng có những thông tin kịp thời về tình hình hoạt động tín dụng để có những điều chỉnh cho phù hợp. Công nghệ tin học cho phép ngân hàng xử lý kịp thời và chính xác thông tin về tài chính, quan hệ tín dụng, bảo đảm tiền vay, tình hình hoạt động, thông tin pháp lý... của khách hàng. Nhờ có công nghệ thông tin hiện đại mà người quản lý có thể đưa ra những quyết định cần thiết về cho vay, quản lý, theo dõi và áp dụng các chế tài tín dụng phù hợp. Thông tin càng đầy đủ, kịp thời, chính xác và toàn diện thì khả năng phòng ngừa rủi ro trong hoạt động tín dụng càng lớn, chất lượng tín dụng càng được nâng cao. Khoa học công nghệ càng phát triển nhanh thì trang thiết bị, phương tiện càng phải được quan tâm và không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý TDNH.

Tóm lại, khi nghiên cứu về TDNH, cần phải nắm được những nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động của nó. Tùy theo điều kiện phát triển KT-XH, mức độ hoàn thiện môi trường pháp lý của từng nước; tùy theo bộ máy quản lý tổ chức, khả năng cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ, chất lượng cán bộ của mỗi NHTM mà các nhân tố này có mức độ ảnh hưởng khác nhau tới hoạt động tín dụng. Nói cách khác, ở mỗi hoàn cảnh lịch sử cụ thể, mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến hoạt động tín dụng cũng có sự khác nhau. Vấn đề đặt ra là

chúng ta phải biết vận dụng sáng tạo ảnh hưởng của các nhân tố tích cực, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của các nhân tố để nâng cao việc hoạch định và tổ chức thực hiện hoạt động tín dụng ngân hàng.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hoạt động tín dụng của các NHTM trong quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM việt nam (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(110 trang)
w